Việc nữ sinh Song Toàn xin chuyển trường sau khi dũng cảm lên tiếng tố cô giáo không giảng bài suốt 3 tháng đã phần nào phản ánh áp lực mà em phải chịu đựng và sự yếu kém trong công tác tư tưởng cho học sinh của nhà trường.
Mới đây, phụ huynh của em Phạm Song Toàn - học sinh phản ánh việc cô giáo lên lớp 3 tháng nhưng không giảng bài đã đề nghị với Ban giám hiệu trường THPT Long Thới cho em học sinh này chuyển trường. Sự việc này đã phần nào phản ánh được áp lực tâm lý mà em đã phải trải qua trong thời gian vừa rồi.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, công tác tư tưởng cho học sinh của trường THPT Long Thới chưa “đến nơi đến chốn”, dù trước đó, Sở GDĐT TPHCM cũng đã yêu cầu lãnh đạo trường THPT Long Thới phải chú ý, quan tâm đến việc ổn định tâm lý học sinh, nhất là với em Phạm Song Toàn.
Khi học sinh có ý kiến, đề xuất, đặc biệt là liên quan đến phản ánh tiêu cực thì hơn ai hết phía nhà trường cần thể hiện sự ủng hộ bằng cách khen ngợi, biểu dương việc làm của em.
Trước những ồn ào của vụ việc, nhà trường mới chỉ lên tiếng giải thích, hứa vào cuộc điều tra, xem xét trách nhiệm nhưng lại hoàn toàn bỏ qua việc vô cùng quan trọng là ổn định tâm lý học sinh.
Theo phụ huynh, việc em Song Toàn xin chuyển trường xuất phát từ những ồn ào sau sự việc em phản ánh cô giáo dạy Toán suốt 3 tháng lên lớp không giảng bài, không nói chuyện.
“Cá nhân tôi cho rằng, em đang phải chịu áp lực từ chính bạn bè, thầy cô của trường. Hành động nói lên sự thật của em lại đang bị mọi người xung quanh chỉ trích khiến em có mong muốn rời đi”, ông Tùng Lâm nhận định.
Song để tháo gỡ được nút thắt của câu chuyện thì những người xung quanh, trong đó có nhà trường và phụ huynh cần phải tìm hiểu cho kỹ, đâu là áp lực thực sự mà em đang phải đối mặt.
TS Tùng Lâm khẳng định việc em Song Toàn dám lên tiếng trước những cái chưa tốt của nhà trường và thầy cô nơi mình theo học là việc làm đáng hoan nghênh và tạo ra một hiệu ứng tốt. Em đã biết đấu tranh vì quyền lợi của mình và của các bạn, đồng thời hướng tới một môi trường giáo dục cởi mở, tiến bộ. Tuy nhiên, nếu sau việc làm này của mình, em Toàn lại bị dư luận chỉ trích, hay bạn bè xung quanh gây áp lực đến mức phải chuyển trường thì việc này là một chuyện đáng buồn.
Điều quan trọng lúc này là thầy hiệu trưởng, các thầy cô giáo giảng dạy trực tiếp và đoàn thanh niên của trường cần đứng ra giải quyết vấn đề này bằng cách trao đổi, đối thoại với em Toàn, để em tiếp tục theo học ở trường.
TS Lâm bày tỏ lo ngại, nếu em Toàn thực sự xin chuyển trường sau chuyện này thì sẽ không có em học sinh nào còn dám lên tiếng trước tiêu cực nữa và nền giáo dục của chúng ta sẽ là nền giáo dục thụ động một chiều “thầy nói gì, trò chép đấy”.