Do bị nhau thai quấn chân nên ngay từ khi lọt lòng, cả hai chân của Thùy đã bị co quắp, không thể nào duỗi thẳng ra được, nhưng hàng ngày, em vẫn dùng đôi tay tự di chuyển, giúp mẹ nhặt rau, quét nhà, nấu cơm…
Đôi chân không thể đứng vững
>Nguyễn Thị Thùy, 17 tuổi, cựu học sinh lớp 12A3, Trường THPT Hậu Lộc 4, là con út trong gia đình có 3 anh em ở thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Ngày Thùy cất tiếng khóc chào đời, cả gia đình như sụp đổ khi nhìn cô bé nằm trên giường với đôi chân dị tật.
"Bác sĩ bảo, do nhau thai quấn chân nên ngay từ khi sinh ra, chân của cháu đã không thể phát triển như bình thường. Hơn nữa, hội chứng cứng đa khớp từ háng xuống hai chân khiến cháu không thể đứng vững dù cảm giác đau, buồn, tê… vẫn bình thường. Mỗi khi muốn di chuyển phải có người bế, cõng, hoặc cháu phải bò bằng hai tay và đầu gối", bà Bùi Thị Tới (52 tuổi) - mẹ của Thùy buồn rầu nói.
Gia đình Thùy là hộ khó khăn nhất thôn Nam Vượng, nhiều năm trong diện nghèo hoặc cận nghèo. Không chỉ cô em út kém may mắn mà Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1991), anh trai cả của Thùy, cũng không được lành lặn như người khác. Dương bị bệnh động kinh, không thể tự lo cho bản thân dù tuổi đã trưởng thành. Còn anh trai thứ hai hiện đang làm thuê ở Bắc Giang.
Do đặc thù của nghề đi biển nên tuy là trụ cột gia đình nhưng bố của Thùy, ông Nguyễn Văn Thông (57 tuổi) cũng thường xuyên vắng nhà.
"Gia đình tôi khó khăn lắm. Bố các cháu quanh năm đi biển đánh cá thuê, có khi vài tháng mới về nhà một lần. Lao động chính trong nhà nhưng thu nhập của bố cháu cũng không ổn định, có tháng được 4-5 triệu, nhưng nếu tàu không ra khơi thì việc không có, tiền cũng không…
Còn tôi vướng bận hai cháu thế này nên cũng chẳng đi đâu xa được, hàng ngày ai thuê gì làm nấy thôi. Tôi thường đi bóc vỏ tôm hoặc xẻ cá thuê cho các đại lý chế biến hải sản trong thôn, kiếm ngày vài đồng mẹ con qua bữa vậy", bà Tới bùi ngùi tâm sự.
Kỳ tích trong học tập
Hành trình học tập của Thùy quả thực là một kỳ tích. Năm 6 tuổi, giống như các bạn cùng trang lứa, Thùy được mẹ chở đến học ở trường Mầm non Ngư Lộc. Thế nhưng, do không tự đứng được nên Thùy chỉ quanh quẩn bò lết trong lớp học, nhìn các bạn vui đùa, chạy nhảy ngoài sân trường. Đi học được 3 ngày, Thùy nhất quyết không đến lớp nữa, dù mẹ hết lời động viên, khuyên nhủ. Ngậm ngùi gia cảnh, bà Tới đành gạt nước mắt đưa con về nhà.
8 tuổi, Thùy được "đặc cách" học luôn lớp 6, bỏ qua chương trình tiểu học chính quy. Ảnh: Tổ quốc
"Nhiều lần em tự hỏi, tại sao cuộc đời lại bất công với em như vậy? Vì sao các bạn lại may mắn hơn mình khi sinh ra đã có đôi chân hoàn hảo? Cứ nghĩ đến chuyện bản thân sinh ra đã chịu thiệt thòi, em chỉ biết khóc một mình", Thùy nghẹn ngào chia sẻ.
Biết hoàn cảnh gia đình Thùy, "bà giáo" Thông (Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thông) đến tận nhà động viên mẹ cho Thùy đến lớp học tình thương do bà mở dạy miễn phí cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn trong xã.
"Hồi ấy, bà giáo động viên mãi, bảo tôi cứ cho cháu đến lớp, học được chữ nào hay chữ ấy. Những ngày đầu chưa quen, lại sợ bạn bè trêu chọc, Thùy khóc nhiều lắm. Rồi được bà giáo an ủi, động viên, những mặc cảm tự ti trong cháu dần qua đi. Bà giáo khen Thùy nhỏ vậy mà chịu khó học hành, siêng năng, chăm chỉ", bà Tới kể lại.
Thùy luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi ở ngôi trường làng biển. Ảnh: Tổ quốc
Mặc dù khiếm khuyết đôi chân nhưng bù lại, Thùy có tư chất thông minh, sáng dạ nên tiếp thu kiến thức rất nhanh. Những quyển vở sạch chữ đẹp, trang viết ngay lối thẳng hàng dần thay thế nét chữ nguệch ngoạc ban đầu.
Chỉ sau 3 năm học lớp "xoá mù" của "bà giáo làng", tuy không theo giáo trình "đạt chuẩn" nhưng nhận thấy Thùy đã nắm vững kiến thức bậc Tiểu học, cô giáo Thông mạnh dạn giới thiệu nữ học trò khuyết tật vào học luôn lớp 6.
Sau khi kiểm tra kiến thức đầu vào, Ban giám hiệu trường THCS Ngư Lộc đồng ý tiếp nhận Nguyễn Thị Thùy, "đặc cách" cho em được bỏ qua chương trình tiểu học chính quy. Kém tuổi so với các bạn cùng lớp nhưng Thùy trở thành học sinh đặc biệt nhất khi luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi ở ngôi trường làng biển Diêm Phố.
Gần 10 năm qua, bất kể ngày nắng hay mưa, bà Tới đều đặn chở con gái đến trường bằng chiếc xe đạp cũ kĩ. Bao kỷ niệm vui buồn của hai mẹ con trong suốt quãng thời gian ấy cứ như một thước phim quay chậm, vừa mới diễn ra ngày hôm qua.
"Những ngày Thùy học cấp 2 ở gần nhà còn đỡ, chứ từ khi lên cấp 3, việc đi lại vất vả lắm. Hai mẹ con đạp xe từ nhà đến trường mất hơn 20 phút, gặp hôm trời mưa bão thì đúng là nước mưa chan hòa nước mắt, thương con thắt ruột mà chẳng biết phải làm thế nào...", bà Tới bỏ lửng câu chuyện, gạt nước mắt nói.
"Chưa bao giờ gia đình nghĩ đến chuyện em có thể học hết lớp 12...". Ảnh: Tổ quốc
"Nhiều hôm mẹ phải dậy từ sáng sớm để chuẩn bị ăn sáng cho hai anh em, đưa em đến trường rồi mẹ mới về đi làm. Buổi trưa, mẹ lại vội vã đạp xe đến đón em. Không quản ngại nắng mưa, vất vả lo cho em ăn học nhưng chưa bao giờ gia đình nghĩ đến chuyện em có thể học hết lớp 12"... Trong câu chuyện thủ thỉ tâm tình, Thùy luôn hi vọng sớm tìm được việc làm ổn định, có thu nhập để tự nuôi sống bản thân, san bớt gánh nặng với gia đình.
Giấc mơ nơi giảng đường
Những ngày lênh đênh đánh bắt ngoài khơi xa của ông Thông, những bộn bề lo toan thường nhật dồn lên đôi vai của bà Tới và nghị lực vượt qua khiếm khuyết bản thân của Thùy đã được đền đáp xứng đáng.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vừa qua, Thùy xuất sắc đạt 25,5 điểm khối C00 với môn Ngữ văn 8,75 điểm; Lịch sử 8,5 điểm và Địa lý 8,25 điểm.
Thùy chọn ngành Công nghệ thông tin với ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ. Ảnh: Tổ quốc
"Từ nhỏ, em đã mơ ước lớn lên được làm cô giáo dạy chữ cho trẻ em nghèo. Tuy đăng ký thi khối C nhưng bản thân em cũng có sở trường học Toán và các môn Khoa học tự nhiên. Sau thời gian dài tìm hiểu và được thầy cô tư vấn kĩ càng, em quyết định chọn ngành Công nghệ thông tin với mong muốn trở thành lập trình viên máy tính hoặc kỹ sư công nghệ", Thùy chia sẻ.
Theo hình thức xét tuyển học bạ, Thùy đã trúng tuyển vào khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Hà Nội nên em không làm hồ sơ xét tuyển Đại học dù kết quả điểm thi 3 môn khối C00 của Thùy không hề thấp.
"Một phần do đặc thù công việc chủ yếu thao tác trên máy tính, ít phải di chuyển nên em nghĩ học ngành Công nghệ thông tin sẽ phù hợp với hoàn cảnh và những khiếm khuyết của bản thân. Em mong sao sớm tìm được việc làm, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống để đỡ đần bố mẹ, vơi bớt phần nào gánh nặng lo toan trong gia đình". Nghe Thùy chia sẻ về những dự định tương lai mà giọng nói của em cứ nhỏ dần, đôi chỗ dường như thắt nghẹn…
Thùy còn nhiều thua thiệt so với các bạn vì ít có điều kiện tiếp xúc với máy tính. Ảnh: Tổ quốc
Trong thời gian đợi nhà trường thông báo lịch nhập học chính thức, không chỉ gia đình mà bà con làng xóm đều lo lắng cho Thùy. Ngồi bên con, bà Tới trải lòng: "Tôi cũng không biết cháu chọn nghề gì cho tương lai, nỗi lo thì nhiều lắm nhưng tôi luôn tôn trọng quyết định của con.
Tôi cũng định khi nào Thùy nhập học, tôi sẽ ra Hà Nội ở cùng con trong thời gian đầu. Đợi cháu quen với môi trường mới, bắt nhịp được cuộc sống và có thể tự lập trong sinh hoạt hàng ngày, tôi sẽ trở về quê làm thuê kiếm tiền đóng học phí cho Thùy cũng như >chăm sóc con trai đầu bị bệnh động kinh… ". Giọng nghẹn ngào, bà Tới lặng lẽ nuốt những giọt nước mắt vào trong nhưng đôi mắt bà lại ánh lên hi vọng về một tương lai không xa của cô con gái tật nguyền.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc di chuyển, kinh tế gia đình eo hẹp, Thùy còn nhiều thua thiệt so với các bạn ở thành phố lớn vì ít có điều kiện tiếp xúc với máy tính và những kiến thức chuyên ngành công nghệ thông tin. Ngoài ra, nhận thấy khả năng ngoại ngữ của mình còn hạn chế nên trong thời gian này, Thùy tranh thủ lên mạng tìm thêm tài liệu để củng cố vốn tiếng Anh, sẵn sàng cho hành trang phía trước.