Trong cuộc trao đổi với PV, khi nhắc về gia đình và các con ở nhà, nữ nhân viên y tế Lê Thị Tuyền trực tại chốt mềm số 8 thôn Hạ Lôi bật khóc.
Nữ nhân viên y tế bật khóc khi nhắc đến con
Đến chiều 10/4, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh, TP >Hà Nội) với hơn 10.000 dân bước vào ngày thứ 3 bị cách ly, phong toả và nơi đây đã ghi nhận trường hợp thứ 5 mắc COVID-19 .
Kể từ ngày phát hiện bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19, chính quyền địa phương cũng như TP Hà Nội đã khẩn trương vào cuộc mạnh mẽ, từ phun tiêu trùng, khử độc đến lấy mẫu xét nghiệm, lập các chốt kiểm soát y tế..., để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch.
Tính đến chiều 10/4, tại thôn Hạ Lôi có tất cả 9 chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, có 6 chốt cứng và 3 chốt mềm.
Tại các chốt cứng, người dân cũng như lực lượng chuyên môn không thể ra, vào còn tại 3 chốt mềm lực lượng y tế, người cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết có thể di chuyển qua đây nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Chia sẻ với PV, tại chốt mềm đầu thôn Hạ Lôi giáp ranh với thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh), chị Lê Thị Tuyền (nhân viên y tế đang trực tại chốt 8) cho biết, trước đây, chị là nhân viên y tế trường học, từ khi thôn Hạ Lôi có người mắc COVID-19, chị được Trung tâm y tế huyện Mê Linh điều động về đây để hỗ trợ việc trực chốt.
Ngay sau khi nhận tin điều động, chị Tuyền đã mang theo tư trang cần thiết đến thôn Hạ Lôi làm việc.
Chị nói, hoạt động tại chốt mềm số 8 thôn Hạ Lôi sẽ không cho người dân ra, vào thôn mà chỉ nhận thực phẩm, hàng thiết yếu từ bên ngoài gửi vào, tất cả mọi thứ từ trong thôn không được vận chuyển ra bên ngoài.
Công việc của chị Tuyền tại chốt khi có người mang thực phẩm từ bên ngoài tới sẽ cùng với dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, công an... làm công tác khử khuẩn, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong việc phòng, chống dịch COVID-19.
"Khoảng cách giữa tôi và người dân kể cả người đến nhận đồ và người đưa đồ lúc nào cũng phải đủ 2 mét...", chị chia sẻ.
Nữ nhân viên y tế nói rằng, mấy ngày qua lượng đồ ăn chuyển từ bên ngoài vào vùng tâm dịch nhiều, nhưng nhu cầu của người dân bên trong đang bị cách ly cũng là rất lớn bởi thôn Hạ Lôi đông dân với hơn 10.000 người sinh sống.
Mặc dù lượng nhu yếu phẩm vận chuyển qua chốt nhiều, nhưng các thành viên làm việc tại đây không hề cảm thấy vất vả hay mệt nhọc.
Tại chốt chị Tuyền làm việc, người đi ra, vào chỉ có thể là lực lượng chuyên môn trong việc phòng chống dịch COVID-19, người dân tuyệt đối không được đi qua đây, chỉ trừ trường hợp có trường hợp đi cấp cứu.
Trong trường hợp khẩn cấp như vậy, người đi ra khỏi thôn sẽ được khai báo y tế nhanh chóng và đo thân nhiệt. Chị Tuyền và các cán bộ khác làm việc tại đây theo ca và chốt luôn có người trực 24/24.
"Tất cả mọi người trực chốt tại đây đều không được về nhà, ngủ tại chốt và ăn đã có các ban ngành phục vụ.
Lực lượng y tế chúng tôi làm việc tại chốt sẽ chia làm 3 ca. Công việc thực ra cũng vất vả, tuy nhiên do dịch bệnh chúng tôi theo nghề phải chấp nhận...", chị chia sẻ.
Khi nhắc tới gia đình, ánh mắt chị thoáng đượm buồm, rưng rưng nước. Chị cho biết, hiện 2 vợ chồng có con nhỏ, nếu chồng cũng đi trực cháu bé sẽ được gửi cho bà ngoại chăm sóc.
Việc chăm sóc, theo dõi sức khoẻ của các con hàng ngày được chị Tuyền theo dõi qua điện thoại.
"Là phụ nữ công việc sẽ có nhiều khó khăn, khi tôi đi trực chốt như này các con ở nhà sẽ nhớ mẹ...", chị Tuyền bật khóc nói.
Chị tâm sự, mặc dù đang làm việc tại chốt về dịch bệnh COVID-19, nhưng chị không hề lo lắng về vấn đề sức khoẻ mà luôn yên tâm vào công tác phòng, chống dịch bệnh của các cấp chính quyền. Chị mong muốn trong thời gian tới dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để cuộc sống của người dân cũng như gia đình chị trở lại bình thường.
Thiệt hại hàng trăm triệu đồng nếu không bán được hoa
Trong lúc chờ con gái ra lấy đồ, ông Nguyễn Đức Chính (trú tại xóm 3, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) chia sẻ, kể từ ngày thôn Hạ Lôi có dịch ông thường gọi điện cho con gái lấy chồng tại đây xem có cần tiếp tế gì không để mang tới.
Những thứ con gái ông Chính cần mấy ngày qua chủ yếu là rau, quả. Ông mong muốn thời gian tới dịch sẽ dập được nhanh chóng và người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Vừa bốc xong hơn 1.000 cành hoa ly để đưa vào kho lạnh bảo quản chờ hết dịch đưa ra thị trường, anh Nguyễn Quốc Lam (trú tại thôn Hạ Lôi) cho biết, nhà anh trồng hơn 1 mẫu hoa ly đang vào vụ thu hoạch.
Tuy nhiên, do vụ thu hoạch vào đúng đợt dịch COVID-19 nên anh phải thuê, nhờ người cắt, vận chuyển về chốt kiểm dịch rồi ra lấy về bảo quản ở kho lạnh.
Tuy nhiên, hoa sau khi được đưa về kho lạnh sau này cũng không biết có bán được hay không? Bởi anh cũng như nhiều hộ dân trồng hoa tại thôn Hạ Lôi không biết khi nào mới hết dịch còn hoa ly sau khi cắt xong để bảo quản trong kho lạnh chỉ được 15 - 20 ngày.
Diện tích trồng hoa ly nhà anh Lam khoảng 1 mẫu. Theo anh tính toán sơ bộ nếu đợt hoa này không bán được gia đình sẽ mất tổng thiệt hại hơn 300 triệu đồng.