"Anh em tá túc ở căn phòng nhỏ, ẩm thấp này đều là lao động ngoại tỉnh. Dịch Covid-19 đợt 2 bùng phát, thực hiện lệnh giãn cách xã hội, tất cả các công trình xây dựng, buôn bán…đều tạm ngưng. Anh em chúng tôi không có việc làm, tiền không có. Trong lúc phải trả tiền thuê trọ, ăn uống hàng ngày… Mong muốn của anh em chúng tôi là sớm được về quê và cách ly đúng quy định. Về còn có gia đình thì đỡ vất vả hơn”.
Đó là chia sẻ của anh Đỗ Thành Lân (quê Bình Định), là lao động tự do, chuyên làm công cho một số công trình xây dựng trên địa bàn Đà Nẵng. Anh Lân cùng 19 lao động trú cùng xóm trọ và cùng hàng ngàn lao động khác kẹt tại Đà Nẵng do >giãn cách xã hội, phòng chống dịch >Covid-19 hơn 20 ngày nay.
Nỗi lòng người lao động tự do kẹt tại "tâm dịch" Đà Nẵng
Trong 2 căn phòng, mỗi căn khoảng 8m2 của dãy trọ ở phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), nhóm lao động tự do khoảng 20 người đến từ các tỉnh khác nhau tạm tá túc. Họ đã ở đây hơn 20 ngày, từ khi thành phố thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Mọi sinh hoạt, ăn uống, đi lại… đều đảo lộn.
Anh Đỗ Thành Lân cùng những người đàn ông lực lưỡng này, trước dịch họ lao vào công việc kiếm sống, không nghĩ tới chuyện tích lũy. Đùng một cái, dịch tới, họ chơi vơi. Nhiều ngày nay, món ăn thường nhật của họ là mỳ tôm. Nhưng mỳ tôm rồi cũng cạn kiệt, hiện cuộc sống của họ rất vất vả, về quê không được, ở lại cũng không xong.
"Anh em tá túc ở căn phòng nhỏ, ẩm thấp này đều là lao động ngoại tỉnh. Dịch Covid-19 đợt 2 bùng phát, thực hiện lệnh giãn cách xã hội, tất cả các công trình xây dựng, buôn bán…đều tạm ngưng. Anh em chúng tôi không có việc làm, tiền không có. Trong lúc phải trả tiền thuê trọ, ăn uống hàng ngày…Mong muốn của anh em chúng tôi là sớm được về quê và cách ly đúng quy định. Về còn có gia đình thì đỡ vất vả hơn", anh Lân chia sẻ.
Cùng trú dãy trọ, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hương (quê Lương Sơn, Hòa Bình) làm nghề xe kéo bán cá viên chiên. Dịch Covid tới, cả hai xe cá viên chiên di động của hai vợ chồng dừng bánh. Nhiều ngày qua, họ chỉ biết ngồi trong phòng trọ thở dài, việc làm không có, cuộc sống cứ thế khó khăn tăng lên gấp bội.
"Vợ chồng em vào Đà Nẵng thuê trọ căn phòng nhỏ này mỗi tháng 2 triệu đồng. Thường ngày buôn bán nhỏ có đồng vào đồng ra thì đỡ hơn. Giờ dịch tới, chúng em buộc phải nghỉ bán, không có thu nhập, khó khăn lắm. Hôm trước có bà và con ở quê vào chơi cũng mắc kẹt lại do dịch. Giờ chúng em muốn được về quê cho đỡ vất vả, cháu nó chuẩn bị để đi học…", chị Hương cho biết.
Hoàn cảnh hơn, anh Ngân Văn Dũng (quê Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) cùng 4-5 anh em khác không có tiền thuê trọ, đành ra ở nhờ trong một thùng container của người quen trên đường Ngô Quyền. Đã hơn một tuần nay, anh Dũng cùng mấy anh em toàn ăn mỳ tôm cầm cự.
"Chúng tôi mong muốn được về quê và cách ly theo đúng quy định của nhà nước. Ở đây không có việc làm, mọi sinh hoạt, ăn ở rất khó khăn. Về quê còn có gia đình, người thân thì đỡ hơn…", anh Dũng chia sẻ.
Nguyện vọng về quê là có cơ sở, "chia lửa" cho "tâm dịch" Đà Nẵng
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng cho biết: Qua rà soát trên địa bàn phường thì có 330 trường hợp công nhân, sinh viên đang kẹt tại Đà Nẵng và có nhu cầu muốn về quê.
"Chúng tôi đã hỗ trợ trước mắt đối với công nhân ở trọ gạo cũng như nước sát khuẩn và một số nhu yếu phẩm cần thiết để họ tạm thời khắc phục trong quá trình mắc kẹt tại địa phương. Vào chiều 18/8, chúng tôi phối hợp với y tế quận xuống trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 330 đối tượng có nhu cầu về quê này", bà Bình cho biết.
Bà Bình đề xuất, khi những người này được rà soát, lấy mẫu xét nghiệm, nếu họ âm tính thì mong muốn theo hướng dẫn cũng như giải quyết của thành phố thì cho đối tượng đó về quê, mang theo giấy xét nghiệm âm tính để khi các đối tượng đó đi đến các chốt trạm của các địa phương thì xuất trình giấy âm tính đó ra để cho người ta về. Khi về tới địa phương, yêu cầu đối tượng đó tự cách ly 14 ngày, có thế tự cách ly tại nhà.
"Tôi thấy nguyện vọng về quê của các đối tượng này rất thiết yếu vì bản thân người ta ở lại thì tiền thuê trọ vẫn phải đóng nhưng công việc của họ không có thì rất khó khăn. Về quê dù có cách ly, nhưng họ gần gũi gia đình, có người thân hỗ trợ, giúp đỡ", bà Bình cho biết.
"Chúng tôi sẽ phối hợp với các tỉnh thành để chủ động số lượng người, xe đưa đón, địa điểm cách ly… Phương án thì mình chuẩn bị rồi nhưng phải đợi chủ trương, để làm chặt chẽ, đảm bảo quy định phòng chống dịch..", bà Linh nói và nhận định số người về quê sẽ còn tăng.
Trên thực tế, nguyện vọng được về quê lúc này của hàng ngàn công nhân lao động, sinh viên là có cơ sở. Giải pháp này không những "chia lửa" cho "tâm dịch" Đà Nẵng mà còn giúp hàng ngàn lao động tự do, sinh viên thoát khỏi cảnh khó khăn trong an toàn phòng dịch. Bởi trước lúc rời Đà Nẵng, họ sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2 và khi có kết quả âm tính thì mới về quê, thực hiện cách ly 14 ngày trước khi về với cộng đồng.
Trước đó, như Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin, vào ngày 16/8, UBND TP Đà Nẵng có Tờ trình gửi Thủ tướng về việc cho phép công dân của các địa phương đang tạm trú tại thành phố được trở về nơi cư trú.
Theo UBND Đà Nẵng, hiện nhiều người có nguyện vọng về nơi cư trú để tiếp tục ổn định cuộc sống và phòng chống dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 ở thành phố này còn diễn biến rất phức tạp.
Xét tình hình thực tế tại địa phương và nhu cầu chính đáng của người dân ngoài thành phố, UBND TP Đà Nẵng trình Thủ tướng Chính phủ có chủ trương cho phép người lao động, học sinh, sinh viên và người dân ở các địa phương khác đang tạm trú ở Đà Nẵng được rời Đà Nẵng về lại nơi cư trú theo nguyện vọng.
Chính vì thế, Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành có người dân đang tạm trú ở Đà Nẵng phối hợp tổ chức tiếp nhận, đón công dân về địa phương theo phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Đồng thời cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT mở một số tuyến tàu hỏa đưa người dân từ Đà Nẵng về các địa phương.