Tại Việt Nam, nhiều trường hợp trẻ em bị rắn tấn công vì vậy có nhiều lời đồn đại cho rằng rắn, trăn rất thích mùi sữa, mùi của trẻ em. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quảng Trường, viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật khẳng định thông tin này không chính xác.
Gần đây nhất, báo Pháp Luật đưa tin, ngày 14/7/2021 tại TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) một clip lan truyền trên mạng cũng ghi lại cảnh một người đàn ông bế thốc 1 em bé chạy khi phát hiện cảnh một con rắn trườn với tốc độ nhanh vào nhà. Sự việc được camera an ninh ghi lại khiến nhiều người thót tim. Những người có mặt thậm chí phải đóng chặt cửa để ngăn con rắn chui vào nhà.
Người chia sẻ clip cho biết gần nhà có lô đất trống nên rất có thể con rắn từ đó bò vào, leo qua tường bao rơi xuống sân và bị kích động nên lao thẳng về phía những người trong gia đình chị khiến mọi người bị một phen hốt hoảng.
Trước những clip được lan truyền này, nhiều người cho rằng rắn hay trăn rất thích mùi trẻ em, mùi sữa mẹ và thường bò vào nhà gia đình có trẻ nhỏ. Ở nước ta cũng có rất nhiều trường hợp rắn tấn công bé sơ sinh và thậm chí như trường hợp bé trai 22 ngày tuổi ở Hà Tĩnh bị rắn cạp nia cắn tử vong ngày 8/1/2020. Điều đó khiến nhiều người tin rằng rắn rất thích mùi của trẻ em.
Trước sự hoang mang của các bậc cha mẹ, chia sẻ với báo VietNamNet, TS Nguyễn Quảng Trường, viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật khẳng định thông tin này không chính xác. Ông cho rằng trong tổng số hơn 300 loài rắn ở nước ta thì tất cả đều có khứu giác kém phát triển, không ngửi được mùi.
Ông cũng khẳng định việc rắn thích mùi sữa mẹ là không có cơ sở khoa học, đồng thời bác bỏ luôn cách đuổi rắn dân gian như trồng các loại cây có tinh dầu (sả, củ kiệu, nén, cây lan tỏi...) để đuổi rắn là vô tác dụng vì chúng không ngửi được mùi.
Đa số các loại rắn và trăn đều có thị lực kém phát triển, thay vào đó chúng sử dụng chiếc lưỡi để lần theo vị trí con mồi. Chiếc lưỡi này sẽ giúp cảm thụ các phân tử hóa học trong không khí hay thậm chí trên mặt đất, dưới nước.
Ngoài ra đối với các loài rắn độc như rắn đuôi chuông, copperhead hay cả các loài trăn còn có một bộ phận có tên pit hole (hố má) ở gần mắt giúp chúng 'nhìn' thấy con mồi thông qua nhiệt độ của nạn nhân so với môi trường.
Thế nhưng khả năng khứu giác của rắn lại nhạy cảm với các chấn động hơn là mùi vị, tóm lại việc rắn hoặc trăn thích mùi sữa mẹ và bò vào các gia đình có trẻ con là lời đồn không hề có cơ sở khoa học.