Sống giữa thời bình, tuy nhiên những người chiến sĩ ấy đã phải nằm xuống vì an nguy của người dân.
Ngày 1/8, hàng triệu người dân cả nước bàng hoàng khi hay tin ba người lính cứu hỏa đã hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy tại quán karaoke ISIS ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Thượng tá Đặng Anh Quân, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC, 45 tuổi, đang còn mẹ già, vợ, con thơ. Tiếng khóc xé lòng của người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh khiến lòng người quặn thắt. Thượng úy Đỗ Đức Việt yên nghỉ ở tuổi 24. Trẻ nhất là hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc, chiến sĩ nghĩa vụ, 19 tuổi.
Các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC vốn là những người dũng cảm, không ngại nguy hiểm nhưng các chiến sĩ trinh sát đám cháy là những người đối diện với nguy hiểm nhiều nhất.
Trong vụ cháy định mệnh, ba cán bộ, chiến sĩ trên được giao nhiệm vụ trinh sát đám cháy. Họ là những người đầu tiên xông vào biển lửa để xác định người bị nạn, số lượng, vị trí, tình trạng của người bị nạn, cứu người bị nạn và đánh giá các yếu tố nguy hiểm từ đám cháy, chất cháy, khả năng phát triển của đám cháy, dấu vết, vật chứng liên quan đến đám cháy.
Nguy hiểm rình rập và ba chiến sĩ cứu hỏa đã vĩnh viễn ra đi…
Những ngày này, trong căn phòng nghỉ ngơi của các chiến sĩ bỗng trở nên trầm mặc, lặng yên, bao trùm bằng một nỗi buồn khó gọi tên. Những người lính ngồi tựa vào tường, ánh mắt hướng về hai chiếc giường kê sát nhau, nơi mà bóng dáng đồng đội đã không còn.
Trung úy Nguyễn Xuân Hải, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy cho biết, bản thân mình không thể nào quên hình ảnh người chỉ huy dáng người nhỏ nhắn, nhưng luôn hết lòng vì anh em cán bộ chiến sĩ của Thượng tá Đặng Anh Quân.
Chiếc bàn làm việc của Thượng tá Quân vẫn đặt ở đó, tươi mới với bình hoa nhỏ. Cùng với đó là chiếc ghế, chiếc bàn thân thuộc nơi đồng đội vẫn thường lui tới. Duy chỉ có người Thượng tá kính mến đã ra đi mãi mãi. Nhớ lại khoảnh khắc cuối cùng chứng kiến đồng đội làm nhiệm vụ, Trung úy Hải không giấu được cảm động, anh kể lại với An Ninh Thủ Đô: "Khi bình dưỡng khí của tôi hết, đồng chí Quân cử tôi ra ngoài làm nhiệm vụ khác. Sau đó đồng chí Quân có xuống cùng những người bị mắc kẹt bên trong và đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy người chỉ huy của mình".
Cho đến phút cuối khi được đồng đội đưa ra khỏi biển lửa, đôi môi của Thượng tá Quân vẫn mĩm cười khiến nhiều người không khỏi xót xa. Riêng nói về hai chiến sĩ là Thượng úy Đỗ Đức Việt và hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc, Trung úy Nguyễn Xuân Hải dành những lời thương mến, xót xa.
"Phúc kể với tôi em đang học Đại học Hà Nội nhưng em vẫn bảo lưu kết quả học tập để tham gia nghĩa vụ Công an. Em bảo em yêu công việc của người lính cứu hỏa, em muốn trải nghiệm và cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho lực lượng", vị Trung úy nói cùng An Ninh Thủ Đô. Năm tháng thanh xuân ấy, thay vì chọn ngồi trên ghế giảng đường, hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc đã chọn viết nên một trang sử riêng cho chính cuộc đời mình.
"Còn Việt, cậu ấy luôn xung phong trong mọi nhiệm vụ. Tham gia chiến đấu cùng với nhau nhiều nên chúng tôi gắn bó như anh em ruột thịt trong một gia đình vậy. Sáng qua chúng tôi cứu được hai người trong một sự cố, nhưng buổi chiều lại không cứu được đồng đội mình. Tuổi thanh xuân của các cậu ấy còn dang dở", vị Trung uý tiếp lời.
Ba người chiến sĩ ấy đã vĩnh viễn nằm lại. Các anh nằm xuống để chặn giặc lửa, giành lại sự sống cho những con người đang vẫy vùng trong hỏa hoạn, giành lại những nếp nhà bình yên. Trong những ngày qua, dòng người nối đuôi nhau, lặng lẽ đến đặt hoa trước tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” để tưởng niệm 3 cán bộ, chiến sĩ. Ai ai cũng xúc động, bày tỏ lòng biết ơn trước sự hy sinh quên mình của các anh. Họ mãi là khúc ca hùng tráng mà mỗi người Việt luôn trân trọng và khắc ghi.