Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử là giấy tờ tùy thân quan trọng đối với mỗi người dân.
Đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân
Theo Luật Căn cước công dân 2014, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ CCCD (khoản 1 Điều 19). Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi (Điều 21). Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Ngoài ra, những ai đã có Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân mã vạch được đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip khi có yêu cầu hoặc khi thẻ cũ hết hạn...
Không cần về nơi thường trú để làm Căn cước công dân
Hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đi vào hoạt động, theo Điều 26 Luật Căn cước công dân, công dân có thể đến bất cứ cơ quan nào dưới đây để làm thẻ Căn cước:
- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;
- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;
- Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.
Số Căn cước công dân chính là mã định danh cá nhân
Số thẻ căn Cước công dân có 12 số. Đây chính là mã định danh cá nhân của mỗi cá nhân. Mã này gắn liền với cá nhân từ khi sinh ra cho đến khi cá nhân chết đi, không thay đổi và trùng lặp với bất cứ người nào khác.
Mã định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dùng để kết nối, cập nhật chia sẻ khai thác thông tin của công dân.
Căn cước công dân gắn chip sẽ được tích hợp nhiều loại giấy tờ
Theo Bộ Công an, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.
Ngoài ra, thẻ CCCD sẽ tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn, liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế…
Nhìn số thẻ Căn cước công dân biết ngay 3 thông tin
Ba số đầu tiên trên thẻ căn cước công dân chính là mã tỉnh thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh. Mã này được quy định cụ thể tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 Thông tư 59/2021 của Bộ công an.
Các số tiếp theo là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh, hiện nay được quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 59.
Trường hợp không đổi sang Căn cước công dân có thể bị phạt
Khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Theo đó, nếu thuộc trường hợp phải đổi/cấp lại Căn cước công dân mà không đi đổi/cấp lại, người dân sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng.
Những thông tin được lưu trong con chip
Con chip điện tử của thẻ Căn cước công dân chứa các thông tin quan trọng về nhân thân của mỗi công dân, như: Họ và tên, ngày sinh, quê quán, địa chỉ thường trú, dấu vân tay, hình ảnh, đặc điểm nhận dạng…
Thông tin cá nhân của công dân sẽ tuyệt đối an toàn, chỉ các cơ quan chức năng được trang bị đầu đọc chip chuyên dụng mới có thể trích xuất thông tin từ con chip này. Nếu như có bị mất Căn cước công dân gắn chip, người nhặt được cũng không thể lấy được thông tin lưu trong con chip của thẻ.
>CCCD gắn chip có thể rút tiền tại cây ATM
Gần đây, nhiều tỉnh thành đã thí điểm sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử để thực hiện các giao dịch ngân hàng với nhiều tiện ích như nộp, rút tiền tại máy ATM và cũng có thể chuyển tiền một cách dễ dàng, nhanh chóng, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.
Thay vì phải mang theo nhiều loại giấy tờ hay thực hiện các thủ tục phức tạp tại quầy, người dân có thể thực hiện mọi giao dịch với ngân hàng chỉ bằng thẻ CCCD.