Theo các chuyên gia tâm lý, hành động liều mình nhảy xuống nước cứu người của hai anh Thái Ngô Hiếu và Nguyễn Đức Chính xuất phát từ bản năng, được tôi rèn từ bé.
Những ngày gần đây, mạng xã hội liên tiếp dành sự tán dương lớn cho những "người hùng" không màng đến an nguy của bản thân, nhảy xuống nước cứu người như Trung úy Thái Ngô Hiếu (Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai), hay anh Nguyễn Đức Chính (trú tại tổ dân phố số 8, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).
Từ góc độ tâm lý, Chuyên gia tâm lý - PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, trường đại học Giáo dục, đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết trong cuộc sống luôn có những người sẵn sàng giúp đỡ người khác dù bản thân có thể gặp nguy hiểm như anh Hiếu và anh Chính.
Theo ông Nam, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người có hành vi quên mình giúp đỡ người khác thường mang trong mình những giá trị tích cực đã được hình thành từ tấm bé. Trong trải nghiệm tuổi thơ, họ học được rằng giúp đỡ những người yếu thế hay đang bị thiệt thòi, tổn thương là một việc tốt.
Việc họ làm được ghi nhận và khen ngợi kiểu như "con rất hay giúp đỡ người khác vì con là người tốt, bố mẹ tự hào về con". Và những người này phần nhiều cũng lớn lên với cha mẹ cũng là những mẫu hình luôn giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn.
Trong môi trường như vậy, họ dần tập quen để chia sẻ, giúp đỡ người khác, và dần nhập tâm trở thành chuẩn mực cá nhân về trách nhiệm xã hội. Nó thúc giục chúng ta phải chăm sóc, hỗ trợ, cứu giúp những người thiệt thòi hay dễ bị tổn thương trong xã hội một cách vô vụ lợi.
Khi làm được một việc tốt, dù không được những phần thưởng vật chất, cá nhân luôn nhận được phần thưởng tinh thần.
Sự thấu cảm của từng cá nhân cũng là một yếu tố quan trọng khiến chúng ta quyết định giúp đỡ. Với những người có năng lực thấu cảm cao, chúng ta thường trở nên bối rối và lo lắng khi nhìn thấy những đau khổ, những nguy cơ của người khác.
Sự thấu cảm thường được hình thành từ bé, giúp cho cá nhân dường như đặt được mình vào vị trí của nhận nhân để cảm nhận được sự bế tắc, nỗi khổ đau của họ và đó là đòn bảy cho quyết định giúp đỡ.
Nếu những hoàn cảnh của nạn nhân càng giống hoặc càng gợi lại những khó khăn và >nghịch cảnh chúng ta đã vượt qua thì chúng ta càng có động cơ cao hành động giúp đỡ ngay.
Ngoài ra, những người có hành vi giúp đỡ không vụ lợi như vậy trong cuộc sống hàng ngày thường là những người lạc quan và hạnh phúc. Chính tâm trạng tốt giúp họ nhìn thấy những điểm tích cực ở mọi người và trong cuộc sống.
Và việc giúp đỡ người khác sẽ kéo dài các cảm giác về tâm trạng tích cực trong cuộc sống của họ. Còn việc bỏ đi (khi thấy người cần giúp đỡ) là trái chuẩn mực cá nhân, chắc chắn sẽ làm họ cảm thấy rất tồi tệ.
Đối với hành động của anh Thái Ngô Hiếu hay anh Nguyễn Đức Chính, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam cho rằng bên cạnh những yếu tố như chuẩn mực cá nhân, khả năng đồng cảm hay cảm nhận hài lòng hạnh phúc với cuộc sống thì một yếu tố quan trọng nữa để họ liều mình nhảy xuống nước cứu người là năng lực của bản thân.
Theo ông Nam, kể cả những người có động cơ cứu người cao, nhưng để chuyển được thành hành động thì cá nhân phải cảm thấy tự tin rằng mình có đủ năng lực giúp đỡ. Ví dụ như nhìn thấy người đuối nước nhưng bản thân không biết bơi thì mặc dù trong lòng rất khó chịu và muốn giúp đỡ nhưng họ sẽ không lựa chọn lao ngay xuống nước.
Hoặc nhiều cá nhân rõ ràng thấy mình có thể không có đủ năng lực nhưng vẫn nhảy xuống cứu. Trên thực tế, chúng ta cũng đã chứng kiến những vụ việc sau khi cứu được nạn nhân bị đuối nước, những người hùng dũng cảm đã hy sinh. Họ hy sinh cho những giá trị cộng đồng của họ.
"Cả anh Hiếu và anh Chính đều là người đã qua đào tạo trong môi trường cảnh sát, quân đội. Họ có >sức khỏe, có kỹ năng, bản thân họ trong môi trường học tập, làm việc luôn được huấn luyện để giúp đỡ, cứu vớt người khác, nên khi gặp tình huống họ đã phản xạ lại ngay bằng hành động mà không suy nghĩ đến bản thân", ông Nam nói.
Vị chuyên gia cho biết thêm, xã hội, chính quyền, cộng đồng nên có những quyết định kịp thời mang đến cái kết có hậu cho những người hùng sẵn sàng xả thân vì cộng đồng, như quyết định thăng 2 cấp hàm với Trung Úy Thái Ngô Hiếu. Điều này sẽ giúp định hướng cho giới trẻ thấy những hành động vì lợi ích cộng đồng trước sau rồi sẽ được ghi nhận và đền đáp xứng đáng.
Cùng nhận định về hành động của trung úy Thái Ngô Hiếu và anh Nguyễn Đức Chính, chuyên gia tâm lý Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh (Giảng viên Phân viện Học viện Hành chính tại thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá đây là hành động xuất phát từ ý chí.
Bản thân hai người hùng họ cảm thấy rằng cứu người là việc cần làm, giúp được người là điều tốt đẹp mang lại phúc đức đối với niềm tin tôn giáo của họ. Việc cứu người giúp họ cảm thấy thoải mái, hạnh phúc, cứu người là hành động tốt đẹp, nó thôi thúc con người thực hiện cái hành vi đấy.
Theo chị Minh, cả anh Hiếu và anh Chính đều là người có thời gian được đào tạo bài bản. Họ nhận thức được hành động của họ là điều cần phải làm, đáng để làm mang ý nghĩa đối với nạn nhân, gia đình nạn nhân, xa hơn là đối với xã hội.
Đối với anh Hiếu, một cán bộ chữa cháy thường xuyên thực hiện nhiệm vụ cứu người, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng việc cứu người khác trở thành phản xạ có điều kiện.
Trong trường hợp gặp người cần cứu giúp anh Hiếu ngay lập tức phản ứng lại với nó, lao xuống nước cứu người mà không nghĩ đến an toàn của bản thân, bởi cứu người là công việc, trách nhiệm của anh.
Trong khi anh Chính tuy không còn làm việc trong môi trường quân đội, nhưng đã từng được huấn luyện bài bản, bản thân hành động của anh cũng ảnh hưởng một phần của công việc trước.
Người lính thì luôn luôn được đào tạo để bảo vệ đất nước, bảo vệ người dân, đây có thể là một trong những điều dẫn đến hành động liều mình nhảy từ độ cao 30m xuống dưới nước để cứu người.
Đồng quan điểm với anh Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng xã hội cộng đồng cần ca ngợi những hành động dũng cảm của những người hùng, đấy là tiền đề để nhiều người hùng được "sinh ra". Khi điều tốt đẹp được ca ngợi, thì nó sẽ được khắc ghi và lặp lại.
Với vụ việc cứu người của hai "người hùng" lần này, trong khi ở Vũng Tàu là sự kiện không may bị đuối nước, thì nạn nhân được anh Chính cứu lại do nhảy cầu tự tử. Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam nhận định thời gian gần đây việc nhóm người trẻ tìm đến cái chết do áp lực ngày càng nhiều.
Theo ông Nam để giảm thiểu tình trạng này, bản thân các bạn trẻ cần có sự nhìn nhận lại. Tương lai luôn bất định và cuộc sống luôn có những khổ đau, khó khăn không thể tránh khỏi, mỗi cá nhân đều được quyền có những nỗi buồn chính đáng, có những thất bại bắt buộc phải trải qua trong cuộc đời.
Tuy nhiên giới trẻ cần có một tư duy mở để tìm "cơ trong nguy". Xem thất bại là cơ hội để các bạn nhận ra một bài học và phát triển bản thân.
Ngay tại thời điểm này, đầu tư tạo động lực và chăm sóc sức khỏe cho bản thân là khoản đầu tư có lãi nhất. Hãy giữ cho bản thân luôn có động lực, luôn tràn đầy năng lượng bằng cách xác định và theo đuổi không ngừng mục đích sống của cá nhân, cũng như biết cách điều tiết lịch làm việc và sinh hoạt một cách hợp lý để tái tạo năng lượng, giữ sức khoẻ để đối diện với môi trường làm việc cường độ cao và sự thay đổi liên tục của tương lai.
Trong khi đó chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng mỗi người trong cuộc sống phải xác định được giá trị mình theo đuổi, nhận thức được mạng sống của bản thân quý trọng đến nhường nào, sau đó từ giá trị quan trọng nhất để thực hiện hành vi.
Những người xung quanh phải nâng đỡ tương trợ, bớt gây áp lực. Cha mẹ yêu cầu con quá nhiều kỳ vọng mà con không thể đáp ứng được trong cái điều kiện của nó, kỳ vọng là cần nhưng kỳ vọng quá là nguy hiểm.
Bản thân từng người cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào mình, vì khi mình kỳ vọng vào mình hay người khác quá nhiều sẽ tạo ra áp lực cho chính bản thân mình, và nếu không đạt được sự kỳ vọng đó sẽ dẫn đến những điều tiêu cựu.
Một số bạn khi không chịu đựng được áp lực từ sự kỳ vọng của người khác lựa chọn con đường chấm dứt sự sống của bản thân. Nó không chỉ làm hại chính bạn mà còn để lại sự đau khổ cho gia đình. Nên bản thân người chịu áp lực nên nói ra những điều mình đang gặp phải.
Theo chị Minh nhiều lúc ta xem thường cảm xúc cá nhân, chúng ta thấy khó chịu 1 chút, chúng ta nghĩ mình vẫn chịu đựng được nên để im, dần dần nhiều chuyện nó tích tụ lại đến một lúc cơ thể chúng ta không chịu đựng được nữa làm ra những hành động dại dột.
Gia đình cũng cần qua tâm đến con cái, khi có ý định tự tử cá nhân người đấy đã có suy nghĩ trong thời gian dài và có sự chuẩn bị, rất ít hành động là bộc phát nhất thời. Trẻ có thể nói nhiều về cái chết, tìm hiểu những cách để chết, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài, bỏ ăn, hoặc ăn nhiều hơn…, gia đình cần phải để ý hành vi của con cái để kịp thời can thiệp.
Còn đối với những bạn trẻ gặp đuối nước tại Vũng Tàu, hay những bạn trẻ khác, chị Minh cho rằng trước mỗi chuyến du lịch ngoài kỹ năng bơi lội cần có, phải quan sát, xem xét nơi nào an toàn, vùng nào là vùng có nguy cơ cao.
Thậm chí phải hỏi thăm người dân địa phương, hãy đặt ra câu hỏi tại sao chỗ này đông người tắm mà chỗ kia là ít, tất cả sự vật hiện tượng đều có lý do. Bản thân mỗi người cần chuẩn bị tâm lý cho mọi tình huống có thể xảy ra, nếu có sự chuẩn bị rồi thì khi sự việc xảy ra có thể bình tâm để xử lý sự việc.
Trong trường hợp bị đuối nước, hãy thả lỏng cơ thể để cơ thể được nổi lên, tạo điều kiện cho người ứng cứu, hay khi có người cứu việc thả lỏng cơ thể sẽ giúp cho người cứu giúp có sức lực đưa bạn vào bờ, thay vì quẫy đạp khiến cả hai đều mất sức.