Nếu công an điều tra ra được những hành động gián tiếp hoặc trực tiếp của những người thân của những người mẹ này đã đẩy họ vào các vụ tự tử thì chúng ta có trừng trị nhóm người này trước pháp luật không?
Gần đây chúng ta chứng kiến hoàng loạt các vụ mẹ ôm con> tự tử. Đau xót, phẫn nộ là tâm trạng chung của nhiều người. Trên các diễn đàn, báo mạng, người ta đã viết nhiều bài phân tích, phê phán, thậm chí công kích những người mẹ vừa là nạn nhân, vừa là kẻ thủ ác.
Tuy nhiên, một loại người đã vắng mặt trong các bài viết này: Đó là những người chồng, người cha hoặc các thân nhân khác của nạn nhân. Tất nhiên không phải các vụ tự tử đều do các yếu tố khách quan bên ngoài nhưng những yếu tố này đã đóng vai trò quan trọng trong các vụ việc.
Một người mẹ đang sống hạnh phúc bên chồng con sẽ không nghĩ đến việc tự tử hoặc hủy hoại cuộc sống của gia đình mình. Họ chỉ làm việc này khi lâm vào bế tắc, bị đẩy tới chân tường. Ở đây vai trò của những người thân của họ, đặc biệt là chồng, cha mẹ sẽ đóng vai trò quyết định.
Chúng ta chưa được biết các tình tiết cụ thể trong từng vụ việc vì chưa có các nghiên cứu về vấn đề này nên chưa có kết luận xác đáng, tuy nhiên theo logic thông thường thì những người mẹ này sống trong một môi trường tồi tệ nhất định. Có thể họ bị chồng ghẻ lạnh, thờ ơ, hoặc ngoại tình trong khi bị trút bỏ tất cả hay phần lớn trách nhiệm chăm sóc các con nhỏ. Có thể họ lâm vào cảnh nghèo túng quá mức trong khi các nhu cầu của cuộc sống ngày càng cao quá sức chịu đựng của họ. Có khi họ bị cha mẹ, gia đình chồng hoặc cha mẹ mình không quan tâm, giúp đỡ hoặc hành hạ…
Chúng ta đang bàn đến một vấn đề là: Ôm con tự tử là hành vi vi phạm pháp luật. Đúng, nhưng làm sao trừng trị được kẻ thủ ác khi họ đã mất rồi và rút ra bài học cho người khác. Nếu công an điều tra ra được những hành động gián tiếp hoặc trực tiếp của những người thân của những người mẹ này đã đẩy họ vào các vụ tự tử thì chúng ta có trừng trị nhóm người này trước pháp luật không?
Cần phải phân tích rõ họ có phải là nguyên nhân của các vụ tự tử thương tâm này không? Tất nhiên, những người này cũng bị tòa án lương tâm lên án trong những năm tháng còn lại của cuộc đời nhưng như thế chưa đủ. Cần có những biện pháp ngăn chặn kịp thời và mạnh mẽ hơn để bảo vệ những người phụ nữ bị trầm cảm và con cái họ.
Việt Nam chưa phải là một nước có ngành Công tác xã hội phát triển vì vậy những vấn đề khủng hoảng gia đình, khủng hoảng xã hội chưa được trị liệu kịp thời. Đây sẽ là giải pháp chiến lược lâu dài nhưng cũng cần được đẩy nhanh hơn nữa. Cần phát triển nhận thức cho người dân về Công tác xã hội và coi đây là một loại phao cứu sinh cho các trường hợp khủng hoảng để ngăn chặn nạn tự tử và các tệ nạn khác đang tồn tại trong xã hội.
Tạo cho phụ nữ và trẻ em một môi trường sống trong sạch là trách nhiệm của gia đình và xã hội. Bên cạnh đó cũng cần có những quan tâm đúng mức các trường hợp khó khăn, trầm cảm để trợ giúp kịp thời. Làm trong sạch xã hội không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước mà còn là nhiệm vụ của các tổ chức xã hội, thành viên gia đình, cá nhân tự chịu trách nhiệm với bản thân mình. Cần có các nghiên cứu cụ thể, sâu sắc về các vấn đề xã hội và tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan để cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
GS Lê Thị Quý
Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển
Chủ tịch Quỹ Văn Hiến Việt Nam