Ở tuổi bên kia sườn dốc của cuộc đời, họ vẫn nặng gánh lo toan trong cuộc sống thường nhật. Suốt ngày mải miết kiếm tìm những thứ mà người khác bỏ đi, họ làm nguồn mưu sinh và gắng sống. Gắn bó với họ là từng vòng xe phế liệu tự chế, có loại đẩy, có loại ngồi đạp được, hay là những vòng xe đạp nhặt nhạnh, rảo bước trên từng góc phố con đường.
Và đôi mắt họ luôn dõi theo từng vòng xe trên đường để kiếm tìm những thứ mà người khác gọi là phế liệu.
Tuổi già hột lệ như sương
Mỗi sáng, tại góc Nguyễn Du - Thủ Khoa Huân thuộc phường Bến Thành, Q.1, TP Hồ Chí Minh, người ta đã quá quen thuộc với cảnh một ông già chuyên... ngủ ngày bên cạnh chiếc xe đẩy phế liệu. Ông già này bị điếc khá nặng. Ông tên là Phạm Công Thiên, năm nay 81 tuổi, ngụ ở huyện Bình Chánh. Ở tuổi xưa nay hiếm, mỗi sáng ông lại đạp xe hơn chục cây số để lên trung tâm đi tìm những đồ thừa thãi.
Rất vất vả, chúng tôi mới có được câu trả lời của ông vì ông phải đeo máy nghe. “Trước đây, tui có gia đình đó chứ. Một đứa con trai, con dâu và hai đứa cháu nội. Thế rồi, vợ chồng đứa con trai làm nghề lái xe không may qua đời vì tai nạn, để lại thân già côi cút hai đứa cháu, một trai một gái. Bây giờ cháu lớn đã 12 tuổi, cháu nhỏ lên 10, ở nội trú. Cuối tuần thì chúng nó lại về với tui”.
Trong hơi kể ngắt quãng vì mệt nhọc, khóe mắt ông chực trào ra những giọt lệ vì hoàn cảnh trớ trêu khi đứa con trai duy nhất và nhất mực yêu thương đã rời xa ông mãi mãi.
“Tuổi già giọt lệ như sương” quả đúng trong hoàn cảnh này. Ông Thiên không còn nước mắt để mà khóc khi nhớ về ngày xưa dù cho khuôn mặt rúm lại vì đau xót, chỉ muốn nước mắt cuốn quăng đi định mệnh đắng cay. Bàn tay ông gân guốc, run run, vết đồi mồi ăn dài trên khuôn mặt già nua, hom hem vì bệnh tật đang ập đến lúc “xế bóng, tàn canh” khiến lúc nào cũng muốn... ngủ. Những người bán hàng rong, bán dừa dạo ở gần đó đều biết đến “ông già điếc” với thái độ thương cảm và sẻ chia.
Tại công viên 30-4 nằm trước hội trường Thống Nhất ban ngày là nơi vui chơi, sinh hoạt, hóng mát của các bạn trẻ nhưng tối đến lại xuất hiện những cụ ông, mòn mỏi trên những chiếc xe đạp ghé đến. Ông Trần Văn Tư, năm nay cũng đã 75 tuổi, ngụ Q.4, chuyên nghề nhặt ve chai ở đây kể: “Mấy chục năm rồi tui sống nhờ vào những thùng rác công cộng đặt trong công viên này. Tui đạp xe tới, mang theo bì ni lông loại lớn để nhặt nhạnh những vỏ chai nước suối, bì ni lông, tờ báo bị vứt bỏ để mang ra vựa phế liệu bán lại. Ngày trước cũng kiếm được trăm nghìn đồng nhưng bây giờ người già đi làm như tui nhiều quá nên mình cũng phải san sẻ để họ sống nữa chứ”.
Ở tuổi thấp thập, nhiều người cùng tuổi ông được nghỉ ngơi ở nhà, đọc báo, đón cháu hay đi tập thể dục với nhau thì với ông Tư, đó là tất cả niềm mơ ước bởi lẽ gần hết cuộc đời mà ông vẫn không có con cháu, ở vậy một mình. Năm tháng qua đi biến ông Tư từ trai trẻ trở thành cụ già hom hem nhưng cái nghèo do không biết chữ, không có nghề nghiệp vẫn đeo bám lấy ông. Ông chỉ biết nghề đạp xe đi lấy những thứ mà người khác bỏ, đổi thành tiền để mua cơm ăn, nước uống.
Ông Tư cũng đã từng có một thời trai trẻ sôi nổi và tràn đầy sinh lực như nhiều người khác. Rồi người tình cũng bỏ ông mà đi tìm chân trời mới. Do bị phụ bạc mà trái tim ông chai sạn, không yêu được người nào nữa và chấp nhận cuộc sống độc thân đến giờ. Rồi thì do mê cờ bạc và rượu chè nên ông mới có kết cục ngày hôm này.
Khi ba mẹ qua đời, không có kiến thức, học hành nên ông chỉ biết sống bằng nghề gom phế liệu. Cái nghề không ra nghề, lang bạt bữa no bữa đói đã rút hết sức sống của ông. Ông Tư có anh chị em nhưng hoàn cảnh cũng không khá hơn ông vì phải lo cho gia đình riêng của họ nên chẳng ai giúp được ông gì nhiều.
Ông Tư nói: “Ở tuổi này thì tui cũng không cần ai trợ giúp gì đâu. Ngày ba bữa là tốt rồi”. Nói đoạn, ông luôn tay lục tìm những thứ bỏ đi trong túi ni lông loại lớn bốc mùi hôi hám do dính nước mưa nên ẩm ướt. Với người nào khác thì mùi hôi này có thể làm họ bỏ chạy nhưng ông Tư đã quá quen với chúng. Và thậm chí, với ông, đó còn là cả cuộc sống này.
Những mảnh ghép cuộc sống
Sau cơn mưa ập đến, bên hông một chung cư cao cấp trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Tuyến năm nay đã 70 tuổi. Quê ở ga Sóng Thần thuộc thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Bà Tuyến từng có một gia đình yên vui và hạnh phúc. Chồng làm nghề lái xe tải, gia đình bà có ba cô con gái, bà ở nhà lo cho tụi nhỏ.
Thế rồi, thời gian như thoi đưa, chồng bà mê... nhậu quá nên mất sớm vào năm 2007. Ba cô con gái lớn lên, lấy chồng rồi về nhà chồng ở, cũng chẳng ai giúp được gì cho bà. Kinh tế khó khăn nên hai năm nay, bà khăn gói vào TP Hồ Chí Minh kiếm sống bằng nghề nhặt phế liệu. Hành trang của bà là chiếc xe đẩy, thuê năm nghìn đồng một ngày, lầm lũi đi dọc các tòa nhà, biệt thự ở khu Nam Sài Gòn để nhặt từng vỏ chai nước suối, thùng carton, tờ báo... mà người lạ bỏ đi. Bước chân bà nhọc nhằn qua từng con đường, góc phố cùng vòng lăn của chiếc xe thu >mua phế liệu.
Chiều đến, bà chọn khoảng vỉa hè rộng rãi cạnh các chung cư hiện đại rồi nhặt nhạnh, phân loại từng thứ sau đó bán cho chủ vựa phế liệu cạnh cầu Kênh Tẻ. Hôm bán được 50-100 nghìn đồng, lắm hôm thấp hơn vì mưa lớn, vì lụt lội, bà Tuyến lại buồn bã cầm lấy những tờ tiền nhàu nát, cũ kĩ để đi mua hộp cơm chống đói. Tối đến, bà lại chọn trạm xe buýt để tá túc, nghỉ chân sau một ngày rong ruổi.
Lắm hôm, mưa to, gió lớn, nước tạt ướt cả người. Có khách đi ngang qua hỏi bà ăn cơm chưa, bà ậm ừ... Họ lại rút chục nghìn cho bà mua cơm chống đói. Trong cơn đói ập đến, bà nhai ngấu nghiến từng hạt cơm khô khốc, ngẫm nghĩ về thế thái nhân tình, về lòng tốt của người dưng nơi xứ lạ. Chữ hiếu, chữ nghĩa nhẽ ra phải được nuôi dạy từ khi làm người, nhưng đối với bà, lại càng như một giấc mơ.
Bà Tuyến nói như hỏi mà cũng là tự an ủi mình: “Còn sống được ngày nào thì mình tự lao động, đừng làm gánh nặng cho con cái”.
Tương tự như bà Tuyến, bà Nguyễn Thị Chi, năm nay 72 tuổi, quê Long An mà chúng tôi gặp ở khu vực hồ Con Rùa cũng có hoàn cảnh bi đát khác. Chồng mất sớm do bạo bệnh, nhiều năm chăm chồng mắc ung thư khiến nhà cửa bán hết, bà phải bỏ miền quê nghèo khó mà tha hương. Hai vợ chồng bà không có con và định mệnh nghiệt ngã lại cướp đi người chồng rất mực yêu thương bà. Thế rồi 22 năm qua, không chồng không con, bà bỏ lên thành phố để đi nhặt nhạnh phế liệu.
Cứ mỗi sáng, bà đẩy chiếc xe thu gom tới phố ăn nhậu dọc đường Sương Nguyệt Anh (Q.1) để lấy vỏ bia do các nam nhân viên mang ra bán sau khi “tổng kết” các cuộc nhậu tới quá khuya của thực khách. Tai bà Chi giờ nghễnh ngãng nên khi bà đếm vỏ lon bia thì hỏi gì bà cũng không nói. Bà còn đang chú tâm vào “nồi cơm” mỗi ngày của mình.
Sau khi đếm vỏ lon xong, bà lấy mấy tờ tiền mang đi làm vốn, giắt ở lưng quần ra trả rồi hồ hởi mang đến các vựa phế liệu để bán. “Mỗi vỏ lon tui lời được 300 đồng, so với một tờ vé số thì ít hơn nhưng nghề này ít phải cạnh tranh. Mình có mối quen thì cũng sống được. Trưa đến thì tui tiếp tục rong ruổi quanh hồ Con Rùa, đi tới các “bạn hàng” là các quán nhậu dọc đường Phạm Ngọc Thạch để tiếp tục mua vỏ bia” - bà Chi nói.
Từng là thiếu nữ thôn quê, trải nhiều sương gió, bây giờ bà gầy gò, đen đúa vì nắng mưa. Với chiều cao chưa tới 1 mét 50, dáng bà lom khom, khó nhọc bên chiếc xe >thu mua phế liệu. Nhiều khi đồ thu mua chất cao trên xe còn che khuất cả thân hình gầy gò của bà. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa thì công việc của bà khổ cực hơn nhiều. Quần áo ướt hết, bà trùm áo mưa để tiếp tục hành trình mưu sinh lặng lẽ.
Tối đến, bà lại đẩy xe về dãy phòng trọ gần ga Sài Gòn kiếm bữa cơm, bữa cháo sống qua ngày. Từng tờ bạc nhàu nát từ tiền lãi bán được bà cóp nhặt để duy trì sự tồn tại giữa mảnh đất phồn hoa đô hội. Bà bảo, tết này sẽ về sửa sang lại phần mộ cho người chồng.
Tuổi già khó thở, mất ngủ nên chưa một đêm nào bà ngon giấc. Có hôm nhớ chồng, bà lại khóc. Những giọt nước mắt tủi hờn chảy ướt cả gối. Nỗi nhớ ấy theo bà, quanh quẩn bên người phụ nữ tội nghiệp hai thập niên qua.
Bà vẫn chia sẻ: “Ở cái tuổi này, sống được ngày nào thì sống cậu à! Tui còn sống thì còn chăm lo mồ yên mả đẹp cho ổng nữa, rồi lo cúng giỗ tươm tất. Ngày nào không còn hiện diện trên đời thì tui lại về với mộ phần bên ổng”.
Nghe câu chuyện tình thủy chung dù chồng đã qua đời lâu rồi mà người đối diện bà Chi cũng bùi ngùi. Nhiều người rút trong túi ra vài chục nghìn đồng tặng bà mua hộp cơm ăn tối nhưng bà Chi cười hiền, xua tay từ chối vì bà bảo rằng, bà còn lao động được, đồng tiền ấy hãy giúp những người khổ cực hơn bà. Lòng tự trọng của bà Chi làm người ta thêm yêu quý bà lão chuyên mua phế liệu.
Sài Gòn, mảnh đất nghĩa tình, nơi phồn hoa đô hội vẫn còn đó những cụ già gắng gượng trên hành trình nhọc nhằn của việc mưu sinh. Họ sống bằng những thứ bỏ đi, lay lắt như ngọn đèn trước gió nhưng thực ra lại vẫn rất kiên cường. Lẽ ra, ở tuổi thất thập rồi phải được an nhàn, thanh thản bên con cháu thì còn đó những hoàn cảnh nghiệt ngã, thương xót lắm bên những vòng xe lăn bánh của cuộc đời.
Những vòng xe không dừng lại, luôn hướng về phía trước như những phận đời côi cút vẫn tự thân vận động, kiếm sống bằng mồ hôi và nước mắt dẫu có nhọc nhằn và lam lũ.