Bị ung thư xương, đau nhức nhưng vì sợ bố mẹ lo lắng, Việt cố chịu đựng cho đến lúc chân đau không thể mặc được quần dài. Giờ đây, em đã bị tháo mất một khớp chân. Khao khát duy nhất của Việt lúc này là có tiền lắp chân giả để tiếp tục đến trường.
Một ngày đầu thu, tiết trời vẫn còn oi bức, chúng tôi đến thăm em Nguyễn Xuân Việt (sinh năm 2001), trú thôn Đồng Vinh, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), một cậu học trò nghèo mắc bệnh >ung thư xương.
Căn nhà cấp 4 tồi tàn không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp cũ kỹ, xung quanh rơm rạ phủ kín khiến cho không gian chật hẹp càng trở nên nóng nực. Lúc này chỉ có mẹ của Việt là chị Nguyễn Thị Bình (51 tuổi) ở nhà.
Khẽ rót ly nước mời khách, chị Bình nghèn nghẹn khi kể về nỗi khổ hạnh của gia đình. Chị kết hôn với anh Nguyễn Xuân Hồng (sinh năm 1964), sinh được 4 người con. Em Nguyễn Xuân Việt là con út trong nhà.
Năm 1998, thấy cuộc sống ở quê khó khăn, vợ chồng chị Bình đưa các con vào miền Nam làm ăn. Trên mảnh đất Gia Lai, hằng ngày chị Bình đi rẫy cuốc cỏ thuê còn anh Hồng làm công nhân, chắt chiu tiền nuôi con. Cuộc sống ở rừng rú Gia Lai cũng không khấm khá hơn so với ở quê nhà nên hai đứa lớn buộc phải nghỉ học sớm.
Ngẫm thấy tủi thân khi các con dở dang, người mẹ nghèo quyết tâm cho Thảo (con gái thứ 3) và Việt theo học đến cùng. Lo sợ điều kiện khó khăn ở vùng dân tộc thiểu số sẽ ảnh hưởng đến thành tích của con, chị Bình đưa hai đứa nhỏ về quê nhà học tập. Còn vợ chồng chị vẫn ở lại Gia Lai làm thuê gửi tiền về nuôi con.
Mười mấy năm xa bố mẹ, hai chị em Việt tự bảo ban nhau học tập, tự chăm sóc lẫn nhau. Thế nhưng nỗi đau ập đến gia đình chị Bình bắt đầu vào mùa đông năm 2017.
Trời đông rét mướt, lạnh thấu xương, trong khi bạn bè mặc đồ ấm đi học thì Việt chỉ mặc quần đùi đến trường. Mọi người hỏi lý do thì Việt chỉ cười và bảo không thấy lạnh.
Trong một lần về quê thăm con, anh Hồng thấy lạ liền gặng hỏi thì Việt khóc và trả lời: “Chân con có khối u to, đau nên con không mặc được quần dài. Nhưng con không dám nói vì nhà mình nghèo, con sợ không có tiền chữa bệnh”.
Nghe con nói vậy, anh Hồng hoảng hốt vay tiền đưa con đi Bệnh viện ở Hà Nội thăm khám. Tại đây bác sĩ kết luận Việt bị ung thư xương, buộc phải tháo một khớp chân.
“Con trai tôi cao lớn, thổi sáo hay. Ước mơ của con lớn lên vào ngành quân đội. Việt ít tuổi nhưng là đứa hiểu chuyện, đau nhưng không muốn bố mẹ buồn nên cố gắng chịu. Nó mà nói sớm nó đau thì có lẽ nó không bị mất chân như thế này”, chị Bình òa khóc.
Để chuẩn bị cuộc phẫu thuật tháo khớp chân cho con, gia đình phải vay mượn 80 triệu đồng đưa Việt ra Hà Nội tháo khớp và xạ trị. Do không có khả năng chi trả viện phí nên sau khi tháo khớp, Việt được đưa về nhà chăm sóc.
Mới đây Việt lên cơn đau rồi ngất xỉu, cả nhà lại hoảng hốt đưa em ra Hà Nội nhập viện. Cứ mỗi lần tỉnh dậy, Việt lại khóc đòi bố mẹ trở về nhà đi học. Hiện em đang nằm tại Bệnh viện K để chuẩn bị cho đợt xạ trị.
“Mỗi lần con khóc đòi về đi học nhưng nhìn xuống chỉ còn một chân, cháu lại hỏi tôi chân con thế này thì làm sao đi học hả mẹ? Nghe con hỏi vậy tôi chỉ biết khóc. Cứ động viên nó ráng chữa bệnh, về nhà mẹ gắng đi làm kiếm tiền mua chân giả để con đến trường”. Chị nói đến đây thì dừng lại. Động viên con là thế, nhưng tiền kiếm ở đâu, chính chị cũng chưa biết.
Ngồi bệt ở góc bếp cũ kỹ, nhắc đến đứa cháu đáng thương, từ trong kẽ mắt kèm nhèm của bà nội Việt là bà Trần Thị Nhung (77 tuổi) rỉ xuống hai hàng nước mắt.
“Ông nội của nó là liệt sĩ Nguyễn Xuân Tri. Từ bé Việt đã khao khát lớn lên đi bộ đội như bố và ông nội. Cháu tôi rất ngoan và hiền, thổi sáo rất hay. Giờ nó bị cưa mất chân, thương lắm”, bà Nhung run run nói.
Trong cơn tuyệt vọng, chị Bình trải lòng cho biết, hiện gia đình cần chi phí để con trai chị bước vào những đợt xạ trị.
“Dù mất một chân rồi, nhưng bác sĩ bảo nếu có tiền xạ trị cho con thì nó vẫn có thể lành để trở về đi học vì tế bào ung thư chưa di căn. Nhưng gia đình tôi không còn đồng nào để chữa bệnh cho con, con gái thứ 3 đang là sinh viên năm 3 nữa. Cầu mong quý ân nhân cứu lấy mạng sống của đứa con trai tội nghiệp này”, chị Bình cầu cứu.
Mọi đóng góp có thể gửi về:
Gửi trực tiếp: Em Nguyễn Xuân Việt, phòng số 4, tầng 3 Khoa nhi, Bệnh viện K3 cơ sở Tân Triều, Hà Đông, Hà Nội.
Hoặc anh Nguyễn Xuân Hồng/chị Nguyễn Thị Bìnhtrú thôn Đồng Vinh, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). SĐT: 0974408567 (anh Hồng, bố của Việt).