Lao động nữ là lực lượng lao động quan trọng trong nguồn nhân lực phát triển kinh tế - hội của đất nước. Tuy nhiên khi tham gia hoạt động ngành nghề, lao động nữ sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như: Sinh con, thời gian hành kinh... Đây là những vấn đề mà lao động nữ sẽ được hưởng nhiều quyền lợi.
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, theo điểm c khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.
Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, căn cứ điểm c khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.
Căn cứ vào Điều 29 Luật bảo hiểm xã hội về thời gian hưởng chế độ khi khám thai :
“Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai năm lần, mỗi lần một ngày; trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ hai ngày cho mỗi lần khám thai.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần”.
Như vậy, trong thời gian mang thai, bạn được nghỉ để đi khám thai năm lần, mỗi lần 1 ngày làm việc không kể nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 35 Luật bảo hiểm xã hội : “Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 29, 30, 31, 32 và 33 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc”.
Tiền lương trong những ngày bạn khám thai sẽ do cơ quan bảo hiểm chi trả chứ công ty không phải chi trả tiền lương cho chị trong những ngày này nữa.
Nhiều trường hợp công ty muốn tận dụng ngày phép năm của người lao động và thỏa thuận với họ là làm việc vào ngày này, công ty sẽ trả thêm 100% tiền lương.
Tuy nhiên, căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ vào ngày phép năm và hưởng nguyên lương; trường hợp người lao động làm việc trong ngày này thì công ty phải trả thêm ít nhất 300% tiền lương, chưa kể tiền lương của ngày phép năm (tổng cộng là 400%).