Khách hành hương không chỉ là người Việt gốc Hoa mà còn ở khắp các tỉnh thành lân cận đổ về tham gia Lễ hội Chùa Bà ở Bình Dương. Số đông đã tập trung từ rất sớm mặc thời tiết nắng nóng.

Minh Thư (TH) 10:34 06/02/2023

Theo thông tin từ Tổ Quốc, vào ngày 5/2 (Rằm tháng Giêng âm lịch), Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương đã diễn ra với không khí nhộn nhịp, hàng nghìn du khách thập phương trong và ngoài tỉnh đã đổ về dâng lễ chùa và tham gia Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu.

Lễ hội chùa Bà là một Lễ hội lớn nhất ở Bình Dương cũng như ở một trong những Lễ hội lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ diễn ra vào Rằm tháng Giêng. Sau 2 năm vắng người vì dịch bệnh, năm nay Lễ hội đã thu hút hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về dâng lễ chùa.

Hoạt động rước kiệu Bà là điểm nhấn tại lễ hội rằm tháng Giêng ở Bình Dương - Ảnh: Tổ Quốc
Nhiều tiết mục hấp dẫn mang đậm tính văn hóa dân gian và gần gũi với người dân như sự xuất hiện nhiều nhân vật huyền thoại - Ảnh: Zing
Do quá đông người, du khách phải cầm nhang giơ lên cao và mỗi người chỉ được mang 3 hoặc 6 cây nhang vào chùa để hạn chế tình trạng khói - Ảnh: Tổ Quốc
Để đảm bảo an ninh trật tự, Ban tổ chức Lễ hội cũng đã tăng cường nhân sự điều phối, hỗ trợ du khách viếng chùa - Ảnh: Tổ Quốc
Sau khi hoàn tất các thủ tục nghi lễ, Kiệu Bà Thiên Hậu bắt đầu tiến ra khỏi chùa - Ảnh: Zing

Bên trong khuôn viên chùa Bà cũng có nhiều người thắp nhang. Năm nay ghi nhận số lượng du khách đổ về đông nhất sau 2 năm, đặc biệt trong 2 ngày 14 và 15 tháng Giêng, miếu chùa Bà luôn trong tình trạng đông đúc. Đặc biệt, trong ngày 15 tháng Giêng, kiệu Bà được rước đi xung quanh trung tâm TP Thủ Dầu Một với rất nhiều đoàn lân đi cùng biểu diễn. Dọc đường, mọi người sẽ làm lễ cúng, cầu phúc, lộc cho năm mới khi kiệu Bà đi qua.

Theo thông tin từ báo Dân Trí, khách hành hương đến lễ hội đa số là người Việt gốc Hoa từ các nơi. Tuy nhiên theo thời gian, quy mô của lễ hội ngày càng mở rộng, thu hút du khách đa dạng ở mọi đối tượng, độ tuổi. Do đó, một số người đã ngất xỉu khi chen chúc dưới trời nắng nóng.

Khách hành hương không chỉ là người Việt gốc Hoa mà còn ở khắp các tỉnh thành lân cận đổ về. Số đông đã tập trung từ rất sớm mặc thời tiết nắng nóng - Ảnh: Zing
Nhiều người dân đã bị xỉu do kiệt sức khi phải đứng dưới trời nắng quá lâu - Ảnh: Zing
Một người dân đi hành hương ngất xỉu do phải chen chúc dưới trời nắng nóng. Người này sau đó được đưa vào khu vực y tế của lễ hội để sơ cứu - Ảnh: Báo Dân Trí

Còn bà Hai (71 tuổi) cũng tranh thủ thời gian cùng con cháu đi từ quận 12 xuống Bình Dương để viếng chùa cầu an. Dù rất nhiều người cùng tập trung tại khu vực sân chùa nhưng họ vào được chánh điện, thắp hương và lễ Bà rất nhanh chóng.

"Năm nay có chỗ nghỉ đặt ngay trước chùa, cũng không có tình trạng người bán hàng rong chèo kéo khách. Ngoài ra, bên ngoài còn phát sẵn nhang và nhiều thứ dùng cho lễ chùa, nên người đến đây không tốn kém gì. Tôi không dùng các dịch vụ trên nhưng cũng cảm giác rất vui" - Ngọc Sơn (25 tuổi), thành viên trong gia đình bà Hai nói.

Dù trong hoàn cảnh đông đúc người đi viếng chùa, xin lộc đầu xuân nhưng khu vực diễn ra lễ hội rằm tháng Giêng không hề diễn ra cảnh chặt chém. Ngược lại, có rất nhiều sạp đồ ăn, thức uống hoàn toàn miễn phí được đặt dọc khu vực chùa, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người đi lễ.

Không khó để nhận ra những thùng nước suối được chất dọc những con đường gần khu vực chùa Bà. Không phân biệt khách có đi lễ hội hay không, bất kỳ ai cũng có thể đến lấy nước uống. Ngoài ra, cứ đến dịp này hàng năm, nhiều gia đình ở TP Thủ Dầu Một lại chuẩn bị sẵn hàng trăm suất bánh mì chay, cơm chay để phục vụ bà con đi lễ chùa. Có gia đình còn nấu thêm nước sâm lạnh để cho người dân đổi vị.

Hình ảnh nhân văn, nghĩa tình tại "lễ hội miễn phí" ở Bình Dương - Ảnh: Báo Dân Trí

Sau 3 năm phải tạm ngưng vì dịch Covid-19, tại lễ hội chùa Bà Thiên Hậu năm 2023, TP Thủ Dầu Một cũng thành lập 10 đội hình tình nguyện hỗ trợ người dân, du khách. Các hoạt động cụ thể của đội tình nguyện là phát sơ đồ hướng dẫn người đi đường, khách thập phương về tham dự lễ hội, tặng nước uống và thức ăn miễn phí, phát nhang, nhánh cây phát tài, hỗ trợ vá xe lưu động miễn phí, thành lập đội cứu hộ giúp đỡ người đi đường, kịp thời sơ cứu khi xảy ra tai nạn.

Từ nhiều năm nay, lễ hội rằm tháng Giêng đã được gọi với cái tên thân thương là "lễ hội miễn phí", góp phần giới thiệu về một tỉnh Bình Dương năng động, chân thành và hiếu khách.

 

Minh Thư (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe