Trong mùa tuyển sinh năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT - nhắc nhở thí sinh cần lưu ý những điểm thay đổi sau.
Đăng ký xét tuyển theo ngành
Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT - cho biết, thí sinh cần lưu ý, sẽ đăng ký xét tuyển theo ngành chứ không đăng ký xét tuyển theo phương thức như các năm trước.
Tất cả phần mềm liên quan tới tuyển sinh, kết nối cơ sở dữ liệu ngành (điểm kết quả học tập của các em ở bậc THPT) với cơ sở dữ liệu HEMIS sẽ được kết hợp với nhau.
Bà Thuỷ thông tin, ngay trong tháng 3, khi nhập dữ liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu HEMIS là các trường đại học có thể xác định được luôn chỉ tiêu tuyển sinh của đơn vị mình trong năm nay. Khi thí sinh xác nhận nhập học, các em cũng thực hiện ngay trên nền tảng này. Như vậy, với hệ thống HEMIS, thông tin được đảm bảo minh bạch từ đầu vào đến đầu ra.
Bà Thuỷ đánh giá, với hệ thống HEMIS, Bộ GDĐT còn có thể giúp các trường đại học tải lên các kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… do đơn vị mình tổ chức lên cơ sở dữ liệu chung. Điều này giúp thí sinh thuận lợi trong việc dùng các kết quả này để xét tuyển, các trường đại học có thể xét tuyển đồng thời khi chạy lọc ảo trong hệ thống, chứ không cần phải xét tuyển sớm.
Bộ GDĐT cũng mong các trường đại học hợp tác, phối hợp để tổ chức kỳ thi chung trong một nhóm trường; hoặc công nhận kết quả thi của nhau. Đồng thời, khuyến khích các trường (tự nguyện) đưa kết quả thi lên hệ thống, để hỗ trợ thí sinh và các cơ sở đào tạo khác sử dụng kết quả thi.
Còn với thí sinh, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, nhờ có hệ thống HEMIS mà Bộ GDĐT có thể hỗ trợ tối đa, để các em tránh sự nhầm lẫn phương thức khi đăng ký xét tuyển. Trong một ngành có nhiều phương thức xét tuyển, năm ngoái có nhiều em đăng ký nhầm phương thức, dẫn đến việc không được công nhận trúng tuyển.
Thay đổi về điểm ưu tiên
Theo thông tin từ báo Người Lao Động, một trong những thay đổi quan trọng nhất trong kỳ tuyển sinh năm 2023 là sự điều chỉnh về chính sách ưu tiên. Chính sách ưu tiên khu vực trong tuyển sinh vẫn giữ nguyên 4 khu vực (ưu tiên khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm và khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên) nhưng năm nay, chính sách ưu tiên này sẽ giảm tuyến tính.
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho hay công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định như năm 2022, tuy nhiên để tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh mà vẫn bảo đảm ưu tiên cho thí sinh ở vùng sâu, vùng xa - nơi điều kiện học tập còn nhiều hạn chế, năm nay Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện điều chỉnh chính sách ưu tiên khu vực. Cụ thể, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75; khu vực 2 - nông thôn là 0,5; khu vực 2 là 0,25 điểm. Tuy nhiên, điểm ưu tiên sẽ giảm dần khi thí sinh đạt tổng điểm 3 môn ở mức khá giỏi tính từ mốc 22,5 điểm trở lên. Như vậy, với công thức trên, một học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 điểm trở xuống sẽ được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng vẫn thí sinh đó nếu đạt điểm thi 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3 và nếu điểm thi của thí sinh ở mức 29 điểm thì điểm ưu tiên sẽ chỉ còn 0,1 điểm.