Với con cháu, người dân xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là một tấm gương sáng, là người con ưu tú nhất của quê hương
Khi nghe tin nguyên >Tổng Bí thư Đỗ Mười vừa ra đi mãi mãi, người dân thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội cảm thấy hụt hẫng, tiếc thương sâu sắc. Những hình ảnh giản dị, chân chất về vị lãnh đạo một đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, một người con luôn đau đáu những nỗi lo về >đời sống nhân dân luôn ghi sâu trong lòng người dân nơi đây.
Căn nhà cấp 4 gắn liền với tuổi thơ ông Đỗ Mười đã nhiều lần được tu sửa nhưng vẫn giữ được cốt cách và phong thái quê cũ. Lúc sinh thời, mỗi lần về quê, ông lại loay hoay dọn dẹp, thắp hương lên bàn thờ tổ tiên rồi mời anh em, chòm xóm trà nước, hỏi han đủ điều.
Ông Nguyễn Duy Yên, cháu họ đồng thời là người canh giữ ngôi nhà, chia sẻ: "Trong tôi cho đến bây giờ vẫn in nhiều kỷ niệm về người ông mẫu mực, một tấm gương sáng với con cháu họ Nguyễn Duy. Tôi còn nhớ rõ lúc cụ làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, căn nhà bị tốc mái, tôi đạp xe chạy lên xin ý kiến sửa chữa thì cụ bình tâm đáp: "Cháu về cắt rạ rồi làm mái nhà, làng mình nhiều rơm rạ lắm". Mỗi năm cụ chỉ về quê vài lần thắp hương tổ tiên, nhiều lần tôi hỏi sao cụ ăn mặc giản dị, đơn sơ thế thì cụ lại đáp "dân mình còn nghèo, khoác áo com-lê lên người mà cảm thấy ngượng, không thoải mái".
Ông Yên cho biết nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sống rất bình dị, luôn đau đáu về quê hương, quan tâm đến cuộc sống của bà con. Còn ông Lê Mạnh Chiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Mỹ, nói mỗi lần về quê hay có dịp gặp các lãnh đạo ở quê, ông Đỗ Mười luôn căn dặn phải quan tâm đến đời sống của người dân. "Mỗi lần có dịp gặp ông Đỗ Mười là một lần học được những bài học vô cùng quý báu. Từ cách nghĩ, cách làm của ông, chúng tôi ý thức hơn trách nhiệm của mình, làm sao để đời sống người dân phát triển hơn…" - ông Chiến bày tỏ.
Theo ông Chiến, ông Đỗ Mười chỉ vài lần về thăm quê với tư cách Tổng Bí thư nhưng với tư cách người con quê hương thì rất nhiều và thường xuyên. Những năm 1990, khi đời sống người dân Đông Mỹ còn vô vàn khó khăn thì ông tặng trường THCS 10 bộ máy vi tính, hỗ trợ tặng quà để chăm lo cho các thầy cô, các học sinh. "Ông luôn đặt vấn đề giáo dục thế hệ trẻ lên hàng đầu, quan tâm và lo lắng cho quê hương anh hùng Đông Mỹ làm sao để ngày một phát triển hơn, cũng là để đất nước vững mạnh hơn" - ông Chiến nói.