Những ngày qua, thông tin về trận giông lốc kèm mưa đá vào ngày 20/4, đã làm vỡ kính tại tòa nhà Việt Tower (số 1 Thái Hà, Hà Nội) - nơi The Coffee House thuê mở địa điểm kinh doanh khiến nhiều người bị thương, đang là tâm điểm chú ý của dư luận.
Liên quan đến vụ việc, lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc kính bị vỡ, dẫn tin từ VietNamNet, ThS. KTS Cao Hoàng Anh - Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây Dựng & Đầu tư ACA - cho rằng, có thể do khung nhôm vách kính ngoài mặt tiền có diện tích kính khá lớn nhưng thiết kế chưa tính toán tác động của thiên tai, giông lốc mưa bão. Cũng có thể vách khung nhôm tấm kính lớn không chia đố được gắn vào tường, độ dày của kính không đạt tiêu chuẩn do đó hệ khung nhôm vách kính này có liên kết yếu, độ bền kém không đủ khả năng chịu tải trọng gió lớn...
“Điểm yếu nhất của kính cường lực là các cạnh viền xung quanh, đặc biệt là các góc khi chịu va đập. Quá trình thi công có thể kính bị lắp lệch lạc, kính xệ xuống. Phụ kiện chèn đệm kính khi lắp không đạt yêu cầu... Khi có tải trọng gió, kính cường lực trong khung có độ đàn hồi kém tạo áp lực căng trên bề mặt kính, làm chuyển vị kính trong khung, khi đó mép và góc kính trong khung bị va đập, o ép, cộng với chất lượng kính thấp dẫn đến sự cố nứt vỡ hay phát nổ là tất yếu” - ông Hoàng Anh phân tích.
Cũng theo ông Hoàng Anh, một yếu tố nữa có thể là chất lượng kính cường lực không đạt yêu cầu là kính không được tôi luyện ở nhiệt độ chuẩn, chưa loại bỏ được tạp chất niken sunfua. Khi kính cường lực chứa niken sunfua tạo nên sự giãn nở cũng gây ra hiện tượng >vỡ kính đột ngột.
Kính cường lực, hay kính chịu lực, đang được sử dụng nhiều tại các công trình, hộ gia đình. Hiện tượng kính cường lực tự vỡ không phải là hiếm. Các thiết bị làm từ kính chịu lực như cửa, vách, giá đựng, bồn rửa mặt, bàn bếp... đều từng xảy ra sự cố.
Theo chuyên gia, khi sản xuất kính cường lực đã tính toán, cân đối lực tác động, sự thay đổi nhiệt độ hơn kính bình thường từ 5-7 lần. Kính chỉ vỡ đột ngột khi bị tích tụ ứng suất.
Trong điều kiện này, vật liệu không tốt sẽ tiềm ẩn ứng suất cao trong đó. Ứng suất của kính là mọi điểm đều có sự phân bố đồng đều về lực. Chỉ cần một điểm nào đó trên vật có sự co kéo sẽ tạo nên ứng suất khác đi. Trường hợp kính bị chiếu ánh nắng vào, sau đó gặp mưa sẽ tạo nên sự giãn nở các phân tử, từ đó tạo ứng suất không cân bằng gây nên vỡ.
Sự cố nói trên đã khiến một số khách hàng và nhân viên bị thương. Trong đó có khách hàng là chị Hoàng Minh Lý 29 tuổi (quê xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đang công tác tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, Hà Nội bị thương rất nặng, sau nhiều ngày vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện.
Cập nhật từ báo Lao Động, bác sĩ Trần Quang Trung, khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết: khi nhập viện, nữ bác sĩ trẻ bị đa chấn thương cột sống, ngực, bụng. Tổn thương gãy trượt đốt sống chèn ép tủy ngực và thắt lưng rất nặng, làm liệt hoàn toàn 2 chi dưới, mất cảm giác từ ngực trở xuống, mất tự chủ đại tiểu tiện.
Phần bụng của bệnh nhân chấn thương nặng, vỡ cơ hoành dẫn đến các tạng dưới ổ bụng thoát lên lồng ngực. Chấn thương ngực khiến người bệnh gãy nhiều xương sườn, tràn máu màng phổi, gây suy hô hấp và hôn mê. Bệnh nhân được cấp cứu dẫn lưu máu trong màng phổi.
Bệnh nhân đã trải qua hai lần phẫu thuật vá cơ hoành để ruột không thoát lên ngực và cố định cột sống, giải ép tủy, đặt mục tiêu giúp người bệnh ngồi được xe lăn.
Thời gian tới, quá trình chăm sóc và phục hồi rất gian khó. Khi sức khoẻ ổn định hơn, bệnh nhân phục hồi chức năng, tập ngồi. Dự kiến, 2-3 tuần tới không xuất hiện biến chứng khác, bệnh nhân có thể ra viện.
Bác sĩ Trần Quang Trung tiên lượng, hiện bệnh nhân có thể trò chuyện dù còn khó khăn, tuy nhiên khả năng phục hồi hoàn toàn rất khó.