Theo bác sĩ, vì hộp sọ của bé gái 3 tuổi Đ.N.A vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, có những đường khớp rạch xung quanh nên đinh có thể đâm vào sau và không gây ra nhiều cảm giác đau cho bé.
Theo diễn biến của vụ án >bé gái 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu, sau khi gây án, đối tượng Nguyễn Trung Huyên đã gửi bé Đ.N.A tại nhà một người quen và tới chiều bé mới có những dấu hiệu đáng lo. Trước tình tiết này, nhiều người không khỏi đặt ra câu hỏi rằng vì sao vụ việc này không để lại dấu vết gì bên ngoài cơ thể bé để người khác phát hiện được?
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Doanh nghiệp và Tiếp thị, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai) giải thích rằng vì cấu tạo hộp sọ của trẻ nhỏ vẫn chưa hoàn thiện được như người lớn nên có những đường thóp vẫn còn khá mềm, nếu đóng đinh trúng các đường ấy thì việc cho đinh vào sâu là rất dễ: "Giống như chúng tôi chữa bệnh thì cũng có thể chọc kim qua những đường thóp để hút dịch ở bên trong ra. Hay còn gọi những vùng đó là vùng câm não bộ".
Với trường hợp bé Đ.N.A, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng phân tích rằng ở độ tuổi 3 thì đa số các đường thóp đã liền lại, tuy nhiên cũng có nhiều trẻ vẫn chưa liền hoặc liền không hoàn chỉnh. Tóm lại, trẻ nhỏ có vỏ hộp sọ vẫn còn khá mềm để phát triển rộng ra và còn có thể có những đường khớp rạch giữa, rạch ngang xung quanh. Trong trường hợp vô tình đóng đinh vào những vùng này thì trẻ thường sẽ ít đau.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng còn cho biết thêm rằng, không chỉ ở trẻ em mà tình trạng trên não có vùng câm vẫn xuất hiện ở người lớn.
Cụ thể, vùng câm của não là những vùng não mà khi chọc vào sẽ không hề có bất kỳ phản ứng nào hoặc rất ít nếu tác động vào ngay cả chảy máu, liệt hay tử vong đều không xảy ra. Tuy vậy, nếu đinh chọc đinh vùng não có đường dây thần kinh đi ngang qua thì sẽ bị liệt ngay lập tức, nếu chọc vào vùng có liên quan đến hô hấp thì người bị chọc có thể sẽ chết ngay lập tức.
"Thật ra tình trạng hôn mê như thế này thì cũng là bị ảnh hưởng nặng rồi. Ở những trường hợp tương tự, nếu phát hiện ra đầu tiên cần kiểm tra xem bé bị nhiễm trùng không, sau đó sẽ phải cân nhắc chữa hết viêm nhiễm bằng kháng sinh hay vừa điều trị nhiễm trùng vừa tiến hành phẫu thuật lấy đinh ra. Tuy nhiên với số lượng nhiều như thế, một cháu bé 3 tuổi như thế thì quyết định phẫu thuật cũng không dễ tí nào." - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói với Doanh nghiệp và Tiếp thị.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng còn cho biết thêm, phần lớn những trường hợp như bé gái 3 tuổi Đ.N.A sẽ để lại nhiều di chứng nguy hiểm vô cùng như động kinh, có thể đi loạng choạng, phát triển chậm, và những di chứng về tinh thần thì đặc biệt khó chữa.