Trào lưu, khoe thành tích của con trên mạng xã hội khá phổ biến. Đằng sau việc làm tưởng bình thường này tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy có thể gây nguy hại cho trẻ nhỏ.
Việc các phụ huynh thi nhau đưa bảng điểm, thành tích sáng giá của con mình lên tung hô trên các trang mạng xã hội vào sau mỗi đợt thi học kỳ nhộn nhịp đến mức nhiều người ví von đó như những phiên chợ, cứ đến hẹn lại lên.“Bệnh lý” khoe điểm con trên mạng thuộc về phụ huynh, cha mẹ học sinh nhưng người phải nhận hậu quả nhiều khi rất nguy hiểm này lại hoàn toàn thuộc về con em đang là học sinh.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn chưa lường hết những mặt trái có thể mang lại từ những hành động tưởng chừng là vô thưởng vô phạt này. Những biểu hiện trầm cảm sau thời gian khá dài bị stress vì cha mẹ quá quan tâm đến điểm học, điểm thi của con mình là chuyện có thật và đã xảy ra ở rất nhiều nơi. Cha mẹ tuy không học cùng con hay đi thi cùng con, nhưng lại, hoặc là vui mừng quá đáng vì con mình đạt điểm thi cao, hoặc là vô cùng đau khổ và tức giận vì con mình đạt điểm thi không như mong muốn, phá hỏng những kế hoạch, những dự kiến tưởng tượng của mình về bước đường tương lai của con.
Dẫn theo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ xã hội học Thân Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển Tri thức (ITCD), Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển cho rằng: “Việc bố mẹ đưa thành tích học tập của con cái mình lên mạng xã hội cho nhiều người biết đó cũng là một dạng tâm lý rất bình thường. Bởi lẽ, cha mẹ luôn cảm thấy tự hào về con cái khi chúng đạt được những thành tích tốt trong học tập. Tuy nhiên, cha mẹ nên biết rằng việc khoe kết quả học tập của con lên mạng xã hội sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi cho trẻ. Đưa thành tích học tập của con lên mạng ngoài việc thể hiện về sự tự hào về con cái thì nó cũng góp phần động viên con trẻ tích cực học tập hơn nữa tuy nhiên điều này chủ yếu xảy ra ở cấp tiểu học. Còn ở những bậc học cao hơn các em thường không muốn phụ huynh đưa thành tích học tập của mình lên. Vì chúng không muốn kết quả học tập của chúng trở thành chủ đề thảo luận với những ý kiến trái chiều nhau trên mạng xã hội”.
Cha mẹ nuôi con, lẽ ra trước hết nên dạy con những điều tốt đẹp, lễ nghĩa, tử tế trong cuộc sống, biết quan tâm và giúp đỡ người khác, giúp người nghèo khổ hay yếu thế. Ngược lại, nếu chỉ quan tâm nhiều nhất tới kết quả bằng điểm số của con mình, sẵn sàng tự hào hay xấu hổ về điểm thi của con mình, thì ngay từ đầu, đã đưa con mình vào những lựa chọn ích kỷ hay vị kỷ trong cuộc sống, thúc đẩy con mình phải “vươn lên bằng bất cứ giá nào” để sau này có thể kiếm được những vị trí công tác “việc nhẹ mà lương cao” chẳng hạn.
Điều dễ nhận thấy là nếu phụ huynh nào đặt áp lực cho con cái thì chúng sẽ dễ mất đi tuổi thơ và đáng ra chúng phải được tận hưởng. Vì thế, phụ huynh cũng nên có những cách khác để con cái vẫn cảm nhận được rằng bố mẹ vẫn đang quan tâm đến kết quả học tập của chúng mà không cần phải đưa những thành tích ấy lên mạng xã hội. Đó có thể là động viên con bằng những cách cụ thể khác như: Tặng cho con những món quà liên quan đến việc học tập, những kỳ nghỉ bổ ích hoặc cho con những điều ước mang tính động lực để khiến các con biết rằng để có được những điều ước ấy thì bản thân chúng phải tự phấn đấu.
Ngược lại, với những bậc phụ huynh có con có thành tích học tập kém chúng ta cũng không nên áp đặt hay bắt chúng phải thực hiện những kỳ vọng của chính mình. Chẳng hạn như: Ngày xưa mình vốn học kém giờ con mình cũng học kém lại thấy cay cú so với bạn bè đồng lứa là không nên. Rồi bắt con mình bằng mọi giá phải đạt được thành tích này, thành tích kia làm ảnh hưởng đến tuổi thơ của chúng.
Trong cuộc đời có rất nhiều con đường thành đạt, trong đó “Tự nâng mình tỏa mình như bóng mát/ Cũng là một con đường”. Sống tử tế, biết thương yêu và chia sẻ với mọi người không bao giờ làm con mình thấp đi, ngược lại, nó khiến con mình hạnh phúc. Mà con mình hạnh phúc mới là điều quan trọng nhất đối với các bậc cha mẹ. Nếu con mình khi ra đời là người “thành đạt” nhưng không có hạnh phúc, do cha mẹ dồn hết áp lực và “tâm huyết” để con mình đạt mong ước như thế của mình, có khi, đứa con lại oán cha mẹ mình khi nó không được sống hồn nhiên và hạnh phúc.