Dự kiến trong 10 ngày tới, từ bão số 7, Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt với tổ hợp thiên tai đó là bão số 8, dự báo còn có bão số 9 và không khí lạnh tràn về.

Thư Trang (t/h) 12:13 10/10/2021

Mới đây, Tuổi Trẻ Online dẫn tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 7h sáng 10/10, bão số 7 (tên quốc tế Lionrock) đang cách Hải Phòng khoảng 170km, cách Nam Định khoảng 190km, cách Thanh Hóa khoảng 260km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Do ảnh hưởng của bão số 7 nên ở trạm đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, trạm đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng có gió giật cấp 6-7. Khu vực phía Đông Bắc Bộ đã có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 130mm.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào khu vực từ Hải Phòng đến Thanh Hóa, sau đó áp thấp nhiệt đới đi sâu vào đất liền và suy yếu dần.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay trên vùng biển phía Đông của Philippines có bão Kompasu đang hoạt động. Lúc 7h sáng nay, bão Kompasu mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo khoảng đêm 11 đến sáng 12/10, cơn bão này có khả năng đi vào phía Bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 8. Đến ngày 16-17/10, có khả năng lại xuất hiện một cơn áp thấp nhiệt đới/bão số 9. Đồng thời, một bộ phận không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh miền bắc. Hoàn lưu bão số 7 kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa lớn cho nhiều khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Biển Đông có thể xuất hiện liên tiếp 2 cơn bão trong những ngày tới - Ảnh: Báo Chính Phủ

 Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết thêm, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trước liên hoàn tổ hợp thời tiết cực đoan trong những ngày tới, các địa phương cần khẩn trương xây dựng kịch bản ứng phó với thiên tai trong 10 ngày.

Việc xây dựng các phương án ứng phó bão phải kết hợp chặt chẽ với phương án phòng chống dịch bệnh, đồng thời các địa phương cần lưu ý về tình hình người dân di chuyển từ các tỉnh miền Nam ra Bắc.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bão lũ kèm dịch bệnh sẽ khiến việc di chuyển của người dân có mức độ rủi ro, nguy hiểm cao hơn. Do đó, chính quyền các địa phương cần can thiệp kịp thời, thông tin về diễn biến thời tiết cho người dân về quê, đặc biệt từ 4 tỉnh, thành phố là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Việc này giúp người dân phán đoán, ra quyết định để không tạo ra rủi ro đột biến cho bản thân.

Đồng thời, trong lúc thiết lập các điểm, khu cách ly tập trung cho những người mới về theo quy định của Bộ Y tế, các địa phương cần lưu ý thêm khả năng chống chịu trước mưa bão của các khu vực này.

Thư Trang (t/h) | Theo Phụ nữ sức khỏe