Bình thường bà Quyên (Bình Thuận) xem chồng như kẻ thù, bởi ông dẫn bồ về nhà. Nhưng khi có người lạ, bà lại tỏ vẻ hạnh phúc.
Hơn 20 năm qua, rất nhiều lần bà Quyên (hiện 65 tuổi, Phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết) muốn ra tòa ly hôn người >chồng ngoại tình, thậm chí còn đưa tình trẻ về nhà, nhưng không làm được. Bà bảo bây giờ đã có dâu, rể, ly hôn sẽ không làm gương cho con, bên thông gia dị nghị. Thời trẻ thì bà không dám buông vì sợ điều tiếng, bởi ông bà đều làm trong cơ quan nhà nước, có chức vụ nhiều người mơ ước.
Ông Linh hơn vợ 10 tuổi, từng làm phó giám đốc cho một ngân hàng nhà nước. Còn bà Quyên thì làm trưởng bộ môn một trường cấp ba của tỉnh Bình Thuận. Sau 40 năm vợ chồng, họ có 3 người con, hai gái một trai, đều thành đạt, có gia đình riêng.
Bước qua tuổi 40, bà Quyên bị bệnh phụ khoa, phải cắt bỏ hai buồng trứng, vì thế, chuyện phòng the thường gặp trục trặc. Lâu dần, họ sống mỗi người một phòng. Khao khát sinh lý, ông Linh nổi tật xấu thời trẻ, thả sức ngoại tình với những cô gái nóng bỏng tầm tuổi đôi mươi.
Biết chuyện, bà đau buồn vô cùng. Đau hơn khi nhìn ông nhiều lần công khai dẫn người tình về nhà. “Tôi không đáp ứng được, ông ấy đi 'ăn bánh trả tiền' cũng chẳng sao, vì đó là nhu cầu của con người. Nhưng chuyện đưa gái về nhà thì không được!”, bà Quyên đau khổ nói.
Nhìn mẹ ngày càng u uất, các con khuyên bà nên chia tay để cuộc sống được thoải mái, nhưng bà một mực từ chối. “Suốt những năm qua, gia đình tôi luôn là tấm gương điển hình về gia đình văn hóa ở khu phố”, bà Quyên chia sẻ.
Vì thế, dù rất buồn, dù những lúc chỉ có hai người, bà xem ông như kẻ thù, nhưng trước mặt người ngoài, họ tỏ vẻ rất quan tâm nhau. “Chúng tôi già rồi, nếu cứ mang chuyện mình cho người ngoài bàn tán, coi sao được”, bà nói.
Ngần ấy năm, bà hết đi du lịch, tham gia các câu lạc bộ, đi dạy thêm hay dọn đến nhà các con ở để tìm niềm vui. Mỗi khi về nhà, ngoài lo cơm nước cho các con, bà chủ yếu ở trong phòng để tránh mặt ông. “Cứ nhìn ông ấy, nghĩ đến việc mình bị phản bội, tôi ghét vô cùng, muốn làm gì đó nhưng chẳng thể”, bà nói.
Theo Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa, Viện tâm lý và Giáo dục Pháp luật TP HCM, tình trạng vợ dù khổ cũng không dám ly hôn như bà Quyên không phải hiếm. Nó thường xảy ra với những gia đình có chồng thành đạt, át quyền vợ hoặc vợ không đáp ứng được nhu cầu sinh lý. Người vợ cố giữ chồng vì sĩ diện hoặc nghĩ mình mất bao năm chịu khổ cho chồng thành đạt, giờ bỏ đi thì cô khác sẽ hưởng hết, thiệt thòi.
Tờ đơn ly hôn của chị Nhâm (35 tuổi, quận 2, TP HCM) đã được anh Minh - người chồng cùng tuổi - ký, nhưng hơn hai năm nay chị không dám nộp cho tòa. Anh có thu nhập cao, tháng gần 50 triệu đồng. Còn chị muốn nuôi con nhưng chỉ làm kế toán, lương thấp nên sợ không đủ chi phí cho ba mẹ con. Vì thế, chị đành từ bỏ ý định ly hôn, ngậm cay đắng một mình.
Sau 10 năm kết hôn, đã có hai con trai, 8 tuổi và 4 tuổi, nhưng số lần họ gần gũi chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Vợ chồng ngủ bên nhau cứ như mặt trăng, mặt trời. Nhiều khi tôi chủ động nhưng anh ấy gạt ra rồi bảo ‘anh mệt’. Đi làm thì thôi, về đến nhà anh ấy nhậu, gặp gỡ bạn bè, đùa giỡn với con hay ra ngoài hiên nhà ngồi. Còn với tôi, anh ấy chỉ nói những gì cần thiết”, chị Nhâm ngậm ngùi kể.
Nghĩ chồng ngoại tình, chị theo dõi bằng cách cài định vị ở xe và điện thoại, cũng như hỏi dò ở công ty anh mà chẳng phát hiện được gì. Chị cũng >làm đẹp, chưng diện hơn, xịt thêm dầu thơm, nhờ cha mẹ anh nói hộ mà không ăn thua. Nhiều lần chị gợi chuyện để chồng chia sẻ nhưng anh gạt đi, bảo vợ tào lao.
“Tôi chán và mệt mỏi vô cùng. Nhưng tôi rất sợ con phải sống trong cảnh chia ly. Còn nếu một mình nuôi hai con, tôi lại không đủ khả năng”. Cứ như thế, suốt mấy năm liền, chị Nhâm sống trong dằn vặt, bên ngoài cố cười nhưng trong lòng luôn gợn sóng.
“Tôi nghĩ, chính sự nhu nhược của người vợ đã bị chồng nắm thóp. Họ nghĩ mình cứ thỏa sức chơi bời, rồi vì con, vì tai tiếng nên vợ chẳng làm gì được. Điều này khiến các ông chồng càng đổ đốn", thạc sĩ Hoa nói.
Theo bà Hoa, rơi vào tình cảnh này, những người vợ hãy mạnh dạn đấu tranh, đề nghị anh ta thay đổi, có thời hạn nhất định, nếu có thể hãy rũ bỏ để sống cho mình. Trường hợp vì con mà phụ thuộc kinh tế như chị Nhâm thì hãy yêu bản thân, đừng nghĩ đến người kia nữa. Hãy đi chơi, giao lưu bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, làm đẹp cho bản thân. Đừng nên chết mòn vì cam chịu.
* Tên nhân vật đã được thay đổi