Học sinh dù bị trường khác đánh giá yếu kém, vướng tệ nạn xã hội, cá tính khác biệt... đều được thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm tiếp nhận.
Sáng 19/11, trường THPT Đinh Tiên Hoàng rất đông phụ huynh tới chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong câu chuyện với Chủ tịch Hội đồng nhà trường - TS Nguyễn Tùng Lâm, các bố mẹ hào hứng kể con mình đã thay đổi ra sao.
"Con em vốn ít nói nhưng giờ tự tin hơn. Đi học về nhà cháu vui vẻ, biết giúp đỡ bố mẹ, có vẻ hạnh phúc hơn nhiều thời học ở trường danh tiếng", một phụ huynh kể. Vị chủ tịch 75 tuổi, mái tóc bạc phơ nở nụ cười: "Học sinh thay đổi tích cực là điều tôi hạnh phúc nhất".
Ngôi trường không chọn lọc đầu vào
Năm 1989, trong buổi tổng kết năm học của ngành giáo dục Hà Nội, Phó chủ tịch UBND thành phố khi đó là bà Trần Thị Tâm Đan bày tỏ lo lắng trước chất lượng giáo dục đạo đức của học sinh. Thời điểm sau Đổi mới, kinh tế vừa mở cửa, một bộ phận học sinh có biểu hiện sa vào chơi bời.
Ông Nguyễn Tùng Lâm khi đó là Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội đã đề xuất mở trường nhận những học sinh bị đuổi về dạy lại, để giải quyết vấn đề bức xúc cho giáo dục thủ đô. Hơn 2 tháng sau, THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng có quyết định thành lập.
Với quan niệm, nhiệm vụ của giáo dục là dạy tất cả học sinh có nhu cầu, trường THPT Đinh Tiên Hoàng hoạt động theo mô hình không chọn lọc đầu vào. Các học sinh dù học lực-hạnh kiểm yếu kém, vướng tệ nạn xã hội, cá tính khác biệt... bị các trường khác từ chối, đều được trường Đinh Tiên Hoàng tiếp nhận. Số học sinh mà nhà giáo Tùng Lâm gọi là "khó khăn trong học tập, rèn luyện đạo đức" này, chiếm 20-30% tổng số học sinh của trường. Cũng bởi thế mà trường còn có biệt danh là "Đinh kinh hoàng".
Có thời điểm, ban giám hiệu trường phải mời cảnh sát cơ động tới túc trực, ngăn chặn học sinh đánh nhau. Không ít giáo viên chỉ làm một tuần đã xin nghỉ việc vì không chịu nổi học trò ngỗ ngược, đe doạ, thách thức thầy cô.
"Nhưng tôi có niềm tin rằng cái nhìn và cách làm nhân nghĩa, sự tôn trọng học sinh, cộng thêm yếu tố giáo viên giỏi, sẽ giúp được các em", nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm nói. Ông xây dựng cho trường đội ngũ giáo viên chủ nhiệm giàu tâm huyết, có năng lực nghề nghiệp, trả lương cao, trao quyền tự chủ sáng tạo phương pháp giảng dạy. Bản thân ông sau khi lập trường cũng đi học lên thạc sĩ, tiến sĩ, để nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu thêm những phương pháp giáo dục hiệu quả.
Không chọn lọc đầu vào nhưng THPT Đinh Tiên Hoàng cam kết đầu ra là những học trò biết tự học tự rèn, có phẩm chất tốt, năng lực đạt mục tiêu cấp học và được gia đình - xã hội tin tưởng, sử dụng. Bởi thế, giáo dục kỹ năng sống trở thành nội dung được đề cao trong trường.
Các em khi làm sai không bị viết kiểm điểm mà được yêu cầu suy nghĩ về hành động bản thân. "Chúng tôi không đếm sai lầm, vi phạm để xếp loại học trò mà nhìn vào những điều tốt các em đã làm được. Đặc biệt, các học sinh không bị so sánh với nhau mà chỉ so sánh chính bản thân họ để thấy đã tiến bộ như thế nào", ông Lâm nói.
Trong sổ tay học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng hiện nay (tương đương sổ liên lạc), phần học sinh tự đánh giá về bản thân mỗi tháng đều có câu hỏi: Những việc em đã cố gắng hoàn thiện bản thân theo yêu cầu tự học sáng tạo/tự trọng/tự tin...; Những đóng góp tích cực cho tập thể; Những việc còn cần rút kinh nghiệm...
Phần đánh giá của giáo viên về kết quả học tập, rèn luyện của học trò cũng chỉ có các tiêu chí: Đã tích cực tự học tự rèn; Có thay đổi, tiến bộ; Cần cố gắng nhiều hơn. Việc xếp loại hạnh kiểm tốt/khá/trung bình/yếu chỉ có ở cuối mỗi học kỳ để "tuân theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo". Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm bảo, nếu không phải quy định bắt buộc, ông sẽ không đánh giá đạo đức học trò như thế, bởi đó là cách "dán nhãn" các em gây phản giáo dục, không quốc gia tiên tiến nào thực hiện.
Từ năm 2001, trong khi các trường cả nước còn xa lạ với mô hình phòng Tư vấn tâm lý học đường thì Chủ tịch trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã chi vài trăm triệu mỗi năm để phát triển phòng chuyên môn này với đội ngũ chuyên gia riêng. TS Tùng Lâm hiểu rằng, đối tượng học sinh của trường có nhu cầu bộc lộ bản thân cao nên cần người thứ 3 lắng nghe và trao đổi lại với giáo viên chủ nhiệm để cùng tìm ra giải pháp. Đây cũng là nơi giúp các em hướng nghiệp và giúp TS Lâm tìm ra những phương pháp giáo dục học trò hiệu quả.
Thầy giáo 75 tuổi kể, không ít đại gia đã tìm đến đề nghị thành lập trường với mục tiêu phát triển đội ngũ học sinh giỏi nhưng ông từ chối. Nhiều người khác bàn tán rằng ông dại khi chọn con đường khó.
"Tôi rất thích triết lý trong bài hát Một đời người một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai. Tôi lấy việc giáo dục cho học sinh gặp khó khăn về học tập và rèn luyện đạo đức làm niềm vui và kiên trì theo đuổi", ông nói.
"Tôi là đã tạo ra những người tử tế"
Nói về những kết quả trong 30 năm xây dựng trường, Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm không nhắc về tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hay đỗ vào trường đại học đã tăng đáng kể thế nào. Ông kể chuyện những học trò đặc biệt đã trở thành người tốt và tự hào đó là thành tựu lớn nhất đời ông.
"Có hôm tôi đi taxi tình cờ gặp đúng tài xế là học trò cũ của trường mình. Em bảo cuộc sống mưu sinh khiến người ta không dễ tử tế, nhưng với những giá trị học được ở trường về đạo đức làm người, em chọn cách sống nghèo một chút để làm người tử tế. Câu nói đó khiến tôi vui lắm", ông Lâm nói.
Một cựu học sinh khác năm lớp 11 vì ham muốn ăn chơi đã bán chiếc xe máy mà người mẹ bán nước một mình nuôi cậu mãi mới dành dụm có được. Khi hai mẹ con đến gặp Hiệu trưởng, ông Lâm hỏi học sinh hai điều: Em sống được vì ai và mẹ em sống được là vì ai.
Khi cậu học trò im lặng trước câu hỏi thứ hai, ông Lâm phân tích: Mẹ em sống được là vì em đó. Nếu em thay đổi, trở thành người tốt, mẹ mới sống lâu được. Nếu em lêu lổng, mẹ sẽ phải cả đời khổ sở bán nước nuôi thân. Sau một ngày được về nhà suy nghĩ, học sinh đó trở lại trường với nửa ngón tay út bị chặt đứt. Cậu tự chặt ngón tay để thể hiện quyết tâm thay đổi. Sau này, cậu học đỗ hai đại học, sang Úc học thạc sĩ và trở thành giám đốc một công ty thép.
"Nếu ai hỏi tôi có hối hận không khi phải học ở ngôi trường THPT Đinh Tiên Hoàng mà mọi người nghe tên đã phát sợ, tôi sẽ trả lời rằng: tôi hạnh phúc vì được học tập và lớn lên tại đây... Thầy cô giúp tôi hiểu rằng, kiến thức không phải tất cả. Cha tôi từ việc rất ghét đi họp phụ huynh, sau một lần đến trường nghe cô giáo chủ nhiệm nói chuyện đã bảo: Trường con thật là tuyệt", một cựu học sinh khoá 2004-2005 - người từng phản đối con vào trường THPT Đinh Tiên Hoàng nói.
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng Hà Nội do 4 người sáng lập là : Nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Thị Tâm Đan; nguyên Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội Vũ Mạnh Kha; nguyên Phó giám đốc Sở giáo dục Hà Nội Nguyễn Triệu Hải và nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm.
Năm học đầu tiên 1989-1990, THPT Đinh Tiên Hoàng có 136 học sinh với 20 giáo viên. Các năm sau đó, số lượng học sinh tăng lên hàng nghìn, cao điểm năm học 1999-2000 trường tiếp nhận hơn 2.000 học sinh. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp nhiều năm đạt 95-98%, năm học 2017-2018 là 100%.
Hiện tại, trường có gần 700 học sinh hơn 80 giáo viên, nhân viên.
Văn hoá phát triển trường THPT Đinh Tiên Hoàng được nhà trường xây dựng theo công thức: Vft = đ.t.h - x2. Trong đó Vft là sự phát triển của mỗi cá nhân và nhà trường; t là tận tâm với công việc, với mọi người, với hoài bão; tận hiến cho sự nghiệp giáo dục; h là học hỏi, hợp tác để phát triển bản thân và nhà trường; x2 là mọi xấu xí cần loại bỏ như: bảo thủ, bon chen, không trung thực, không yêu thương, không khoan dung, không hợp tác.