Sau biến cố kinh hoàng cách đây 10 năm, chị Lê Thị Pha Ly (SN 1983) đã gượng dậy sau nỗi đau không tả thành lời. Mất đi đôi chân, chị phải học cách làm quen với cuộc sống mới.

Phương Chang (TH) 12:19 14/05/2022

"Mỗi lần cận kề cái chết là tôi lại nghĩ đến má, đến gia đình"

"Nhiều lúc, tôi chỉ muốn chết đi cho xong. Tôi tự hỏi mình sống trên đời làm gì khi gia đình mình khổ sở như vậy. Mẹ đi nhặt ve chai, ở trong một căn nhà tạm bợ", chị Ly nói rồi quệt nước mắt. Đó là những dòng suy nghĩ cách đây 10 năm, khi chị gặp biến cố kinh hoàng mất đi đôi chân.

Năm 2012, chị Ly cùng chồng lên >TP.HCM làm công nhân tại một nhà máy mì. Trong lúc hai vợ chồng chạy xe máy trên đường Tân Kỳ - Tân Quý thì va quẹt với một xe tải. Sau cú đâm kinh hoàng, cả hai bị cuốn vào gầm xe, chị Ly và chồng bị cán nát đôi chân. Sau khi đưa vào bệnh viện, bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ chân và cấp cứu. 

Sau biến cố, chị học cách đi lại, di chuyển với đôi chân đã bị cưa quá nửa

Chị Ly nhớ lại kí ức đầy những nỗi đau: "Tôi bất tỉnh 3 ngày, không còn nhớ mình đã ngã như thế nào. Mở mắt ra, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện, hai chân tê buốt. Do dạ dày tổn thương sau nhiều ngày bất tỉnh, tôi không ngừng nôn thốc nôn tháo. Tôi mới nói với Trang (con gái riêng của chồng - PV), con xem nhấc chân dì lên giúp, sao mà nó đau và tê quá. Trang ngập ngừng rồi trả lời: Dì ơi, dì không còn chân để mà nhấc nữa rồi... Tôi bàng hoàng nhìn xuống phía dưới thân mình, một bên bị cắt trên gối, bên còn lại giữa gối. Tinh thần tôi sụp đổ từ giây phút đó".

Sau tai nạn, cả hai vợ chồng chị Ly đều phải học cách sống cuộc đời người khuyết tật. "Khi mới về nhà, tôi hụt hẫng vô cùng vì không nghĩ có ngày mình trở nên vô dụng đến thế. Tôi không thể tự ngồi, rất nhiều lần bật ngửa ra phía sau. Ăn cơm cũng ngã, đi vệ sinh cũng ngã... Má bèn đưa tôi lên giường, chặn gối xung quanh để cho tôi từ từ làm quen với cuộc sống không có đôi chân. 

Giữa lúc khổ sở trăm bề, tôi chỉ muốn chết đi cho xong. Tuy nhiên, mỗi lần cận kề đến cái chết là tôi lại nghĩ đến má, đến gia đình. Má tôi nói rằng, sau tai nạn, tôi còn sống được là tốt lắm rồi. Má không có nhiều tiền nhưng sẽ làm tất cả đều nuôi sống tôi, cho tôi dựa vào. Nghĩ lại những lời đó, tôi gắng gượng mà tiếp tục đời mình", chị Ly nói. 

Đi qua những nỗi đau

19 tuổi, chị Ly lập gia đình và có một người con. Sau khi chồng mất sớm, chị quyết định đi thêm bước nữa với người đàn ông cùng xóm. Tai nạn kinh hoàng vào năm 2012 đã làm cả hai mất đi đôi chân. "Sau đó, do không hợp nhau nên chúng tôi đường ai nấy đi", chị Ly nghẹn ngào nói. 

Sau tai nạn bị xe tải chở tôn cán qua chân, chị Ly bị ám ảnh suốt thời gian dài. Mỗi ngày, má thường đưa chị Ly ra đường cho khuây khỏa. Chỉ cần thấy xe tải đi tới, chị sẽ hoảng loạn đòi nép sâu vào lề. Kí ức bị lôi đi hàng chục mét, dưới gầm xe đã để lại trong chị những nỗi đau không tả thành lời. Dần dà, chị học cách thích nghi với cuộc sống mới. Hiện nay, chị đã có thể di chuyển khá nhanh nhẹn, dọn dẹp, quét nhà, nấu ăn... 

Chị tâm sự: "Do hai chân bị cán mất sức lao động, người ta có đền bù tôi một số tiền. Từ đó, tôi dựng lên căn nhà để che mưa, che nắng. Những ngày tháng khổ nhất là lúc mới từ bệnh viện về nhà, không có chỗ ở. Tôi và má phải ở tạm phía sau hè. Dù cực khổ đủ đường nhưng má chưa bao giờ than vãn nửa lời. Tuổi cao, >sức khỏe đã suy giảm theo thời gian nhưng bà vẫn bán từng tờ vé số, mỗi ngày được từ 50.000-80.000 đồng để hai mẹ con sống qua ngày. Tôi còn nhớ năm ngoái, khi bà bị xe quẹt người ta liền chạy lại đỡ, hoảng hốt, cầu nguyện cho má tôi không sao. Bởi họ biết, má còn đang nuôi tôi ở nhà. Năm nay, tôi đã 40 tuổi, má vẫn lo lắng như thời tôi còn bé". 

Thi thoảng, chị Ly vẫn nhận điều về nhà lột, mỗi kí chị được trả công 5.000 đồng. Đối với chị, số tiền này không lớn nhưng nó là cả niềm tự hào và sự cố gắng. Rằng, khi không còn đôi chân, chị vẫn lao động bằng đôi tay, đỡ đần người mẹ tảo tần lo cho chị từ khi còn thơ bé đến lúc trưởng thành.

Theo Lan Chi/Tổ Quốc