Nhiều nạn nhân tại Thanh Hoá đã mất tiền, thậm chí mất tiền tỷ khi tin tưởng trò "nghe nhạc được trả tiền".

Minh Thư (TH) 10:53 11/04/2023

Theo thông tin từ Zing, vào ngày 10/4, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đơn vị đang điều tra, xử lý các vụ việc lừa đảo trên mạng với hình thức nghe nhạc được trả tiền.

Cụ thể, chị Nguyễn Thị T. (SN 1989, ở xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) trình báo bị lừa 1,1 tỷ đồng sau khi tham gia hình thức “nghe nhạc được trả tiền”.

Hình thức lừa đảo của nghi phạm là tạo niềm tin cho người chơi bằng cách trả 50.000 đồng tiền thưởng khi “thả tim” trên ứng dụng nghe nhạc. Khi người chơi đã tin tưởng, chúng tiếp tục yêu cầu người chơi làm theo yêu cầu mới để nâng mức trả thưởng.

Cụ thể, nghi phạm gửi cho chị T. trang web, hướng dẫn chị T. chuyển tiền để tham gia các bước xác nhận để hưởng tiền thưởng, tiền chênh lệch cao hơn. Tổng số tiền chị T. đã chuyển cho các nghi phạm với mục đích hưởng tiền chênh lệch cao là 1,1 tỷ đồng. Sau thời gian tham gia trò chơi, không còn khả năng vay mượn tiền, chuyển tiền cho các nghi phạm để hưởng chênh lệch, hoa hồng ở mức cao, thì chị T. mới tố giác ra cơ quan công an.

Công an Thanh Hoá cảnh báo chiêu trò lừa đảo "nghe nhạc được tiền" - Ảnh: Báo Tiền Phong

Một trường hợp khác cũng mắc bẫy chiêu trò này là chị L.T.H. ở phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa). Theo thông tin từ báo Tiền Phong, vào ngày 20/3/2023, chị H có nhận được điện thoại mời tham gia làm cộng tác viên nghe nhạc tăng lượt view, lượt like cho ca sỹ với thù lao 100.000- 200.000 đồng, qua ứng dụng Telegram. Chị H tin tưởng làm theo yêu cầu của đối tượng, nhưng sau đó phát hiện ra chiêu trò lừa đảo. Tổng số tiền chị đã chuyển khoản theo yêu cầu của đối tượng là hơn 100 triệu đồng.

Hình thức tiếp cận của nhóm lừa đảo rất đơn giản. Chủ nhân của số điện thoại sẽ nhận được một cuộc gọi của một người xưng là nhân viên của một sàn thương mại điện tử, có nhiệm vụ tăng tương tác cho các bài hát trên Zing MP3 bằng cách trả tiền tương tác, hoa hồng cho người nghe nhạc.

Đối tượng giải thích chỉ cần bật bài hát được yêu cầu trên Zing MP3 thì sẽ được 10 nghìn đồng/bài. Kể cả không nghe mà chỉ bật lên để đó cũng vẫn nhận được tiền. Sau đó sẽ được mời đề nghị kết bạn qua Zalo. Mọi thông tin cá nhân, tài khoản của người chơi sẽ được nhóm lừa đảo khai thác, dụ dỗ tham gia hình thức chuyển tiền để hưởng chênh lệch mức cao.

Trước những vụ việc nêu trên, cơ quan công an cảnh báo người dân tuyệt đối không tham gia các lời mời làm nhiệm vụ, đầu tư giao dịch trên mạng xã hội. "Khi có số điện thoại, facebook, zalo lạ gọi/nhắn tin đến để mời chào, rủ rê làm nhiệm vụ, đầu tư giao dịch trên mạng thì bạn đang có dấu hiệu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không dễ dàng gì mà người lạ lại chủ động đem cơ hội kiếm tiền dễ dàng đến cho mình, cần kiềm chế lòng tham, cảnh giác và tự bảo vệ mình trước thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo.

Hiện cơ quan chức năng đang điều tra, xử lý các vụ việc, đồng thời cảnh báo đến người dân cảnh giác với hình thức lừa đảo trên.

Minh Thư (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe