Khép lại cơn ác mộng về biển lửa năm nào, chị Lê Thị Kim Ngân (quê Phú Yên) đã sống tiếp cuộc đời của mình bằng sự vị tha và tình yêu thương.

Thư Trang (t/h) 11:13 23/10/2021

Mẹ ơi… mẹ đừng bỏ con!

Hai đứa con của chị Ngân đã liên tục gọi mẹ trong suốt quãng đường từ nhà đến bệnh viện. Chúng gào lên, khẩn thiết kêu gọi bác sĩ cứu lấy mẹ mình. Mon và Trum (tên hai đứa con chị Ngân) sợ người >phụ nữ yêu thương nhất đời này sẽ vĩnh viễn lìa xa chúng…

Chị Lê Thị Kim Ngân (35 tuổi) sinh ra ở vùng quê thuộc huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Khi có được hai mặt con, người chồng đầu tiên đã bỏ chị vào TP.HCM sinh sống. Vài năm sau, chị tái hôn cùng người đàn ông cùng làng.

Chị Kim Ngân được chẩn đoán bỏng 92%

 Đầu năm 2019, chồng chị thua cá độ đá banh, bị dân "xã hội" liên tục đòi nợ. Những khoản tiền lớn, nhỏ trong nhà cứ lần lượt ra đi, chị Ngân quyết định giữ lại số tiền cuối cùng để làm vốn nuôi con, sửa sang tiệm internet. Túng quẫn, người đàn ông nhiều lần đập phá máy tính, dọa giết vợ.

Chị nhớ về buổi tối kinh hoàng: "Hôm ấy, tôi đang ngồi ngoài phòng thêu tranh. Anh ấy đã nhiều lần liên tục gọi tôi, lớn tiếng hăm dọa. Khi tôi vừa đi vào để coi con ngủ, chồng đã lôi tôi vào phòng, siết cổ và tưới xăng lên người. Anh ấy muốn cả gia đình cùng chết".

Lửa ngùn ngụt thiêu đốt thịt da, chị Ngân giãy giụa kêu cứu. Trong cơn đau đớn tột cùng, chị vùng chạy ra ngoài để tránh làm lan lửa đến phòng hai con. Hai đứa trẻ bật dậy, hoảng loạn khi thấy lửa bao trùm lấy cơ thể mẹ.

"Tôi đã chuẩn bị tinh thần để chết đêm đó", chị Ngân nói.

Tại bệnh viện, bác sĩ kết luật Ngân bị bỏng 92% cơ thể và chuyển chị vào TP.HCM điều trị. Tính đến thời điểm hiện tại, chị đã trải qua 7 cuộc phẫu thuật với muôn vàn đớn đau.

 

 

 

 

 

Người đàn ông ấy gục mặt xuống khóc, không nói được điều gì

"Lần đầu tiên nhìn thấy mình qua tấm gương trong thang máy bệnh viện, tôi đã bật khóc. Tay chân co quắp, chằng chịt sẹo, gương mặt bị hủy hoại… Tôi không còn là tôi nữa.

Tôi không thể mặc áo bình thường, vì da tay đã dính chặt vào thân.

Tôi không thể cầm viết để dạy Trum và Mon học.

Tôi không thể tự mình cột tóc.

Tôi không thể chạy xe để đưa con đến trường.

Tôi đã dày vò mình hàng trăm lần, về những đứa con, chúng sẽ sống như thế nào, lớn lên ra sao khi không có một người mẹ lành lặn", chị Ngân nghẹn ngào.

6 tháng đầu tiên, chị Ngân hoàn toàn nằm ở nhà, mọi sinh hoạt phải để người thân trợ giúp. Hai đứa nhỏ ngày nào được mẹ đưa đón, giờ đây đã phải tự đi đến trường. Thương con, chị ráng vực dậy sống tiếp.

Những ngày đầu tiên, mỗi bước đi của chị như có trăm ngàn nỗi đau.

Gương mặt chị Ngân trước và sau khi xảy ra biến cố

 Tay chân bị cháy co rút, khi đi đứng vết thương ở da bị rạn ra, máu chảy ròng ròng. Chị bám chặt vào thành cầu thang, bức tường để tập đi. Một lần, khi hai đứa con chị đi học về, thấy mẹ đang nhấc từng bước chân chậm rãi, chúng reo lên: "A! A… Mẹ đã đi được rồi".

Lần nào thấy cảnh đó, chị cũng giàn giụa nước mắt.

Thời gian đầu sau biến cố, những đứa con của chị Ngân bị ám ảnh. Đến mức, mỗi tối không có người nằm cạnh, chúng sẽ gặp ác mộng.

Đối với chị Ngân, hạnh phúc là khi được tận hưởng niềm vui bên các con

 Vậy mà có ngày, chị lại quyết định tha thứ cho người đàn ông đã gây ra nỗi đau của mình. Lúc chị quyết định ký tên vào tờ đơn xin giảm nhẹ mức án cho chồng cũ, cả gia đình ai cũng giận.

"Tôi hận lắm chứ. Nhưng khi tôi gặp lại chồng trong trại giam, người đàn ông ấy chỉ gục mặt xuống khóc, không nói được một lời nào.

Tôi nghĩ mình nên tha thứ. Tôi không thể ôm nỗi hận thù để sống hết cuộc đời này được. Những ngày tôi ở trong bệnh viện, mẹ chồng tất tả vào nuôi. Bà cũng khóc hết nước mắt vì người con trai lầm lỗi này.

Tôi muốn cởi trói mình khỏi mọi giận dữ, thù oán để cho mình một cuộc đời mới", chị nói.

Người ta nói tôi là … quỷ ma

Khi đã ổn định >sức khỏe, chị quyết định ôm con vào TP.HCM sinh sống. Ngân An Yên là cái tên chị đặt cho cửa hàng tinh dầu của mình. Chị tâm sự: "Cuộc đời tôi nhiều bão giông tới mức, chỉ cần một ngày bình yên tôi đã thấy vô cùng đáng quý rồi".

Chị thường kết hợp với một vài bạn bè, cũng là người khuyết tật để livestream bán hàng. Chị Kim Ngân chia sẻ: "Khi thấy tôi vừa xuất hiện, nhiều người đã bình luận khiếm nhã "xấu xí, nhìn giống quỷ ma mà cũng lên livestream nữa.

Tôi thấy nóng ran mặt mày, nước mắt muốn trào ra nhưng tôi vẫn cố gắng bình thường, cắn chặt môi để lòng không còn đau nữa…

Anh bạn livestream cùng tôi là người khiếm thị, không thấy được người ta bình luận gì. Tôi cũng giấu nhẹm chuyện bị chỉ trích để không ai phải tổn thương.

Đêm về, khi các con đã đi ngủ, tôi khóc ướt gối. Tôi không hiểu vì sao người ta lại đối xử với mình như thế. Nếu tôi chỉ có một mình, tôi có thể dễ dàng đi bán vé số, vào trung tâm bảo trợ người tàn tật để sống.

Nhưng, tôi còn các con, chúng là điều quý giá nhất, là động lực để tôi sống tiếp đến ngày hôm nay. Bằng mọi giá, tôi phải đi làm, phải kiếm sống để nuôi nấng chúng".

Từ tháng 8/2021, chị Ngân đã đưa các con về quê tránh dịch

 Mùa dịch vừa rồi, chị ôm con về lại Phú Yên. Cuộc sống có rất nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, khi tình hình dịch tại TP.HCM ổn định, chị vẫn muốn vào lại để con cái tiếp tục đi học, chị có thể buôn bán.

"Tôi đã sống dưới đáy vực tuyệt vọng rất nhiều lần. Đó là suốt 6 tháng trời, nằm nhà không thể di chuyển; là khi bác sĩ nói rằng tôi không còn thịt lành để phẫu thuật; là lúc về nhà, thấy toàn bộ cửa tiệm mình gầy dựng đã bị thiêu rụi…

Nhưng tôi vẫn tồn tại, vẫn vươn lên không ngừng để bỏ lại quá khứ phía sau. Người đàn ông ấy không dám nhìn thẳng gương mặt của tôi. Trong trại giam, tôi biết anh sẽ phải trả giá cho sự nông nổi của mình", chị tâm sự.

Cay đắng đã nếm đủ, những giọt nước mắt đã được hong khô, vết thương nay đã liền sẹo, chị sẽ viết tiếp cuộc đời mới của mình với dạt dào thương yêu.

Theo Lan Chi/ Tổ quốc