Mạng xã hội xuất hiện đoạn video clip ghi lại cảnh bé trai trên tay cầm cọc vé số, tỏ ra sợ hãi, đi giật lùi để tránh khi bị một người phụ nữ sấn tới, lớn tiếng đe dọa.

Tuệ Anh (TH) 09:35 14/03/2024

Theo thông tin từ Dân Trí, tối 13/3, Công an phường 1, quận 8 (TPHCM) vừa tiếp nhận sự việc được lan truyền về đoạn clip người phụ nữ bắt bé trai 4 tuổi bán vé số, nạt nộ "không hết, biết tay tao".

Đại diện Công an phường 1 cho hay, thời gian gần đây, phường chưa tiếp nhận thông tin nào liên quan đến chuyện bạo hành, chăn dắt trẻ em bán hàng rong. Tuy nhiên, địa phương ghi nhận có nhiều người lao động cho con đi học buổi sáng, còn buổi tối vì phải ra ngoài mưu sinh, không thể ở nhà trông con nên mới dắt con theo.

"Những trẻ nhỏ đi kèm người lớn bán hàng rong như vậy thường có mối quan hệ ruột thịt, gia đình cha, mẹ - con cùng đi mưu sinh và không có biểu hiện bạo hành nên địa phương rất khó xử lý. Tuy nhiên, khu phố cũng thường xuyên động viên người lao động không được bắt con trẻ nghỉ học để đi bán hàng rong", vị này nói.

Riêng trường hợp người phụ nữ bắt ép, dọa đánh bé trai trong đoạn clip, địa phương sẽ xác minh danh tính, cũng như mối quan hệ giữa người này và đứa bé.

Người phụ nữ dọa nạt, ép đi mời khách mua vé số - Ảnh: Dân Trí

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn >video clip ghi lại cảnh bé trai trên tay cầm cọc vé số, tỏ ra sợ hãi, đi giật lùi để tránh khi bị một người phụ nữ sấn tới, lớn tiếng đe dọa.

Chủ nhân đoạn clip, chị N.T., cho hay sự việc xảy ra vài ngày trước, tại hẻm 109 Dương Bá Trạc (phường 1, quận 8).

Chị T. cho biết thời điểm xảy ra sự việc là vào khoảng 12h. Chị và nhân viên nghe thấy tiếng la mắng ồn ào bên ngoài nên ra xem.

Lúc này, chị T. thấy một bé trai (khoảng 4 tuổi) đứng dưới trời nắng, trên tay cầm cọc vé số, luống cuống tiến tới rồi lại lùi bước, vẻ mặt sợ hãi.

Người phụ nữ trong đoạn clip sấn tới chỗ bé trai, vung tay, liên tục dọa nạt khiến cậu bé vội giật lùi tránh: "Từ nay tới chiều mà vé số còn y nguyên là biết tay tao! Cứ đứng đó không chịu vô (để mời khách mua vé số), lát nữa ăn bạt tai. Tao xé vé số cho mày bị đòn rồi tao bỏ đi luôn".

Thấy bé trai vẫn sợ hãi, không dám vào quán trà sữa mời vé số, người phụ nữ liên tục dọa nạt: "Giờ đưa cọc vé số cho tao, mày đừng có trù tao bán ế. Tao đánh vô bụng mày bây giờ, mày tin không?".

Nghe vậy, bé trai lấy tay che bụng, đưa lại cọc vé số và cùng người phụ nữ rời đi.

Chứng kiến sự việc, chị T. đã ghi lại bằng điện thoại và đăng tải lên mạng xã hội. Chị cho biết, bé trai và người phụ nữ nói trên thường bán vé số ở hẻm 109 Dương Bá Trạc. Đây không phải lần đầu cậu bé bán vé số bị dọa nạt, ép vào các hàng quán trên con hẻm này để mời khách mua vé.

Điều 4 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP và Điều 10 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP quy định: Các hành vi nói chuyện, viết, dịch, nhân bản sách, báo, tài liệu, tranh ảnh, ghi âm, ghi hình, dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác nhằm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em bỏ nhà đi lang thang dưới mọi hình thức; dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em đang sinh sống cùng gia đình bỏ nhà đi lang thang sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3 đến 10 triệu đồng. Hành vi bắt trẻ em, tập hợp, chứa chấp trẻ em, cho thuê, cho mượn trẻ em để đi lang thang bán vé số, sách, báo, tranh, ảnh, bán hàng rong, ăn xin hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi sẽ phải chịu mức xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng. Nếu cha mẹ, người giám hộ có hành vi bắt trẻ em đi lang thang kiếm sống sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng. Những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trên còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách phải tiêu hủy đối với số sách, báo, tranh, ảnh... và nộp lại số tiền có được do đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 252 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành, như sau: 1) Người nào dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên hoạt động phạm tội, sống sa đọa hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; 2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm: a) Có tổ chức; b) Dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp, lôi kéo nhiều người; c) Đối với trẻ em dưới 13 tuổi; d) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm; 3) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 252 BLHS, còn có thể bị phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm.

Nguồn: Bảo vệ Pháp luật

Tuệ Anh (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe