"Chính phủ và người dân Việt Nam đều phản ứng nghiêm túc trước tình hình dịch bệnh", Brendan Ryan, một người Mỹ từng sinh sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Phương Duy 16:38 21/04/2020

Anh Brendan Ryan là một người Mỹ từng sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Anh đến từ thành phố Diamondhead thuộc bang Mississippi của Mỹ. Khi dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) bùng phát tại Trung Quốc và lây lan ra nhiều quốc gia khác trên toàn cầu vào tháng 1/2020, Ryan đang là giáo viên tiếng Anh tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng giống như rất nhiều người dân Việt Nam, công việc giảng dạy tiếng Anh của Ryan cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do các trường học, trung tâm ngoại ngữ buộc phải tạm đóng cửa trong thời gian dài sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Cuối cùng, Ryan đã quyết định trở về Mỹ, quê hương của anh - nơi hiện đang là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất và cũng đang phải oằn mình chống chọi với dịch bệnh.

Tòa soạn xin gửi tới quý độc giả nội dung lược dịch những cảm nhận và trải nghiệm của Ryan khi ở Việt Nam và khi trở về Mỹ trong mùa dịch COVID-19.

Tôi đến từ thành phố Diamondhead, Mississippi, nhưng một tháng trước, tôi vẫn đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM), Việt Nam và làm công việc giảng dạy tiếng Anh.

Kể từ cuối tháng 1 năm nay, COVID-19 đã trở thành một phần "cố định" trong cuộc sống thường nhật của tôi.

Vào dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, tôi đã đến chơi nhà một người bạn ở một tỉnh miền Tây. Mỗi tối, tôi đều xem tin tức cùng gia đình của anh bạn này, và ngày nào chúng tôi cũng thấy có thông tin cập nhật về các ca nhiễm COVID-19 tăng cao tại Trung Quốc.

Sau đó, khi kỳ nghỉ Tết kết thúc, các trường học đã thông báo rằng họ sẽ tiếp tục tạm thời đóng cửa trong một thời gian ngắn vì tình hình dịch bệnh. Tôi đã ra một tiệm thuốc ở gần nhà bạn tôi để mua khẩu trang cho hành trình lái xe máy 6 tiếng về đến Tp. HCM.

Việt Nam phát hiện những ca bệnh đầu tiên sớm hơn nhiều so với Mỹ, và tôi muốn chia sẻ trải nghiệm cá nhân của mình để lí giải cho mọi người rõ hơn về nỗi lo lắng của tôi trước tình hình dịch COVID-19 ở Mỹ.

Ảnh: Tuấn Mark

"Tôi đã định ở lại Việt Nam, chờ đến khi dịch bệnh qua đi"

Ở Tp. HCM, ban đầu chúng tôi chưa bị dịch bệnh ảnh hưởng, nhưng các sự kiện đã được hủy bỏ từ sớm, và khi tôi tụ tập cùng bạn bè, thì chủ đề bàn luận duy nhất của chúng tôi chính là COVID-19. Tôi cũng liên hệ thường xuyên với các bạn bè ở Trung Quốc để đảm bảo rằng họ vẫn ổn.

Không lâu sau đó, chính phủ Việt Nam đã đưa ra chỉ thị đóng cửa các quán bar, và đeo khẩu trang đã trở thành một điều bắt buộc ở nơi công cộng. Tại các trung tâm thương mại, bảo vệ được giao thêm nhiệm vụ kiểm tra nhiệt độ của tất cả khách hàng.

Mặc dù có vị trí địa lý giáp với Trung Quốc và có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với quốc gia này, nhưng Việt Nam đã duy trì được số ca nhiễm COVID-19 ở mức thấp đến đáng kinh ngạc. Vào thời điểm tôi viết những dòng này, Việt Nam mới chỉ xác nhận 268 ca nhiễm COVID-19.

Một quốc gia có diện tích chỉ tương đương bang California, với dân số gấp hơn 2 lần so với bang này, vậy mà số người nhiễm lại thấp đến thế. Con số này thật sự đáng chú ý, và các biện pháp chống dịch đúng đắn của Việt Nam rất đáng học tập.

Kể từ cuối tháng 3, Việt Nam đã bắt đầu áp dụng quy định cách ly 2 tuần bắt buộc đối với những người nhập cảnh vào nước này. Họ đã tiến hành xét nghiệm triệt để, và mỗi khi phát hiện một hành khách trên chuyến bay dương tính với virus corona, họ sẽ thông báo đến tất cả những hành khách chung chuyến bay với bệnh nhân.

Những biện pháp này nghe có vẻ hà khắc, nhưng chúng ta đang sống trong thời kỳ dịch bệnh, nên có lẽ đây chính là những biện pháp hiệu quả nhất mà chúng ta có thể thực hiện để ngăn chặn dịch bệnh.

Tôi đã định ở lại Việt Nam, chờ đến khi dịch bệnh qua đi. Một tuần trước khi trở về Mỹ, tôi đã tích trữ kha khá thực phẩm và nhu yếu phẩm để sống qua dịch bệnh.

Việc tích trữ đồ này cũng giống như khi ta chuẩn bị đón một cơn bão lớn, và đó cũng là cách tôi hình dung về tất cả những điều đang xảy ra - một mùa bão tồi tệ vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt. Tại Mississippi, tôi nghĩ rằng cơn bão ấy vẫn chưa ập đến, và điều đó khiến tôi thấy sợ hãi.

Nói thật lòng, tôi không muốn trở về nhà. Tôi thấy an toàn khi ở Việt Nam, vì ở đó chính phủ và người dân đều phản ứng nghiêm túc trước tình hình dịch bệnh. Tôi đã rất lo lắng về việc sẽ trở về trên cùng chuyến bay với những người mang mầm bệnh. Nhưng tôi vẫn trở về vì cha mẹ tôi, họ đã bắt đầu lo lắng vì tôi chỉ có một thân một mình ở nước ngoài trong khi đại dịch toàn cầu nghiêm trọng đến vậy.

Ảnh: Tuấn Mark

Nhiều người Mỹ vẫn chủ quan

Những điều tôi đã chứng kiến tận mắt trên quãng đường trở về Mỹ từ Việt Nam đã giúp tôi đi đến kết luận rằng nước Mỹ thực sự chưa nếm trải "hiện thực" của COVID-19. Tại sân bay ở Việt Nam, chúng tôi được yêu cầu đeo khẩu trang, và mọi người đều chủ động giãn cách xã hội. Trong chặng bay từ Tp. HCM tới Nhật Bản, không ai tháo khẩu trang, trừ lúc họ ăn vội vã một thứ gì đó.

Khi tôi quá cảnh ở Houston, tôi đi qua cửa hải quan rất dễ dàng. Chẳng ai hỏi tôi rằng tôi đã đến từ quốc gia nào, và quốc gia đó có bị dịch COVID-19 ảnh hưởng hay không. Chẳng ai nói với tôi rằng tôi cần phải tự cách ly trong 2 tuần khi trở về nước. Và đó là những gì đã diễn ra sau chuyến bay dài 13 giờ, trong một không gian hạn chế, với những người hoàn toàn có thể mang mầm bệnh.

Khi tôi qua cửa an ninh, tôi thấy các nhân viên an ninh đeo găng tay nhưng lại không đổi đôi mới khi kiểm tra đồ của những hành khách khác nhau.

Một hành khách đã lên tiếng yêu cầu nhân viên an ninh đổi găng tay khi kiểm tra túi của anh ấy, nhưng người này chỉ nhận lại một ánh lườm. Cuối cùng, sau khi người này kiên quyết yêu cầu, nhân viên an ninh mới chịu đổi đôi găng tay khác.

 

Theo Hồng Anh/Tổ Quốc