Giờ đây chị Hương đang làm tất cả những gì có thể để động viên tư tưởng con, thậm chí hàng đêm chị kể chuyện cho con nghe, dạy con đánh vần tên bố mẹ ruột.
Sau nhiều ngày liên hệ, chúng tôi đã có dịp gặp chị Vũ Thị Hương (SN 1983), một trong 2 gia đình bị >trao nhầm con tại Bệnh viện Ba Vì (Hà Nội) cách đây 6 năm.
Chị Hương chia sẻ, ban đầu chị cũng định im lặng vì cuộc sống trải qua quá nhiều biến cố, nhưng nếu không nói ra thì sẽ nhiều người hiểu sai câu chuyện và bản chất vấn đề.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, không ít lần nước mắt người mẹ này đã rơi. Chị khóc bởi vì có sự nhầm lẫn này mà chị đã mất quá nhiều thứ từ hạnh phúc gia đình, đến tiền tài, danh vọng…
Cố trấn tĩnh lại tinh thần, chị nói với chúng tôi rằng: “Có lẽ cái được duy nhất tôi nhận được trong câu chuyện này đó chính là cùng lúc có 2 đứa con”.
Tuy nhiên, sự việc đến quá vội vàng và gấp gáp, ngay chính bản thân chị cũng chưa thể thích ứng được, huống chi là 2 con còn quá nhỏ tuổi.
“Tôi là người dạy trẻ, tôi hiểu được tâm lý và suy nghĩ của các con. Tôi tin chắc rằng giờ này nếu tách các con để cho về môi trường mới, gia đình mới, các con sẽ rất sốc và không hiểu chuyện gì đang xảy ra”, chị Hương chia sẻ.
Kể từ khi biết kết quả giám định ADN, biết đứa con đang nuôi không phải là con mình, chị Hương tìm mọi cách để làm công tác tư tưởng cho con.
“Hàng đêm nằm nói chuyện, tôi thủ thỉ vào tai con và nói: M. là con đẻ của bố Sơn, mẹ Hiền. Rồi mỗi buổi tối, tôi thường dạy cháu đánh vần tên bố mẹ ruột.
Ngày đầu tiên khi tôi nói chuyện này, M. phản ứng gay gắt, nhưng rồi “mưa dầm, thấm lâu”, M. bắt đầu hỏi tôi vì sao lại thế? Khi con đặt ra những câu hỏi này, tôi biết rằng con đã phần nào hiểu chuyện.
Trong câu chuyện giải thích cho M., tôi luôn phải trấn an M. rằng: Mẹ vẫn là mẹ của con, cho dù con làm gì mẹ vẫn đứng đằng sau con.
Lúc đó, M. trả lời mẹ rằng: Con mà đi biến hình thì mẹ sẽ không bao giờ biết con ở đâu nữa. Nghe thấy con nói vậy, tôi chạy vội vào nhà vệ sinh và khóc, không để cho con nhìn thấy”, chị Hương vừa nói, vừa đưa cầm tờ giấy mềm lau đi những giọt nước mắt.
Những ngày gần đây, rất nhiều lần chị Hương cảm thấy bị tổn thương nặng nề khi dư luận chỉ trích chị, thậm chí còn có người mắng thẳng mặt nói rằng: “Con mình không đón về nuôi, đi nuôi con người ta”.
Những lúc đó, chị Hương chỉ biết khóc một mình, bởi chỉ có ai ở trong hoàn cảnh của chị thì mới hiểu được sự khó khăn như thế nào.
“Từ khi sự thật câu chuyện này được làm rõ, dù tôi làm việc ở Hà Nội, nhưng hàng tuần tôi vẫn đưa con về quê để 2 gia đình gặp nhau. Tôi cũng đã nói chuyện với gia đình bên kia rồi, nhưng có vẻ họ rất sốt ruột.
Tôi xin khẳng định lại một lần nữa rằng không phải tôi không muốn giao nhận 2 con, nhưng thời điểm này là không hợp lý, thậm chí là hại các con. Cần phải có thêm thời gian để các cháu làm quen”, chị Hương nói.
Chia sẻ về đứa con đẻ của mình, cháu Phùng Thanh H., hiện đang được nhà anh Phùng Giang Sơn chăm sóc, chị Hương cho biết, qua nhiều lần gặp và làm quen, H. rất ngoan, lễ phép và rất dễ gần.
“Đã có lần tôi đón H. xuống Hà Nội chơi 1 tuần với M. H. rất dễ gần, dù ở hẳn 1 tuần nhưng con không có cảm giác nhớ gia đình.
Tới đây khi giao nhận con xong, tôi vẫn để tên cháu là Đoàn Nhật M. và tên gọi khác là H. chứ không đổi tên con”, chị Hương chia sẻ.
Theo thông tin chị Hương cung cấp, tới đây chị sẽ thu xếp công việc ở Hà Nội, về quê tìm việc mới để 2 con, 2 gia đình gần nhau hơn, để các cháu làm quen với gia đình mới của mình.