Cứu trợ cho người dân vùng lũ trong lúc nguy cấp là điều rất cần thiết. Tuy nhiên cần xem xét việc cứu trợ, ủng hộ gì để thiết thực cho người dân.

Minh Anh (t/h) 11:55 11/09/2024

Trước tình hình các tỉnh miền Bắc đang ngập trong lũ, nhiều đoàn cứu trợ đã lên đường để mang lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.

Tinh thần "tương thân tương ái" đang được người dân phát huy một cách mạnh mẽ gây xúc động cho nhiều người. Tuy nhiên, để việc cứu trợ được hiệu quả, góp phần giúp đỡ được nhiều người cũng cần phải xem xét, tìm hiểu để đưa đúng nơi, đúng người và an toàn.

Chị Hoàng Thu Hiền, sống tại Hà Nội với kinh nghiệm nhiều năm làm thiện nguyện cho biết cứu trợ là công việc dài và phải đúng lúc, đúng cách, đúng sản phẩm. Chị đã đúc kết ra những loại hàng hóa nên được đưa đến hỗ trợ cho bà con vùng lũ lụt.

Người dân vùng lũ thực sự cần gì?

Theo chị Hiền, thứ nhất nên tôn trọng nguyên tắc là chỉ gửi những đồ mà bà con có thể ăn được, uống được ngay để đảm bảo >sức khỏe và duy trì sự sống mà không qua bất kỳ khâu chế biến nào. Tốt nhất nên gửi những sản phẩm có giá trị >dinh dưỡng cao và đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo cân bằng sức khoẻ.

“Các sản phẩm này chủ yếu là các loại bánh quy, bánh mềm, bánh bơ sữa, bánh gạo, bánh rau và ngũ cốc, lương khô (không cần quá nhiều vì hơi khó ăn nếu thiếu nước), các loại sữa tươi, sữa hộp (nên là loại có một chút đường để bổ sung năng lượng cho những người vùng lũ vì ngập nước rất đói và rét). Các sản phẩm có đạm cao như xúc xích gà hoặc heo, bò, pa tê, các loại đồ hộp như cá hộp, thịt hộp, thịt nguội ruốc rất cần thiết cho người dân và đặc biệt các lực lượng cứu hộ hao tổn nhiều sức lực” – Chị Hiền chia sẻ.

Chị Hiền gợi ý rằng đồ ăn tươi có thể dùng ngay như bánh chưng, giò chả, mắm tép chưng thịt, trái cây tươi dễ dập hỏng như nho, chuối… có thể được cân nhắc nhưng không nên gửi nhiều quá vì việc vận chuyển vào trong rất khó khăn nên qua một hoặc hai ngày sản phẩm có thể bị thiu. Những đồ này chủ yếu phục vụ lực lượng cứu hộ và bà con đã được tập kết.

Các đoàn cứu trợ cần đặc biệt lưu ý nước sạch cần gửi rất nhiều, cụ thể là nước tinh khiết đóng chai vì ở vùng lũ không có nước sạch để dùng, nhất là cảnh màn trời chiếu đất.

Chị Hiền cũng lưu ý: “Các đoàn thiện nguyện hạn chế gửi gạo hay mì tôm vì đó là các sản phẩm cần phải nấu lên mà lũ lụt thì lấy đâu ra lửa. Mì hay gạo chỉ phù hợp cho cứu đói, giáp hạt mất mát đột ngột… sau bão lũ chứ không phải để cứu lũ khẩn cấp”.

Nếu có điều kiện, các đoàn hỗ trợ có thể cân nhắc gửi các loại cháo tươi đóng trong túi, đồ này đặc biệt cần thiết để cứu đói cho các cụ già và trẻ nhỏ, người ốm.

“Trái cây có thể gửi được nhưng nên chọn những loại trái cây khó hỏng khó bị vỡ dập như là các loại dưa các loại quả có mũi như cam hoặc gửi chuối xanh một chút. Có thể cân nhắc gửi các loại trái khô như chuối khô, sấy khô là những loại quả rất nhiều chất xơ và vitamin” – chị Hiền nói.

Một trong những thứ cần viện trợ bà con vùng lũ là thuốc. Chị Hiền cho hay: “Thuốc uống như thuốc hạ sốt, các loại sủi vitamin C, khoáng chất và vitamin tổng hợp, thuốc đau bụng đi ngoài, các loại dầu cao, dầu nóng, cồn sát khuẩn, nước muối nhỏ mắt 0,009%, kháng sinh dự phòng, orezol bù điện giải, urgo dán các cỡ rất cần thiết để cứu trợ bà con vùng lũ.

Ngoài ra, có thể gửi các loại xà phòng sát khuẩn, giấy ăn khô túi nhỏ, khăn ướt túi nhỏ, băng vệ sinh cho phụ nữ, bỉm cho trẻ em, CloraminB diệt khuẩn nước sinh hoạt…

Các loại sạc dự phòng, có cả phích cắm để phục vụ lực lượng cứu hộ len lỏi cả ngày vào vùng xa vùng sâu cứu người, đèn pin đeo trán dùng pin có thể thay thế,…

Các đoàn cứu trợ cũng có thể gửi quần áo, chăn màn vì lũ lụt thế này trên người bà con chỉ còn bộ quần áo thôi nên rất cần đồ khô để thay” – chị Hiền cho hay.

Chị Hiền chia sẻ thêm, các đoàn cứu trợ không nên đi phân phát đồ dùng cho bà con mà nên tập trung gửi cho mặt trận Tổ quốc, cơ quan công an, quân đội cứu trợ hoặc hội chữ thập đỏ của địa phương.

“Họ có bố trí người và kho để tiếp nhận và sẽ có lực lượng để phân bổ. Đó là những đầu mục tin cậy cùng với các lực lượng vũ trang và dân quân địa phương sẽ phân bổ tất cả hàng hóa đến những hộ dân ở xa xôi nhất một cách đồng đều và hiệu quả. Chúng ta không thể lường trước được những rủi ro và những vấn đề vùng lũ, không nên trở thành một mối bận tâm mới cho lực lượng cứu hộ” – chị Hiền nói.


Ảnh minh họa

Với kinh nghiệm nhiều lần cứu trợ, chị Hiền cũng đặc biệt lưu ý, do có đội ngũ tiếp nhận nên mọi người hạn chế gửi những món đồ khối lượng nhỏ nhưng tràn lan và lắt nhắt. Việc gửi như vậy sẽ làm mất nhiều công sức, thời gian của đội tiếp nhận phải vào sổ, phân loại, đóng gói lại. Tốt nhất, nên gửi theo khối lượng chẵn và lớn theo thùng.

“Nếu không có nhiều tiền thì tập hợp cùng vài người và chỉ cần gửi một hai loại sản phẩm, hàng hoá là được, không cần phải ấy náy bởi vì người này gửi món này thì người khác sẽ gửi đồ khác” – chị Hiền nói.

Theo Thùy Linh/Gia đình Việt Nam