Sau khi Đà Nẵng ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới nhất, kết thúc chuỗi 99 ngày cả nước không có ca bệnh trong cộng đồng, công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương bắt đầu được "kích hoạt" trở lại.

Phương Duy 07:23 26/07/2020

Tại Hà Nội, UBND thành phố khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, trước hết là sẵn sàng truy vết, xét nghiệm nhanh, rửa tay, đeo khẩu trang ở những nơi công cộng tập trung đông người.

Phố đi bộ hồ Gươm chiều 25/7 khá vắng vẻ do thời tiết nắng nóng kéo dài. Theo ghi nhận, đa số người dân đều chấp hành việc đeo khẩu trang, nhất là đối với trẻ nhỏ và người lớn tuổi.

Chị Hạnh (quận Hoàn Kiếm) đưa con nhỏ dạo chơi chiều thứ 7. Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, biết được ca nhiễm mới nhất tại Đà Nẵng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chị trang bị cho các con và người thân khẩu trang và nước rửa tay.

"Từ ngày có dịch, cả gia đình đã quen với việc đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên, nên thời điểm này, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì, sẵn sàng tự bảo vệ mình và những người xung quanh", chị nói.

Người dân ủng hộ Hà Nội tiếp tục đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng chống dịch >Covid-19. Thực hiện: Kingpro.

Người dân đi dạo bộ tại khu vực phố đi bộ hồ Gươm chiều 25/7.

Ca nhiễm ở Đà Nẵng chấm dứt chuỗi 99 ngày Việt Nam không có ca bệnh trong cộng đồng, người dân bắt đầu "kích hoạt" lại các biện pháp phòng chống dịch.

Hà Nội khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, nhất là đeo khẩu trang nơi đông người.

Người lớn tuổi và trẻ nhỏ dễ bị "tổn thương" trước dịch bệnh vẫn luôn rèn thói quen đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài.

Buổi tối tại một trung tâm thương mại ở quận Hai Bà Trưng, dù cuối tuần nhưng khá vắng vẻ. Ngay lối vào được trang bị dung dịch sát khuẩn, khuyến khích người dân rửa tay trước khi mua sắm.

Anh Tuấn (quận Hoàn Kiếm) cùng vợ con tranh thủ shopping đêm thứ 7. Cả gia đình đều nghiêm chỉnh chấp hành đeo khẩu trang, dù con gái anh mới 1 tuổi.

"Dù hơi lo lắng khi hay tin Đà Nẵng vừa ghi nhận một ca bệnh Covid-19 chưa rõ nguồn lây, nhưng tôi hy vọng toàn xã hội đề cao biện pháp phòng, chống dịch như chúng ta đã từng thực hiện. Mong rằng dịch bệnh sớm đi qua, để mọi người cùng quay lại cuộc sống bình thường", anh chia sẻ.

Trung tâm thương mại là nơi công cộng đông người ra vào, do đó người dân cần tuân thủ nghiêm chỉnh việc đeo khẩu trang.

Tại TP.HCM, chiều 25/7, khu vực nhà ga trong nước, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đông kín khách du lịch, rơi vào tình trạng quá tải. Ô tô xếp hàng dài chờ đón trả khách.

Để ngăn chặn lây lan dịch bệnh, hầu hết mọi người đều ý thức đeo khẩu trang, không chủ quan, tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Nhân viên sân bay, hãng bay,... cũng đeo khẩu trang khi làm việc.

Tại một số cửa ra vào thường xuyên, nhân viên sân bay bố trí nước rửa tay và bảng thông tin khuyến cáo >phòng chống Covid-19.

"Sân bay là nơi dễ mắc bệnh và nguy cơ lây lan dịch bệnh cao nhất nên chúng tôi ý thức được rằng cần bảo vệ bản thân, đeo khẩu trang để phòng dịch. Tôi thấy đa số mọi người có mặt ở sân bay này đều đeo khẩu trang từ hành khách cho đến nhân viên sân bay, điều này chứng tỏ người dân chúng ta không hề chủ quan trước dịch bệnh", anh Hoàng Nhất (hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất) chia sẻ.

Sân bay Tân Sơn Nhất đông đúc khách chiều 25/7.

Khu vực sân bay đông đúc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Nhà ga Tân Sơn Nhất đặt bảng thông báo ngay lối vào, khuyến cáo du khách đeo khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.

Hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang.

Trong khi đó, tại một số siêu thị trên địa bàn TP.HCM, khách hàng vẫn duy trì thói quen đeo khẩu trang khi mua sắm. Tỉ lệ khách đeo khẩu trang được ghi nhận khoảng 60% so với những người không đeo.

"Do siêu thị là nơi kín, có máy lạnh khiến dịch bệnh rất dễ lây lan nên chúng tôi không chủ quan", một khách hàng cho biết.

Khách hàng đi siêu thị đều tuân thủ đeo khẩu trang.

Người dân không chủ quan trước tình hình dịch bệnh hiện nay.

Tỉ lệ khách đeo khẩu trang được ghi nhận khoảng 60% so với những người không đeo.

 

Phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25/7 về phòng chống Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ yêu cầu bình tĩnh nhưng không chủ quan; khoanh vùng, dập dịch tích cực ở TP. Đà Nẵng; kiểm tra biên giới, cửa khẩu một cách chặt chẽ, ngăn chặn nhập cảnh trái phép…

Với tình hình xuất hiện bệnh nhân số 416 ở TP. Đà Nẵng, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là TP. Đà Nẵng cũng như ngành y tế bình tĩnh, kiên quyết xử lý, nhất là khu vực bệnh nhân đã đến, sinh hoạt.

Các bộ, các ngành, UBND các địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Các thành phố lớn và các địa phương có liên quan quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, phương châm phòng chống dịch tại Chỉ thị 19 của Thủ tướng.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thường xuyên như rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn… nhất là những khu vực như TP. Đà Nẵng, nơi xuất hiện ca bệnh 416.

 

 

Theo Tứ Quý - Minh Nhân/Tổ Quốc