Mặc dù mang trong mình căn bệnh ung thư thanh quản nhưng người đàn ông từng một thời lầm lỡ Cường Ba Cu vẫn cùng vợ âm thầm nấu phát cơm miễn phí cho các bệnh nhân Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM). Việc làm nhân văn của đôi vợ chồng này đã diễn ra trong gần 6 năm qua.
200 ngày/năm phát cơm miễn phí
Bệnh nhân ở BV Ung bướu và BV Nhân dân Gia Định gần như “nhẵn mặt” anh, người đàn ông có nước da ngăm đen rắn rỏi, bề ngoài phong trần. Anh là Nguyễn Thanh Cường, chủ tiệm cơm Ba Cu (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Bệnh nhân ở đây quen gọi anh với cái tên thân mật là Cường Ba Cu.
Tại cổng BV Ung bướu, dưới cái nóng hầm hập, mấy trăm người xếp hàng dài trong im lặng và trật tự để nhận suất ăn miễn phí từ anh Cường. Có nhiều người xếp hàng ở đây từ 13h.
Khi nhìn thấy chiếc xe quen thuộc của anh Cường chở đồ ăn tới, một nhóm gần 10 người ùa vào, mỗi người mỗi tay giúp anh Cường khiêng những thùng thức ăn xuống. Anh Cường cho biết, đó là những người ở xung quanh khu vực bệnh viện, những chị bán vé số, bán hàng, có cả em nhỏ vô gia cư cũng xúm vào giúp anh.
Anh Cường bắt đầu phát số thứ tự, lần lượt phát cho bệnh nhân trước, sau đó đến người đi chăm nuôi. Giúp anh Cường bảo vệ cho việc phát cơm được diễn ra an toàn, trật tự còn có mấy anh em thân quen của anh Cường.
Bữa cơm miễn phí anh Cường chuẩn bị hôm nay thật ngon. Ngoài cơm còn có thịt kho trứng, cá rán, cá kho, đậu hũ chiên, canh… Tất cả đều nóng sốt và rất sạch sẽ, vệ sinh. Mỗi khẩu phần ăn đảm bảo >dinh dưỡng cho cả người nhà đi chăm sóc và người bệnh.
Ngoài suất cơm, anh Cường còn phát thêm cho mỗi bệnh nhân 20.000 đồng cùng một trái chuối hoặc một miếng xoài, là trái cây do chị Bích Vân (một người hảo tâm ở quận Bình Thạnh) mang đến góp cùng anh Cường giúp đỡ người bệnh. Anh Cường nói, mấy hôm trước, mỗi bệnh nhân còn được một hộp sữa tươi.
Chị Giao, người vợ và cũng là nguồn động viên lớn giúp anh bền gan trong công tác từ thiện suốt 6 năm qua chia sẻ, ban đầu, anh chị chỉ định phát cơm chay cho bà con, nhưng chứng kiến người bệnh ốm đau, >sức khỏe suy giảm sau mỗi đợt điều trị hóa chất, anh chị quyết định nấu những bữa ăn có đủ thịt cá, dinh dưỡng cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Một người trong nhóm thiện nguyện cho biết thêm, trước đây anh Cường phát cơm miễn phí suốt cả tuần, nhưng nay sức khoẻ không cho phép nên anh rút ngắn từ thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần. Tính trung bình mỗi năm anh Cường phát trong 200 ngày, mỗi ngày 1 bữa 500 suất.
Tấm gương hoàn lương cho những người lầm lỡ
Chia sẻ với Dân Việt, vợ chồng anh Cường không giấu giếm quá khứ một thời lầm lỗi của anh Cường. Nhất là chị Giao, người vợ hiền luôn kề vai sát cánh với anh Cường gần 30 năm qua, từ lúc anh Cường trai trẻ sa chân vào chốn lao tù cho đến ngày hôm nay.
Chị Giao cười hồn hậu chia sẻ về quá khứ của anh Cường: “Anh thời trẻ đẹp trai có tiếng, ga lăng, lại làm ăn có tiền nên trong thời khắc nông nổi đã không giữ được mình. Sau khi bị bắt, anh Cường chịu án phạt tù nhiều năm. Ra tù, vợ chồng tôi mở quán cơm kiếm kế sinh nhai, để cho anh ấy từ bỏ hẳn con đường lầm lỗi”.
Sau khi ra tù, anh Cường ân hận vì những gì mình làm trong quá khứ nên quyết tâm làm lại cuộc đời. Trong những ngày đưa mẹ tới khám và điều trị tại BV Ung bướu, rồi đi thăm bạn hữu điều trị bệnh ung thư tại đây, anh Cường đem lòng trắc ẩn khi chứng kiến quá nhiều bệnh nhân ung thư gia cảnh nghèo khổ, không có tiền chữa bệnh mà bệnh tình thì đeo đẳng dai dẳng.
Anh Cường quyết định phải làm việc gì đó giúp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vơi bớt khó khăn. Cơm từ thiện Ba Cu được hình thành từ đó.
Ban đầu, chỉ có vợ chồng anh Cường nấu và phát cơm. Sau thời gian, nhiều bạn hữu, nhà hảo tâm nhận thấy tấm lòng và việc làm ý nghĩa, nhân văn của anh chị nên cũng xúm tay vào. Người góp công, người góp của hỗ trợ một phần cùng với anh Cường Ba Cu. Có những Việt kiều xa xôi nghe tiếng cũng đã gửi tiền về để anh Cường có thêm kinh phí hoạt động.
Việc làm tốt đẹp của anh Cường có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều anh em trước đây từng lầm lỡ, nhưng nay thấy việc làm của anh Cường nên cảm phục, đã tự nguyện đứng ra bảo vệ, giúp anh Cường đảm bảo những buổi phát cơm được trật tự, an toàn, đề phòng đối tượng lưu manh trà trộn giành giật đồ ăn, tiền, quà phát cho bệnh nhân, bảo vệ cho bệnh nhân và người nhà của họ không bị trộm cắp, móc túi.
Bệnh nhân Phan Tấn H (67 tuổi, quê tỉnh An Giang), bệnh nhân bị ung thư đã điều trị từ 2018 đến nay cảm động chia sẻ, gia cảnh ông thuộc hộ cận nghèo. Từ ngày biết đến cơm từ thiện của anh Cường Ba Cu, cứ một tuần 4 bữa ông được ăn cơm miễn phí, cũng giảm được một phần chi phí.
Ngoài suất ăn, sữa, ông H còn nhận được khi thì 20.000 đồng, khi thì 50.000 đồng. Ông H rất cảm kích và biết ơn anh Cường. Ông H cho biết, không riêng gì ông mà hàng nghìn lượt bệnh nhân và người nhà bệnh nhân biết ơn tấm lòng nhân hậu của anh Cường Ba Cu.
Quyết tâm duy trì dù đang mắc bệnh ung thư thanh quản
Khi phóng viên viết bài này, anh Cường mới mổ ung thư thanh quản được hơn một tháng và đang trong giai đoạn điều trị bệnh. Vì vậy, sức khỏe của anh Cường có phần giảm sút. Trước kia, một tay anh lo liệu công việc, từ đi chợ lựa thực phẩm, nấu nướng cho đến chuẩn bị đồ đưa tới phát cho bệnh nhân. Vợ chỉ phụ giúp anh vì chị còn phải chăm mẹ già đau ốm và đứa con út còn nhỏ. Thì nay, có hôm anh mệt quá, chị Giao hầu như phải thay anh để cáng đáng.
Anh Cường cho biết, thời gian điều trị bệnh, vì không ai lo đi chợ, nấu nướng nên anh đưa tiền cho chị Giao mua bánh mỳ, sữa phát cho bà con ăn tạm và vẫn duy trì phát 4 ngày/tuần.
“Bà con xếp hàng chờ mình đã gần 6 năm rồi, nếu nghỉ ngày nào, họ chờ đợi tội nghiệp lắm nên phải ráng được ngày nào thì ráng thôi”, anh Cường chia sẻ.
Hôm nay, anh Cường có vẻ mệt, giọng nói đã nhỏ đi và không nói được nhiều. Anh Cường bảo có hôm phát cơm xong, về nhà anh nôn cả ra máu vì vết mổ chưa lành. Chị Giao trước kia luôn đồng tình ủng hộ nhưng nay lo cho sức khỏe của chồng, bắt anh phải nghỉ. Tuy nhiên, anh Cường quyết tâm duy trì cơm từ thiện.
Anh nói: "Cứ nghĩ tới 15h hàng ngày bệnh nhân đã xếp hàng chờ cơm như một thói quen, nếu bây giờ tôi không làm nữa, bà con, bệnh nhân sẽ hụt hẫng và biết trông cậy vào ai".
“Sống trong >đời sống cần có một tấm lòng…”, cuộc đời này, cần lắm những tấm lòng như anh Cường Ba Cu.