Hỏi điều lo lắng nhất khi nhận nuôi Pang là gì, chị nói: 'Đâu có gì lo đâu. Bản thân mình luôn chắc chắn Pang ở đây tốt hơn. Vì em tật nguyền thế này mà mẹ thì bệnh thần kinh không chăm sóc cho em được'.

05:14 05/01/2018

Những ngày gần đây, câu chuyện về em bé người dân tộc bị liệt không thể đi lại ở Mường Lát (Thanh Hóa) được đôi vợ chồng hảo tâm ở tận TP HCM đến tận nơi cưu mang rồi đưa đi chữa trị đang nhận được sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng mạng.

 
Em bé ấy tên là Pang (6 tuổi, người dân tộc Mường). Pang có 3 chị gái, đang ở cùng ông bà tại bản Xa Lùng, xã Mường Lý, huyện Mường Lát. Bố bé mất cách đây 1 năm, mẹ thần kinh không ổn định.

Và đôi vợ chồng cưu mang Pang là chị Jerry Phương (tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Phương, SN 1987) và anh Huỳnh Quốc Tín (SN 1984), cùng ở TP HCM.

Theo chân đôi vợ chồng đưa bé Pang đi bệnh viện, mới thấy được sự chăm sóc tận tình và tình yêu thương chân thành mà hai người dành cho cháu bé. Câu chuyện về hành trình cưu mang bé cũng được chị Jerry Phương và anh Quốc Tín kể lại ngắt quãng trong những lúc ngồi chờ tới lượt khám cho bé.

 
 
Advertisement
 
 
 
 
 

Video: Bé Pang vui vẻ đập tay với mẹ, hôn má bố khi được đi khám bệnh

'Phải đi lẹ chứ không nhỡ bé có mệnh hệ gì thì làm sao'

'Bữa đó rất khuya rồi, mình thấy clip chia sẻ về bé trên Facebook, thấy bé trần truồng, ngồi trên cát rất tội nghiệp. Mình liền nhắn cho anh lái xe hỏi bé này đâu, anh ấy trả lời ở Mường Lát (Thanh Hóa). Rồi mình xin số điện thoại của anh để nói chuyện cho nhanh' - chị Phương bắt đầu câu chuyện về bé Pang.

Đến sáng sớm hôm sau, chị lấy được số và gọi điện ngay cho người tài xế, đặt vấn đề về việc nhờ anh đưa lên gặp bé. 'Khi đó trong đầu mình chỉ biết một điều duy nhất là thời gian bay từ TP HCM ra Hà Nội là 2 tiếng, còn nghe Mường Lát là xa quắt luôn' - chị nói, rồi cho biết khi đó chị bắt người tài xế phải hứa là sẽ dắt chị lên Mường Lát.

Sáng gọi cho tài xế thì tối đó vợ chồng chị Phương lên máy bay ra Hà Nội luôn. Khi hỏi tại sao lại quyết định một cách nhanh chóng như vậy, chị nói: 'Phải đi lẹ chứ không đi lẹ nhỡ bé có mệnh hệ gì thì làm sao. Nói chung là cũng không có thời gian suy nghĩ nữa, chứ nếu mà ngồi suy nghĩ có khi lại không đi nữa'.

Chị Jerry Phương đưa bé Pang đến bệnh viện khám tổng quát

Lúc đầu chị Phương nói với ông xã là lên thăm rồi trợ cấp cho bé, 'nhưng mà trong đầu khi ấy đã có suy nghĩ là mang về nuôi rồi mà mình không dám nói. Tại vì nếu mình nói thì làm sao anh chịu đi, vì mình đang có con cái và lại vừa mang bầu nữa, anh sợ đi đường xa xôi ảnh hưởng đến em bé trong bụng'.

'Mà chặng đường đi đó mới thật kinh khủng. Nếu tài xế mà người xấu thì họ làm hại mình cũng chịu không làm gì được, tại vì mình có biết gì đâu' - chị Phương kể: 'lúc bay ra mình vẫn nghĩ là từ Hà Nội đến Mường Lát cũng giống như từ TP HCM đi xuống Vũng Tàu, sẽ có xe khách, nhưng tài xế bảo không có xe khách, anh kêu một người bạn chở taxi lên đó. Hai trăm mấy cây liền, trời lạnh, đường thì thực sự khó đi, còn mình thì mang bầu 2 tháng'.

Rồi khi vợ chồng lên đến Mường Lát, chứng kiến hoàn cảnh của gia đình Pang, chứng kiến cô bé với đôi chân tật nguyền lê lết tự chơi một mình, họ gần như ngay lập tức đưa ra quyết định cưu mang bé, đưa về TP HCM chữa trị. Thật may mắn là cả gia đình và chính quyền trên đó rất hợp tác và chu đáo để đôi vợ chồng tiếp nhận em bé.

'Người mẹ rất tội nghiệp, bị tâm thần nhưng mà khi nói chuyện, trưởng bản đã dịch lại một câu nói của người mẹ rằng: 'Nếu như có hai anh chị này nhận Pang về chữa trị thì rất vui, tại vì lúc tôi lên cơn thì con ở trần ở truồng tôi không biết, khi mà tôi tỉnh lại, thấy con như vậy thì mới mặc đồ cho. Mà nhìn đôi chân của con như vậy tôi cũng không biết giúp gì'' - anh Quốc Tín kể lại.

Chị Jerry Phương và mẹ đẻ của bé Pang

Rồi 3 người - vợ chồng anh Tín, chị Phương và bé Pang - lên tàu đêm 30/12, vì Pang chưa có giấy khai sinh nên không thể đi máy bay. Đến 19h tối 31/12, họ vào đến TP HCM.

'Thay vì mua xe, tivi thì mình không sắm nữa, dành số tiền đó lo cho Pang'

Hỏi điều lo lắng nhất của chị khi nhận nuôi Pang là gì, chị nói: 'Đâu có gì lo đâu. Bản thân mình luôn chắc chắn một điều rằng Pang ở đây tốt hơn ngoài đó, vì ngoài đó không có người lo, một đứa trẻ tật nguyền, mẹ thì bệnh thần kinh thì làm sao sống bằng trong này được. Mà chắc chắn là mình rất thương Pang rồi thì suy nghĩ làm gì cho mệt'.

'Còn về khả năng của mình thì mình cũng lao động, cũng có tiền. Mình dùng số tiền đó trích ra, con cái mình bớt ăn đi một chút, bớt mua sắm lại, hoặc như những dịp Tết này nè, thay vì đi mua xe, sắm tivi thì mình không sắm nữa, dành số tiền đó lo cho Pang. Mình chỉ nhịn lại một phần của mình chứ có mất mát gì đâu' - chị Phương chia sẻ.

Theo người mẹ trẻ, dự định trước tiên của anh chị là chăm sóc và chữa trị cho Pang lành hẳn, nhất là đôi chân, rồi chị sẽ đưa Pang về lại Mường Lát gặp lại gia đình. 'Tại vì người mẹ của Pang tuy không khỏe mạnh hoàn toàn nhưng họ thương cũng con lắm. Lúc đưa con cho mình, cặp mắt của người mẹ đó đầy tình yêu dành cho Pang. Mình phải nghĩ về tình mẫu tử của người ta nữa, chứ đâu phải mình thích là mình đem con người ta đi luôn được' - chị tâm sự.

Và theo chị, đến khi đó, việc có tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng Pang hay không là do duyên số, 'quan trọng là Pang thích hay không và người mẹ đó có thích hay không thôi, còn mình là mình lo được rồi đó'. Chị nói, ở đây chị lo cho Pang ăn học cũng được, nhưng chị sợ việc tách bé khỏi gia đình, tách khỏi mẹ bé luôn thì có phải là chị tàn nhẫn với mẹ của bé quá hay không. 'Vậy nên trước tiên cứ chăm cho bé trở thành lành lặn đã, còn việc sau đó thì tùy theo duyên số'...

'Nhìn bàn tay con mình vui lắm, hôm nay Pang đã khác lắm rồi'

Ngồi trong phòng chờ đến lượt khám, anh Tín bế Pang, chị Phương thì ngồi cạnh mân mê bàn tay bé xíu của bé, chị nói: 'Hôm nay nhìn bàn tay của Pang, mình vui lắm. Nó đã khác lắm rồi'. Rồi chị mở bức ảnh chụp lại bàn tay bé khi ở trên tàu, mới chỉ cách ít ngày thôi nhưng bàn tay của Pang đã hồng hào, mềm mại hơn, móng tay được cắt tỉa gọn gàng, không còn dấu vết bẩn của đất cát.

Bàn tay của Pang lúc trên tàu

Và bàn tay sau mấy ngày được vợ chồng chị Phương chăm sóc

'Vợ chồng mình và cả bà ngoại nữa liên tục quan sát Pang, phải nhìn mọi hành động, phản xạ để coi bé làm sao, diễn biến >sức khỏe, tâm lý như thế nào. Với mình, khi quyết định làm gì đó phải dành tâm sức vào đó nó mới mau lành' - chị nói.

Cả hai vợ chồng kể, hồi đầu mới gặp Pang rất ít khi cười, ai nói gì cũng ngơ ngác không hiểu, thậm chí hay khóc, nhưng giờ Pang cười đùa suốt ngày và hòa nhập rất nhanh với các thành viên trong gia đình.

Hình ảnh vui tươi của em bé tật nguyền

Bé Pang hòa nhập nhanh với những thành viên trong gia đình chị Phương

Không chỉ đưa Pang đi khám, chữa trị ở nhiều bệnh viện, ở nhà hai vợ chồng cùng bà ngoại thường xuyên dạy Pang giao tiếp, nói 'dạ, bye bye, bà bà, ba'… tập ăn cơm, tập vẫy tay chào...

'Nói chung là phải tập từ từ, nhưng mình tin thời gian ngắn nữa Pang sẽ hồi phục và trở nên lành lặn, vì mình thấy bé tiếp thu như một đứa trẻ bình thường' - người mẹ chia sẻ.

Anh Quốc Tín và bé Pang

Ngồi với vợ chồng chị mới hiểu để làm được những điều như thế, đôi khi chính vì họ không có những suy nghĩ quá sâu xa, rằng sẽ vất vả ra sao, đối mặt với dư luận thế nào, làm vì đơn giản là xuất phát từ một tình yêu thương không toan tính.

'Ăn uống, vệ sinh cá nhân, bệnh sốt… mình biết chứ, vì mình cũng đã sinh 2 bé, với một đứa nhỏ bình thường chăm đã rất mệt, thì với Pang cực hơn thế rất nhiều lần. Mà đó lại không phải là con của mình, thì nghĩ làm gì, càng nghĩ nhiều có thể mình sẽ không dám làm. Nhưng với mình và gia đình thì Pang cần tình yêu thương hơn cả con mình nữa. Cũng vì nghĩ như vậy mà mình làm thôi'.

Theo Tâm Nguyễn/Tiin/Đất Việt