Thắm sinh ra đã không có tay, em kiên trì từng nét chữ nguệch ngoạc trên đôi bàn chân mình và trở thành cô giáo dạy tiếng Anh miễn phí.
Sinh ra không được may mắn như chúng bạn cùng trang lứa, cô bé Lê Thị Thắm, thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa không có tay. Những tưởng ước mơ, hy vọng sẽ khép lại với Thắm, nhưng không, bằng ý chí khiên cường, Thắm đã vượt lên nghịch cảnh, giờ đây, Thắm đã trở thành cô giáo, dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo ở quê nhà.
Gặp cô giáo Lê Thị Thắm (SN 1998) khi cô vừa kết thúc buổi dạy tiếng Anh. Trước mắt tôi, cô Thắm có đôi mắt sáng, gương mặt dễ thương, nụ cười hiền hậu. Tôi gọi Thắm là một cô giáo "tý hon" khi cô chỉ cao 1.4m, nặng 30kg, cô lọt thỏm trước đám học trò tinh nghịch.
Nhớ đến những ngày đầu sinh Thắm, chị Nguyễn Thị Tình, mẹ của Thắm cho biết, từ khi sinh ra, Thắm đã không có hai tay. Nhìn thấy con như vậy, chị đã ngất lịm vì đau đớn và thương con.
Mỗi lần ôm con, chị lại khóc thầm vì lo cho tương lai của con sau này. Không có đôi tay, đến năm 4 tuổi Thắm mới có thể đứng được, nhưng lớn lên Thắm lại có thể dùng đôi chân khéo léo của mình để giúp mẹ việc nhà.
Dù sinh ra không mang một hình hài đầy đủ, song Thắm luôn biết ơn mẹ đã chăm sóc, nuôi dưỡng mình. Hơn 20 năm trôi qua, cho đến giờ Thắm vẫn còn vẹn nguyên những kỷ niệm ngày lên 4 tuổi, được mẹ đưa đến trường mầm non. Lúc đưa con đến trường, trong tâm trí người mẹ cũng chỉ mong con được trông giữ sạch sẽ, chứ không mang con đến trường tìm con chữ.
Khi các bạn trong lớp tập viết, Thắm được cô cho một tờ giấy và cây bút chì để chơi. Thấy các bạn viết, vì không có tay nên Thắm phải kẹp bút vào giữa hai ngón chân trái tập viết. Và như một "định mệnh" đôi bàn chân của Thắm bắt đầu uyển chuyển theo những nét chữ thẳng, cong. Từ nét đơn, nét ghép rồi đến những con, dòng chữ dần được hình thành.
Là một đứa trẻ khuyết tật song Thắm không "mặc định" cho số phậm mà em luôn khao khát được học, được biết chữ. Vì thế ngày đêm em cố gắng luyện chữ, viết nhiều nên chân tước da, tứa cả máu, mẹ băng lại rồi tôi tiếp tục tập viết. 5 tuổi, Thắm đã đọc thông, viết thạo. 6 tuổi, Thắm vào lớp 1.
Thấy con mình quyết tâm, mẹ và cô giáo hết sức ngạc nhiên, đồng tình ủng hộ. Có những hôm hai mẹ con luyện chữ đến đêm khuya, lúc đi ngủ chị Tình lại ôm lấy con khóc thầm; khóc vì thương con, khóc vì những nỗ lực của con.
Đúng là "Có công mài sắt, có ngày nên kim", sự kiên trì, không chùn bước của Thắm đã được đền đáp bằng việc dành giải xuất sắc thi viết chữ đẹp của tỉnh và giải Nhì thi vẽ tranh.
"Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay", những tưởng mọi ước mơ, hy vọng sẽ khép lại với Thắm, nhưng số phận đã không quật ngã được ý chí, sự kiên trì của em. Đến lớp học, Thắm nhận được sự ân cần của các thầy, cô giáo và từ đó nhen nhóm trong em giấc mơ được đứng trên bục giảng.
Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Lê Thị Thắm là thí sinh đặc cách được xét tuyển vào Trường Đại học Hồng Đức, khoa Sư phạm tiếng Anh. Sau 4 năm, Thắm ra trường với tấm bằng loại khá. Dù được một số trung tâm mời về làm việc nhưng em từ chối vì lý do >sức khỏe. Thắm về quê mở lớp dạy học. Hiện, Thắm đang dạy cho gần 40 học sinh từ lớp 2 đến lớp 5.
Thắm cho biết: "Dạy học là nghề tôi đam mê nên không ngừng mơ ước, tôi đã phấn đấu để vào ngành sư phạm. Bắt đầu từ mùa hè năm thứ 3 Đại học, một số cô, bác ở trong thôn có nhờ tôi dạy kèm cho con em của họ. Tôi như được tiếp thêm năng lượng. Từ đấy trong có ý định mở một lớp học tiếng Anh nho nhỏ".
Do tập viết bằng chân trái nên chân này của Thắm dài hơn chân kia 10cm, Thắm đi tập tễnh. Song chính đôi bàn chân ấy lại "truyền lửa" cho học sinh nghèo niềm đam mê học. Lớp học chỉ vỏn vẹn 20m2 có một máy chiếu và gần 10 bộ bàn ghế.
Gần 4 năm nay, căn phòng này đã trở nên quen thuộc với nhiều học sinh ở các xã Đông Thịnh, Đông Yên (Đông Sơn), phường Đông Tân (TP Thanh Hóa) và "chị Thắm" đã trở thành người "lái đò" thầm lặng của nhiều học sinh nghèo.
Lớp học với nhiều thành phần, trong đó có những học sinh hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Thắm dạy miễn phí. Theo chị Phùng Thị Huệ, phụ huynh học sinh Lê Văn Nhật ở thôn Ngọc Lậu, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn thì cô Thắm rất cần mẫn, nhiệt huyết với nghề.
"Cô có rất nhiều cách tạo hứng thú cho học sinh học tiếng Anh vì thế các con rất thích học môn học này. Vừa rồi, cháu Nhật cũng có tên trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn tiếng Anh của nhà trường".
Thắm nói, em luôn ước ao, một ngày sẽ được đứng trên bục giảng, là giáo viên của một trường Mầm non hay Tiểu học. Em muốn truyền đạt kiến thức cũng như niềm đam mê học đến các em học sinh, đặc biệt là những học sinh nghèo, những đứa trẻ không được may mắn như em.
Nghe Thắm tâm sự, nhìn em cúi gập người, cặm cụi soạn giáo án, chấm bài cho học sinh một cách thuần thục, tôi mới biết giấc mơ kia với em đong đầy thật nhiều ý nghĩa.