Gần dịp Valentine - Ngày lễ tình nhân (14/2), nhiều bạn trẻ rủ nhau đến chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) như một thói quen được duy trì trong nhiều năm qua.
Linh thiêng cổ tự chốn kinh kỳ
Chùa Hà hay còn gọi là Thánh Đức tự, cùng với đình Bối Hà lập thành cụm di tích đình làng Vòng xưa, nay thuộc 86 phố Chùa Hà (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội).
Theo tích xưa, vào thời Lý vùng Dịch Vọng đã có nhiều danh thắng nổi tiếng. Vua Lý Thánh Tông lúc 42 tuổi vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra thái tử Càn Đức, do đó ngôi chùa này được gọi là chùa Thánh Chúa để kỷ niệm sự kiện này. Trên đường đi, nhà vua còn ghé vào một ngôi chùa khác và ban tiền bạc cho chùa để trùng tu lại, vì vậy chùa Hà còn có tên là Thánh Đức tự.
Còn một truyền thuyết nữa cũng được người dân truyền lại rằng, chùa Hà được xây dựng để vua Lê Thánh Tông bày tỏ lòng nhớ ơn đến các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã cưu mang mình và phế bỏ Lê Nghi Dân để đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460.
Trải qua thăng trầm với bao phen binh lửa, chùa Hà đã bị phá hủy nhiều lần. Đến năm 1680, chùa vẫn còn lớp lá gồi, tường xây bằng gạch vồ nên người dân gọi là chùa Vồi. Đến đời vua Lê Hy Tông (1675 -1705), có hai người quê làng Thổ Hà, tỉnh Bắc Giang sang ở chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong và ngoài thành Thăng Long. Nhờ buôn bán phát đạt, hai gia đình này đã tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa với quy mô lớn vào năm Chính Hòa (1680).
Chùa Hà hiện nay còn bảo tồn được khối kiến trúc vật chất với đầy đủ các hạng mục công trình được bố cục hài hòa trong một không gian rộng lớn, bao gồm tam quan, hồ sen, tòa tam bảo kết cấu chữ Đinh, nhà thờ Tổ, thờ Mẫu phía sau thượng điện, nhà bia và bộ sưu tập di vật có giá trị lịch sử nghệ thuật thời Lê – Nguyễn. Trong đó, đáng lưu ý nhất là bộ trượng tròn, 18 tấm bia đá, quả chuông đồng niên hiệu Cảnh Thịnh 7 (1799) ca ngợi cảnh đẹp và sự linh thiêng của chùa.
"Khi đi lẻ bóng, khi về có đôi"
Đã từ lâu, chùa Hà là địa chỉ >tâm linh nổi tiếng được nhiều người truyền tai nhau tìm đến để cầu duyên dù nơi đây không gắn với một tích nào về tình duyên đôi lứa trước đó. Đặc biệt, vào gần đến ngày Lễ tình nhân (14/2), nam thanh nữ tú lại dập dìu sắm lễ vật đến chùa Hà cầu >sức khỏe, an lành, may mắn và mong ước tìm mối lương duyên tốt đẹp trong đời.
Đã có rất nhiều câu chuyện tình duyên được toại nguyện khi thành tâm khấn vái tại chùa Hà được các cặp đôi kể lại trong niềm hạnh phúc trọn vẹn. Rồi người nọ mách người kia cùng với những ví dụ minh chứng cụ thể về việc linh ứng khi cầu duyên tại chùa Hà đã lan truyền trên các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội.
Bạn Nguyễn Thị Bích Ngọc (SN 2000, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) chia sẻ, dù nhà ở ngoại thành Hà Nội nhưng nghe danh chùa Hà là nơi cầu duyên nổi tiếng nên đã đến đây từ sớm để chuẩn bị lễ vật với mong muốn cầu sức khỏe, công danh và đường tình duyên thuận lợi, sớm gặp được người trong mộng.
Khi đến chùa Hà cầu may mắn, lương duyên, điều quan trọng là phải chuẩn bị mâm lễ vật đầy đủ. Thông thường, mọi người thường phải chuẩn bị ba phần lễ vật quan trọng, được đặt ở ba ban bao gồm: lễ đặt ban Tam Bảo (hoa quả, bánh kẹo chay, hoa tươi, nến, nhang và giấy sớ); lễ đặt ban Đức Ông (có thể đặt các món mặn, kèm theo rượu, trà, thuốc và sớ giấy dâng lên Đức Ông riêng) và lễ đặt ban thờ Mẫu (gồm tiền vàng, bánh kẹo, sớ, trầu cau, tiền công đức và thêm năm bông hồng đỏ tươi).
Theo các chuyên gia văn hoá, trong nhịp sống hiện đại, khi nhiều bạn trẻ chưa tìm được mối lương duyên tốt đẹp, còn nhiều trăn trở trong việc tìm cách giải quyết khó khăn hoặc thậm chí rơi vào bế tắc, họ thường đến chùa cầu may mắn, duyên phận như cách để tìm thấy sự an yên, tĩnh lặng, thanh thản cho tâm hồn.
Bên cạnh đó, trong lời khấn cầu với thần phật, người trẻ lại có cơ hội để bày tỏ, giãi bày những ước mong, hy vọng trong chuyện tình cảm, công việc, cuộc sống để vơi bớt đi nỗi buồn, cô đơn và sẵn sàng mở rộng tấm lòng để đón nhận những điều mới mẻ trong cuộc sống.