Nếu như được người lớn để tâm, có lẽ bé Coca đã không chết đuối thương tâm đến vậy. Điều đáng nói tai nạn xảy ra ngay trong nhà tắm nhà mình, khi bé ngã vào một xô nước với mực nước chỉ chừng 20cm.

11:14 01/08/2018

Mất con có lẽ là nỗi đau lớn nhất trên cuộc đời này. Vậy mà chị Khắc Hà Trang (23 tuổi, hiện đang sống ở Gia Lai) đang phải quằn quại tưởng như khó lòng vực dậy trong nỗi đau ấy. Bởi con gái của chị, bé Coca, mới 21 tháng tuổi nhưng đã qua đời đột ngột trong một vụ >chết đuối thương tâm: ngã vào xô nước dẫn đến ngạt thở. Dù khi phát hiện ra, bé đã được sơ cứu, đưa đến bệnh viện ngay lập tức, nhưng sau 3 ngày cấp cứu, các nỗ lực của đội ngũ y tá, bác sỹ và lời cầu nguyện của gia đình cũng trở nên vô vọng.

Bé Coca khi còn sống, là một em bé rất ngoan, hay cười.

Chị Hà Trang nén chặt nỗi đau, kể lại giây phút kinh hoàng trong cuộc đời mình:"Hôm đó, mình cho con đi học như bình thường. Học về, khoảng 18h chiều, mình có nhờ bà nội trông bé. Đến 18h55 phút, bà nội có đi rửa chén bát trên nhà. Đến 19h mình về, gọi con thì hoảng hốt phát hiện ra con đang ở trong xô nước. Khi đó, con đã ngừng thở rồi. Mình hô toáng lên, mọi người mới chạy đến, vội vàng sơ cứu cho con".

Cũng theo chia sẻ của chị Trang, ông nội là người trực tiếp sơ cứu cho bé, áp dụng theo phương pháp cấp cứu đuối nước thông thường, nhằm giúp bé nhả hết nước ra. Thế nhưng, sơ cứu một lúc sau, bé Coca vẫn không tỉnh lại. Trong lúc vừa sơ cứu, cả gia đình chị Trang vừa chuẩn bị xe, vội vàng đưa con đến bệnh viện cấp cứu. Bệnh viện chỉ cách nhà khoảng 5 phút chạy xe.

Cánh cổng bệnh viện tưởng như mở ra hy vọng nhưng cũng là nơi khép lại cuộc đời của Coca.

Trong 3 ngày ở bệnh viện, bé Coca được các bác sỹ theo dõi, truyền nước và hút dịch. Thế nhưng cuối cùng, tim của bé đã ngừng đập. "Được cấp cứu nhưng con vẫn không hề tỉnh lại, đến cuối cùng tim con ngừng đập hẳn. Bác sỹ kết luận con mất vì ngạt nước quá lâu. Nghe tin ấy chẳng khác gì sét đánh ngang tai. Mình thật sự chỉ muốn chết theo con", mẹ bé đau đớn chia sẻ.

Người mẹ trẻ đến nay vẫn không ngừng dằn vặt mình, cảm thấy nhớ con gái vô cùng. Chị cũng nhắc lại những kỷ niệm về một bé Coca rất ngoan ngoãn, hay cười:"Con ngoan lắm, từ khi sinh ra đến bây giờ, con chưa bao giờ khóc quấy quá 30 phút. Mẹ đau thì con xoa bụng. Mẹ khóc con cũng xoa bụng. Mẹ thường hỏi Coca có thương mẹ không, thì Coca nói: "Thương nhiều, thương thiệc, thương chắc chắn". Mẹ mua cái gì Coca cũng háo hức, thích chí, cũng khen đẹp. Mỗi lần mẹ đi làm về, con lại chạy ra ôm, ra thơm mẹ... Từng chút một ký ức như mới hôm qua thôi mà nay sao đớn đau thế này!". Bi kịch xót xa không biết đến bao giờ mới có thể nguôi ngoai được.

 Bức ảnh hiếm hoi chụp tại bệnh viện khi Coca vẫn còn nắm được tay mẹ.

Chị Trang cũng mô tả lại tình huống, rằng xô nước đã tước đi sinh mạng của con gái chị vốn được đặt trong nhà tắm để đựng nước sinh hoạt. Xô chỉ cao khoảng 60cm, mực nước trong xô khi đó chỉ cao khoảng 20cm. Bình thường, bé Coca sẽ không lại gần khu vực nhà tắm nếu không có người lớn đi cùng. Nhưng hôm đó, chắc hẳn bé đã tự mình đi vào, cúi xuống xô nước để rửa tay hay rửa mặt (bắt chước người lớn) và bị ngã lộn nhào vào trong xô. Bé mới 21 tháng tuổi, không biết cách tự đứng dậy nên cuối cùng đã bị ngạt nước.

Vĩnh viễn cô bé đã không còn có thể tỉnh lại được nữa.

Kể lại câu chuyện thương tâm của mình, chị Trang muốn góp thêm một hồi chuông cảnh báo đến các gia đình khác. Bởi rất nhiều gia đình vẫn thường để trẻ chơi một mình, tranh thủ làm những công việc của mình mà không biết rằng tai nạn hiểm nguy rình rập ở khắp mọi nơi. Chỉ cần một phút lơ là, sơ sểnh, bé có thể bị ngã vào nước, chạm vào ổ điện, thò tay vào quạt, uống nhầm thuốc/hóa chất, nuốt/hít phải giấy ăn, các dị vật, chất độc hại... Mà bất cứ tai nạn nào cũng để lại những hậu quả nặng nề với trẻ. Vì vậy, các gia đình cần phải để ý đến con thật cẩn thận, đừng chủ quan bất cứ một giây phút nào cả.

 

Để phòng tránh tai nạn, bố mẹ hay người trông trẻ cần lưu ý:

- Không nên để trẻ đến gần nững nơi nguy hiểm như nhà tắm, bếp than, lò sưởi và các thiết bị điện. Cha mẹ nên nhớ rằng trẻ có thể chết đuối ngay trong nhà mình vì một xô nước cao chưa đầy 15cm.

- Trẻ nhỏ thường hiếu động, thích leo trèo vì thế cầu thang phải có lan can, cửa sổ, ban công phải có rào chắn bảo vệ.

- Không cho trẻ tiếp xúc với các vật sắc nhọn như dao, kéo, mảnh kính vỡ… hoặc các vật nhỏ dễ gây hóc như: cúc áo, đồng xu, viên bi, đỗ, lạc..

- Các loại thuốc tẩy rửa, hóa chất, xăng dầu không nên đựng vào các chai uống nước mà phải để nơi xa tầm với, có nhãn mác rõ ràng.

- Trẻ nhỏ khi ra đường phải có sự trợ giúp của người lớn, không để trẻ một mình ở bể bơi, ao, hồ, sông, suối… Khi thấy trẻ gặp nạn dưới nước, việc cần làm của người lớn đó là ôm lấy để đầu trẻ nhô lên mặt nước, đưa bé nhanh chóng vào bờ tiến hành hà hơi để thổi ngạt. Đồng thời khai thông miệng trẻ, có thể để bé nằm sấp, vòng tay qua bụng, nâng lên đặt xuống mạnh cho nước ộc ra. Nếu là trẻ nhỏ thì người lớn cầm 2 chân dốc ngược trẻ lên. Làm liên tục cho đến khi nào bé có dấu hiệu thở lại thì lau khô người bé, quấn khăn ấm và đưa bé tới bệnh viện.

- Cần giáo dục cho trẻ lớn nhận thức và nhận biết các loại biển báo nguy hiểm (cấm lửa, cấm trèo…) và các biện pháp tự bảo vệ cho trẻ lớn như tập bơi, học kỹ năng thoát hiểm …

Theo Anh Tuấn/Helino