Về pháp lý, dù còn nhiều điều đáng bàn nhưng nguyện vọng của người mẹ muốn có đứa cháu là chính đáng nên về đạo lý, các cơ quan chức năng cần linh động giải quyết…
Hôm qua, 20/12, báo Pháp luật TP.HCM đưa tin bà Vòng Ngọc Huyền (Phú Nhuận, TP.HCM) muốn nhận lại >tinh trùng của con trai (tên T., đã mất) để cho con dâu (tên D.) >thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, Bệnh viện (BV) Từ Dũ, TP.HCM (nơi nhận giữ tinh trùng của anh T. khi anh còn sống) chưa chấp thuận vì cho rằng pháp luật hiện hành chưa có quy định.
Dưới đây là ý kiến của các luật sư, chuyên gia pháp luật về vấn đề pháp luật chưa dự liệu này.
PGS-TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM:
Nên cho bà Huyền được toại nguyện
Hiện nay chưa có bất kỳ điều luật nào quy định tinh trùng là một loại tài sản. Nhưng nếu cho tinh trùng là tài sản để từ đó chia thừa kế thì cũng không tốt vì nó phát sinh nhiều hệ lụy, ví như nếu có tranh chấp về thừa kế thì sẽ chia cho ai, chia bao nhiêu, chia như thế nào…
Khoản 2 Điều 21 Nghị định 10/2015 chỉ cho phép đối tượng là người vợ hoặc chồng được quyền đề nghị lưu giữ tinh trùng. Xét trong trường hợp của bà Huyền (mẹ của người gửi tinh trùng đã chết) không thuộc đối tượng trên.
Tuy nhiên, người đã chết là con trai duy nhất của bà Huyền, bà mong muốn có một đứa cháu để duy trì nòi giống. Và người chung sống với con trai bà (chưa kịp đăng ký kết hôn) cũng thực lòng mong muốn được mang thai từ tinh trùng của con trai bà Huyền.
Theo tôi, trường hợp này nên chấp nhận cho dùng tinh trùng của anh T. để thụ thai. Tuy nhiên, không nên thông qua “kênh” xem tinh trùng là tài sản để chia thừa kế như đã nói. Cách tối ưu và lâu dài là kiến nghị sửa nghị định đã nêu theo hướng mở rộng đối tượng được quyền sử dụng tinh trùng của người đã chết. Chẳng hạn như cho cả người sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn với người đã chết khi họ muốn, gia đình người đã chết cũng đồng ý và có lý do chính đáng như trường hợp của con trai bà Huyền (là con trai duy nhất).
PGS-TS Lê Minh Hùng, Trưởng bộ môn Luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM:
Tinh trùng liên quan đến quyền nhân thân
Việc BV Từ Dũ yêu cầu bà Huyền, chị D. đi xác định quan hệ nhân thân với anh T. (con trai bà Huyền) và yêu cầu tới phòng công chứng để làm thủ tục là cần thiết và thể hiện BV đã rất cẩn thận trong thủ tục liên quan đến cho-nhận tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm. Bởi theo quy định hiện hành, Bộ Y tế nghiêm cấm các hành vi kinh doanh tinh trùng, noãn, phôi dưới mọi hình thức.
Hơn nữa, thủ tục để người cho tinh trùng, người nhận tinh trùng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện rất nghiêm ngặt. Ngoài các tiêu chuẩn về điều kiện >sức khỏe thì tại Điều 5 Nghị định 10/2015 quy định đối tượng nhận tinh trùng phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh (mà nguyên nhân vô sinh là do người chồng) hoặc phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con và noãn của họ bảo đảm chất lượng để thụ thai… Vì vậy, không phải đối tượng nào cũng có thể yêu cầu BV cho-nhận tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm, cơ sở lưu trữ tinh trùng không thể cho một cách tùy tiện được.
Vấn đề mẹ anh T. có được thừa kế số tinh trùng đang lưu giữ ở BV hay không, BV cũng không xác định được vì đó không thuộc chuyên môn của họ. Ở đây, BV có cái khó của họ chứ họ không có ý làm khó bà Huyền và chị D.
Về việc tinh trùng có phải là di sản thừa kế hay không, tôi cho rằng đây là một vấn đề mới, luật cũng chưa quy định rõ. Hơn nữa, tinh trùng là một phần của một bộ phận cơ thể người, do đó đây được coi là đối tượng của quyền nhân thân của cá nhân, gắn liền với con người. Không thể coi đây là tài sản để phân chia di sản thừa kế, cũng không thể là đối tượng của giao dịch dân sự thông thường, trừ trường hợp hiến tặng vì mục đích nhân đạo, nghiên cứu khoa học.
Luật sư Lê Xuân Thụ, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Ý chí của người gửi tinh trùng là để có con
Hiện nay chưa có bất kỳ quy định nào xác định tinh trùng có phải là tài sản hay không để vận dụng pháp luật về thừa kế giải quyết. Việc phân định tinh trùng là tài sản, là tạng hay là quyền nhân thân là rất khó. Nó là dạng vật chất đặc biệt, giao thoa giữa các hình thức trên.
Tuy nhiên, xét dưới góc độ pháp lý về giao dịch giữa anh T. (con bà Huyền) và BV thì việc anh T. gửi giữ tinh trùng tại BV Từ Dũ đã phát sinh giao dịch gửi giữ “vật chất” này. Hiện gia đình anh T., cụ thể là người mẹ, nếu cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý có liên quan đến việc gửi giữ, đồng thời yêu cầu BV trao trả lại “vật chất” trên thì cũng là điều hợp lý.
Ngoài ra, việc anh T. gửi các mẫu tinh trùng tại BV Từ Dũ khi anh T. biết mình bị bệnh nặng là với mục đích để sau này có thể sử dụng thụ tinh trong ống nghiệm. Điều này thể hiện ý chí, mong muốn và định đoạt của người đã chết là sẽ sử dụng tinh trùng với mục đích sinh con. Khi anh T. mất, gia đình anh mong muốn dùng các mẫu tinh trùng đang lưu giữ tại BV vào mục đích thụ tinh trong ống nghiệm (với cô gái mà anh T. chưa đăng ký kết hôn nhưng có tổ chức đám cưới, có xác nhận của chính quyền địa phương) là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của anh T.
Xét cả về khía cạnh pháp lý và đạo lý thì BV nên xem xét ý nguyện chính đáng của gia đình (giống với ý nguyện của anh T.) để trao trả lại tinh trùng đã nhận giữ cho gia đình anh.
ThS Huỳnh Quang Thuận, ĐH Luật TP.HCM:
Các bên đều mong muốn…
Việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không chỉ áp dụng đối với cặp vợ chồng vô sinh mà còn có thể áp dụng đối với phụ nữ đơn thân muốn sinh con (Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và Điều 3 Nghị định 10/2015).
Trong trường hợp này, người sống chung với anh T. (con trai bà Huyền) chưa đăng ký kết hôn với anh và đang còn độc thân nên vẫn có thể áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để có con bằng tinh trùng của anh T. khi đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe. Mặc dù theo khoản 4 Điều 3 Nghị định số 10/2015 thì việc cho-nhận tinh trùng phải được đảm bảo nguyên tắc vô danh nhưng với tình huống này, các bên đều mong muốn được thực hiện công việc đó nên việc giữ bí mật có lẽ là không cần thiết.
Chỉ thực hiện khi có ý kiến của Bộ Y tế
Nhu cầu gửi giữ tinh trùng, trứng, phôi hiện rất lớn. Không chỉ các cặp vợ chồng hiếm muộn mà những người bệnh, bị tai nạn giao thông, đang sống thực vật hoặc thậm chí đột tử… được thân nhân yêu cầu gửi trữ tại BV với mong muốn duy trì nòi giống. Hiện BV Hùng Vương đang lưu trữ hàng chục ngàn trứng, phôi thai, tinh trùng, những mẫu này có thể được lưu trữ đến vài năm, thậm chí vài chục năm.
Tại BV Hùng Vương, khi nhận đơn từ người thân của người bệnh muốn lưu trữ tinh trùng thì BV sẽ lấy tinh trùng. Còn việc thụ tinh trong ống nghiệm khi một trong hai người qua đời thì chưa làm được vì vẫn chưa có quy định cụ thể. Để giải quyết việc này, BV Hùng Vương sẽ tư vấn và hướng dẫn người thân của họ làm thủ tục để xin phép Bộ Y tế. BV chỉ thực hiện lấy tinh trùng người đã mất để thụ tinh ống nghiệm khi có sự đồng ý của Bộ Y tế.