Vệ tinh của NASA mới đây ghi nhận sóng Kelvin di chuyển về phía đông qua Thái Bình Dương. Đây là hiện tượng thường được coi là dấu hiệu của El Nino, “thủ phạm” khiến nắng nóng xảy ra nhiều và gay gắt hơn.
Theo đó, NASA đã xác định được các dấu hiệu ban đầu của El Nino từ không gian, sau khi một trong những vệ tinh của cơ quan này phát hiện ra vùng nước ấm ở Thái Bình Dương di chuyển về phía đông tới ven biển phía tây của Nam Mỹ trong tháng 3 và tháng 4.
Cụ thể, dữ liệu từ Sentinel-6 Michael Freilich, >vệ tinh của NASA chuyên theo dõi về mực nước biển, cho thấy rằng sóng Kelvin đã di chuyển ngang qua Thái Bình Dương. Trên thực tế, loại sóng dài này chỉ cao từ 5 – 10 cm nhưng lại rộng hàng trăm km. Chúng được coi như là dấu hiệu tiền thân của El Nino khi hình thành tại xích đạo và di chuyển tầng nước ấm bên trên về phía tây Thái Bình Dương.
Ông Josh Willis, nhà khoa học trong dự án Sentinel-6 Michael Freilich tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA, cho biết: "Chúng tôi đang theo dõi El Nino này như một con chim cắt. Nếu đó là một đợt El Nino lớn thì toàn cầu sẽ trải qua tình trạng ấm lên kỷ lục".
Trước đó, trong thông báo của JPL ngày 12/5, hình ảnh được vệ tinh Sentinel-6 chụp từ đầu tháng 3 tới cuối tháng 4 cho thấy rằng, sóng Kelvin đã đẩy nước ấm về phía đông và tập trung ở ngoài khơi Colombia, Ecuador và Peru. Theo đó, phần màu đỏ và trắng ở trong ảnh biểu thị cho thấy nước ấm và mực nước biển cao hơn. Hiện tại, Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) và NASA sẽ tiếp tục theo dõi điều kiện tại Thái Bình Dương trong vài tháng tới nhằm xác định xem El Nino có xảy ra hay không, và nếu xảy ra thì khi nào, độ mạnh của nó ra sao.
Theo báo cáo mới của Liên Hợp Quốc (UN), nhiệt độ toàn cầu nhiều khả năng sẽ vượt ngưỡng 1,5 độ C tại Hiệp định Paris trong 5 năm tới. Hơn nữa, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của UN, cho biết thêm, có tới 66% khả năng nhiệt độ trên bề mặt toàn cầu hàng năm sẽ tăng cao hơn ngưỡng 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Đây cũng sẽ là lần đầu lịch sử nhân loại ghi nhận mức nhiệt độ tăng cao như vậy.
Giới khoa học cảnh báo rằng, việc nhiệt độ toàn cầu vượt ngưỡng 1,5 độ C sẽ làm tăng nguy cơ đối với các điểm tới hạn, đồng thời có thể kích hoạt biển đổi khí hậu không thể hồi phục được. Cụ thể, nhiệt độ tăng cao khiến thềm băng Greenland và Tây Nam Cực sụp đổ, gây ra tình trạng nắng nóng cực hạn, thiếu nước, hạn hán nghiêm trọng và đặc biệt là hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ở nhiều vùng rộng lớn trên thế giới.
Theo báo cáo mới nhất của WMO trong khoảng thời gian từ năm 2023 đến năm 2027, có tới 98% khả năng một năm trong khoảng thời gian 5 năm trên sẽ lập kỷ lục nóng nhất, thậm chí còn vượt mức tăng nhiệt độ 1,28 độ C của năm 2016. Đặc biệt, theo báo cáo này, khả năng nhiệt độ toàn cầu tăng vượt 1,5 độ C lên tới 66% vào năm 2023.
Ông Petteri Taalas, Tổng thư ký của WMO cho biết, theo dự kiến, đợt El Nino phát triển trong các tháng tới của năm 2023 sẽ kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra, khiến nhiệt độ toàn cầu đạt tới mốc cao chưa từng thấy. Điều này sẽ gây ra không ít hậu quả đối với vấn đề >sức khỏe, an ninh lương thực, môi trường và quản lý nước.
Theo các nhà khoa học, điều đáng quan ngại là tình trạng Trái Đất ấm lên không đồng đều. Chẳng hạn, Bắc Cực sẽ phải trải qua mức tăng nhiệt độ biến động gấp 3 lần so với những nơi khác ở trên thế giới. Điều này thúc đẩy tình trạng băng tan, tác động nghiêm trọng tới hệ thống khí hậu bao gồm dòng tia và hải lưu Bắc Đại Tây Dương.
Ngược lại, lượng mưa sẽ bị giảm đi ở khu vực Trung Mỹ , Astralia, Indonesia và Amazon.
Theo các nhà khoa học, El Nino được coi là một phần trong chu kỳ khí hậu El Nino – Dao động phương Nam (ENSO). Thực tế gió mậu dịch sẽ thổi nước ở mặt biển về phía tây qua Thái Bình Dương, sau đó di chuyển nước ấm từ Nam Mỹ tới châu Á. Nhưng khi nước ấm di chuyển, nước lạnh sẽ dâng lên để thế chỗ.
Hiện tượng El Nino có liên quan tới gió mậu dịch yếu khiến dòng nước ấm bị đẩy về phía đông. Điều này gây ra tác động không nhỏ tới các mô hình thời tiết trên toàn thế giới. Đơn cử như với Mỹ, hệ quả của El Nino sẽ khiến thời tiết ẩm ướt hơn tại miền Nam và nóng hơn ở khu vực tây bắc.
Trong khi đó hiện tượng La Nina lại gây ảnh hưởng trái ngược với tình trạng gió mậu dịch mạnh đẩy nhiều nước ấm hơn về phía tây.
Trên thực tế, các chuyên gia cho biết, El Nino thường xuất hiện từ 3 – 5 năm/lần, nhưng hiện tượng này có thể xảy ra với tần suất ít hoặc nhiều hơn. Đợt El Nino gần đây nhất xảy ra vào năm 2019 và kéo dài trong 6 tháng, từ tháng 2 đến tháng 8.
Trước đó, vào ngày 11/5, đại diện của NOAA cho biết, có 90% El Nino sẽ xảy ra trong năm 2023 và dự kiến kéo dài tới mùa đông ở Bắc bán cầu. Theo dự đoán của cơ quan này, có tới 80% khả năng xảy ra hiện tượng El Nino ở mức vừa, với nhiệt độ bề mặt đại dương sẽ tăng 1 độ C. Ngoài ra, cũng có 55% khả năng xảy ra El Nino mạnh với mức nhiệt độ bề mặt đại dương tăng 1,5 độ C.
Vào tháng 4/2023, các nhà khoa học đã ghi nhận tình trạng nhiệt độ bề mặt đại dương tăng cao nhất trong lịch sử, với mức nhiệt trung bình toàn cầu đạt 21,1 độ C. Mức nhiệt độ kỷ lục này cho thấy tác động của biến đổi khí hậu và đợt La Nina gần nhất đã kết thúc.
Ông Willis cho biết thêm rằng, sự kết hợp giữa hiện tượng El Nino và nhiệt độ đại dương tăng cao có thể tạo ra hàng loạt kỷ lục về nhiệt độ trong 12 tháng tới.
Bài viết tham khảo nguồn: Live Science, Euronews