Trẻ em cần một người giáo viên không chỉ có kinh nghiệm mà còn có sức khỏe tốt, tâm lý ổn định và khả năng thích ứng với những thay đổi của xu hướng giáo dục mới.

Hải Anh 11:51 16/12/2024

Luật Nhà giáo đang được hoàn thiện và đưa ra lấy ý kiến trước Thường vụ Quốc hội đã thu hút sự chú ý của dư luận với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo: xếp giáo viên mầm non là công việc nặng nhọc và được nghỉ hưu sớm 5 năm.

Việc bổ sung giáo viên mầm non vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại là một yêu cầu chính đáng, thuyết phục, bởi lao động của người giáo viên mầm non có những đặc thù riêng biệt và tính chất phức tạp.


Trẻ em cần một người giáo viên không chỉ có kinh nghiệm mà còn có >sức khỏe tốt, tâm lý ổn định và khả năng thích ứng với những thay đổi của xu hướng giáo dục mới.

Giáo viên mầm non là những người cha, người mẹ thứ hai, chịu trách nhiệm thiết kế và tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, đặt nền móng vững chắc để hình thành và phát triển nhân cách cho con người sau này.

Nhưng khác với bố mẹ chỉ chăm sóc 2 đến 3 trẻ, theo định mức hiện nay, một lớp có khoảng 25 cháu thì có khoảng 2 giáo viên phụ trách, đây rõ ràng là một khối lượng công việc rất lớn.

Với số lượng đông như vậy, việc đảm bảo an toàn cho trẻ cũng là một áp lực tâm lý đối với đội ngũ giáo viên mầm non. Định mức quy định và thời gian làm việc thực tế của giáo viên mầm non hiện là 10 giờ/ngày, cao hơn so với một số ngành nghề. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong suốt khoảng thời gian đó, các cô giáo luôn phải tập trung cao độ để bao quát, giám sát, quản lý trẻ cho đến khi bố mẹ đón con về.

Áp lực kéo dài cùng với điều kiện làm việc nhiều tiếng ồn, căng thẳng, mệt mỏi, yêu cầu trách nhiệm cao… khiến sức khỏe của giáo viên mầm non giảm sút nhanh.

Nghiên cứu do Trung tâm Sức khỏe Nghề nghiệp chủ trì cho thấy, điểm trung bình cộng khi đánh giá các yếu tố thuộc điều kiện lao động của giáo viên mầm non là 3,69 điểm - tương đương với điều kiện lao động loại IV - nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Việc xem xét việc đưa đối tượng giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại là căn cứ để đề xuất giảm 5 tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non so với quy định. Điều này trước tiên đáp ứng được mong muốn và nguyện vọng của đội ngũ giáo viên, khi có tới 96% giáo viên mầm non chọn nghỉ hưu ở độ tuổi 55 (theo kết quả thăm dò của Công đoàn Giáo dục Việt Nam năm 2020).

Nói rộng ra, đây còn là một giải pháp hợp lý để đảm bảo chất lượng giáo dục cùng với sự phát triển và an toàn của trẻ.

Có bao nhiêu phụ huynh thông cảm rằng, việc con té ngã hay xô xát ở trường là một trong những rủi ro mà cô giỏi đến mấy cũng không thể tuyệt đối né được, nhất là khi các cô giáo đã lớn tuổi? Khi các cô ở độ tuổi cao như vậy thì việc thực hiện những thao tác chuyên môn như hát, múa hay hướng dẫn các hoạt động thể lực cho trẻ còn gặp khó khăn, chưa nói đến việc phản ứng kịp khi nhìn thấy trẻ ngã.


Những chính sách ưu đãi là cách để tạo cơ hội cho những giáo viên trẻ, có năng lực được cống hiến và phát triển.

Cũng không thể phủ nhận rằng giáo viên lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm là một lợi thế, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng giáo dục. Trẻ em cần một người giáo viên không chỉ có kinh nghiệm mà còn có sức khỏe tốt, tâm lý ổn định và khả năng thích ứng với những thay đổi của xu hướng giáo dục mới.

Việc cho phép giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm càng không có nghĩa là lãng phí nguồn nhân lực trong bối cảnh thiếu giáo viên mầm non như hiện nay. Ngược lại, những chính sách ưu đãi như vậy lại là cách để tạo cơ hội cho những giáo viên trẻ, có năng lực được cống hiến và phát triển. Mà vấn đề thiếu nhân lực cũng cần được giải quyết bằng nhiều biện pháp khác như tăng cường đào tạo, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện làm việc tốt hơn để thu hút người tài vào nghề…

Chúng ta đều hiểu rằng mỗi ngành nghề sẽ có những đặc thù riêng và những khó khăn riêng. Suy cho cùng, việc cho phép giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm không phải là ưu ái mà đó là sự đánh giá đúng những khó khăn, vất vả, thậm chí nặng nhọc, nguy hiểm mà hàng vạn giáo viên mầm non đang phải đối mặt.

Và có thể chắc chắn rằng, thầy cô được trân trọng, được bảo vệ, được khích lệ sẽ làm nên những ngôi trường hạnh phúc, để rồi lan tỏa thứ cảm xúc diệu kỳ đó đến các con.

Theo Phạm Viết Phương Ngân/Gia đình Việt Nam