Nghe tiếng hét: "Sập rồi" - chị Linh (42 tuổi) chỉ kịp quay lại phía chồng rồi cả hai té nhào xuống đất. Chị may mắn nằm trên đống đổ nát nên xây xát ngoài da, còn anh thì vùi trong đất đá.
Khoảng 15h, ngày 14/5, bức tường rào cao khoảng 5 mét, dài 100 mét (thuộc Công ty AV Healthcare) đang xây dựng tại khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom) bất ngờ đổ sập. Vụ tai nạn khiến >10 người tử vong và 14 người bị thương được đưa đi cấp cứu.
Tại BV Đa khoa huyện Trảng Bom, trong phòng cấp cứu, không khí cứu trợ bệnh nhân vẫn khẩn trương cả đêm. Các công nhân gặp nạn người gãy tay, người chảy máu, vừa mới tỉnh dậy, vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ tới sự việc.
Ngồi bần thần bên giường bệnh, một bên mặt vẫn còn nguyên vệt máu, chị Lê Thị Tuyết Linh (42 tuổi) nghẹn ngào nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng khi chứng kiến chồng vùi trong đống đổ nát.
Theo đó, sau ca nghỉ trưa, toàn bộ công nhân bắt đầu làm việc vào lúc 13 giờ. Vợ chồng chị Linh chịu trách nhiệm xây dựng trên giàn giáo cao 4 mét.
15h, trong lúc đang làm việc, chị Linh nghe loáng thoáng phía bên kia tường có người hét: "Tường sập rồi". Chưa kịp định thần thì bức tường đổ sập kéo theo chiếc giàn giáo. Chị Linh chỉ kịp quay sang nhìn chồng rồi bị hất tung xuống đất.
"Lúc đầu chạm đất thì bụi đã bay mù mịt, chân tay tôi quýnh quáng nên không còn biết được gì nữa cả" - chị Linh nhớ lại.
Quay lại tìm chồng, chị Linh nhìn anh nằm bất động trong đống sắt đá, chị bàng hoàng gọi tên anh rồi ngất lịm.
"Tôi cứ tưởng là anh chết rồi. Lúc mọi người kéo tôi ra, tôi còn bảo phải kéo thêm anh nữa. May mắn tới bệnh viện thì anh tỉnh, chỉ bị vết thương ở đầu và gãy tay…" - chị Linh kể.
Vợ chồng chị Linh quê ở Vĩnh Long, làm xây dựng công trình tại khu công nghiệp Giang Điền được 3 tháng. Nhà nghèo, vợ chồng đi làm, vừa dắt theo 2 đứa con nhỏ sống bên trong chiếc lán gần công trình. Lúc xảy ra sự việc, con sợ, nên buổi tối chị Linh phải sắp xếp đưa 2 bé về, tránh cho ở lại bệnh viện.
Nằm cạnh đó, bà Trương Thị Lan Thanh (51 tuổi) vẫn còn chưa hồi tỉnh sau sự việc. Bà nhớ, 15h, một làn gió chạy xẹt qua người, sau đó bà chỉ nhớ mình bị nhấc bổng rồi rơi khỏi giàn giáo.
"Tỉnh dậy thấy mình đã trong bệnh viện, máu me với đau tim. Bác sĩ chuẩn đoán gãy 3 chiếc xương ở cạnh đó. Nhưng giờ đau cách mấy cũng được, còn sống là tui thấy may mắn lắm rồi…" - bà Thanh nhớ lại.
Bà Thanh quê ở Đồng Tháp, có 4 đứa con. Không nhà cửa, vợ chồng bà vào >Đồng Nai, thuê nhà trọ ở cùng 2 con gái để hành nghề xây dựng công trình. Suốt 4 năm trong nghề, bà Thanh chưa bao giờ trải qua vụ tai nạn kinh hoàng như thế.
Bên kia, chị Nguyễn Thị Suốt (42 tuổi, An Giang) bị gãy xương sống nên không còn khả năng ngồi dậy được. Chồng chị phải tục trực bên cạnh, chăm vợ. Vợ chồng chị Suốt cùng làm thợ xây dựng trong công trình xảy ra tai nạn được 20 ngày nay. Rất may, buổi chiều, người chồng phụ hồ ở một vị trí khác nên không xảy ra chuyện gì.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương điều tra vụ sập tường khiến 10 người tử vong
Chiều 14/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký công điện khẩn gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sập công trình ở Khu công nghiệp Giang Điền, tỉnh Đồng Nai.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương tổ chức tìm kiếm, cứu chữa, thăm hỏi, động viên, có biện pháp hỗ trợ kịp thời gia đình có người bị tử vong và bị thương; đồng thời tỉnh chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả vụ tai nạn.
Thủ tướng giao Bộ Công an, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng.
”
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng"
Liên quan vụ việc, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng cơ quan chức năng cần điều tra cụ thể để xác định nguyên nhân vụ sập tường trên. "Nếu xác định nguyên nhân sập do lỗi công ty hoặc nhà thầu công trình, ngoài trách nhiệm hình sự các đơn vị này còn phải chịu trách nhiệm bồi thường mặt dân sự cho các nạn nhân", luật sư Hùng nhấn mạnh.
Cụ thể, đơn vị gây ra lỗi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt lên đến 20 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, luật sư cho biết, họ có thể chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân theo Điều 610 Bộ luật Dân sự.
Thiệt hại về vật chất bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Ngoài ra, đơn vị đó còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nạn nhân. Mức bồi thường do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM)
”