Theo thông tin đăng tải, cô gái này được mời tham gia vào một hoạt động trên Tiktok, chỉ việc ấn like, ngồi xem, giả vờ ấn đặt hàng là có tiền.

Q.T.N (TH) 18:53 26/04/2023

Mới đây, trên mạng xã hội, một tài khoản Facebook có tên T.A.N. đã đăng dòng trạng thái "rúng động" với nội dung cho biết, một cô gái chưa đến 35 tuổi ở Nghi Lộc (Nghệ An) đã thắt cổ tự tử do nhẹ dạ cả tin tham gia "nhiệm vụ TikTok".

Theo thông tin đăng tải, cô gái này được mời tham gia vào một hoạt động trên Tiktok, chỉ việc ấn like, ngồi xem, giả vờ ấn đặt hàng là có tiền. Sau đó, người này bị dẫn dụ tham gia các nhiệm vụ bằng cách nạp tiền vào tài khoản với số tiền tăng dần, kèm hứa hẹn sẽ được hoàn tiền khi hoàn thành nhiệm vụ.

Cô gái đã nạp 600 triệu đồng vào tài khoản để làm nhiệm vụ và được yêu cầu nạp số tiền lên gần 1 tỷ đồng để hoàn thành nhiệm vụ mới được nhận lại tiền... Lúc này cô mới phát hiện mình bị lừa nên đã đau khổ tự vẫn.

"Nguyên nhân sâu xa của cái chết là do bị lừa vì chiêu trò này, thông tin em được chính người thân họ hàng cho biết. Vì trước khi chết, cô gái đã hỏi vay tiền và kể rõ nguyên nhân cũng như chụp màn hình các đoạn chat, các nhóm bạn ấy vào và đã bị lừa như thế nào" - tài khoản Facebook T.A.N. viết.

Chủ tài khoản Facebook này cam đoan thông tin mình đăng tải là đúng sự thật, không câu like, mục đích là cảnh báo người dân tỉnh táo, không sa vào các "bẫy" kiếm tiền trên mạng. Dòng trạng thái sau khi đăng tải đã thu hút 2.600 lượt cảm xúc, 7.400 bình luận và 10.000 lượt chia sẻ. Trong đó nhiều người xác nhận bản thân hoặc người thân đã từng tham gia các "nhiệm vụ" trên Facebook hoặc TikTok và mất tiền.

 

Theo thông tin đăng tải, cô gái này được mời tham gia vào một hoạt động trên Tiktok, chỉ việc ấn like, ngồi xem, giả vờ ấn đặt hàng là có tiền - Ảnh: Chụp màn hình

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với báo Dân trí, nguồn tin từ chính quyền xã Nghi Xá cho biết, trên địa bàn có xảy ra một vụ treo cổ tự tử, nạn nhân là chị T.A. Thông tin ban đầu cho thấy, nạn nhân có nợ một khoản tiền nhưng đây là tiền vay để chồng chị T.A. đi làm việc ở nước ngoài.

"Điện thoại của chị T.A. cài mật khẩu, không thể mở nên chưa thể xác định được nạn nhân có tham gia vào các trò kiếm tiền trên mạng xã hội dẫn tới bị lừa đảo số tiền lớn, mất khả năng chi trả nên nghĩ quẩn hay không" - nguồn tin cho hay.

Tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc ngày 24/4 cũng xảy ra một vụ thắt cổ tự tử. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Dũng - Chủ tịch UBND xã Nghi Long cho biết, nạn nhân trong vụ việc đau lòng là nữ sinh lớp 9. Nguyên nhân là do mâu thuẫn gia đình, không liên quan đến việc bị lừa đảo trên mạng xã hội.


Một chiêu mời chào lướt TikTok kiếm tiền trên mạng xã hội - Ảnh: Chụp màn hình

Theo thông tin từ báo Công an TP.HCM, trước đó, không ít người cũng sập bẫy "nhiệm vụ Tiktok" như trên. Theo đó, một chị Phạm Khánh Ngọc (ngụ Q12, TPHCM) cho biết: "Tôi tham gia kiếm tiền trên TikTok từ ngày 17/7, qua giới thiệu của một người bạn. Lúc đầu tôi nạp 3 triệu đồng, tương đương với gói vàng, sau đó tôi tiếp tục nạp 18 triệu đồng để nâng cấp. Nhưng mới thu về được gần 3 triệu đồng thì hệ thống cứ báo lỗi không thể rút thêm được nữa, sau đó tôi vào giao dịch nhiều lần cũng không được". Như vậy, những người tham gia cùng bị lừa vào ngõ cụt và phần lớn khi biết bản thân rơi vào bẫy thì đã quá muộn!

Kiếm tiền online từ tương tác video TikTok thực chất là hình thức vẽ ra nhiệm vụ trá hình để kêu gọi người dùng nạp tiền rồi bất ngờ mất dạng để chiếm đoạt tài sản. Các trang web hầu hết hoạt động dưới dạng ẩn danh, không rõ ràng về nguồn gốc nên khi gặp rủi ro rất khó giải quyết. Bên cạnh việc bị lừa mất tiền, các nạn nhân tham gia lướt TikTok kiếm tiền này còn có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân, bởi khi tham gia thì việc đầu tiên là cung cấp thông tin, tài khoản ngân hàng để giao dịch, không ai bảo mật thông tin cá nhân trong trường hợp này vì thế càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sau.

Được biết, hầu hết các nạn nhân bị lừa tiền từ việc làm trên TikTok đã làm đơn gửi Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, hiện đang chờ xử lý.

Bộ Công an và các phương tiện truyền thông đã nhiều lần cảnh báo về vấn nạn lừa đảo trực tuyến đến người dân. Người dùng MXH cần cẩn trọng, có ý thức tự bảo vệ mình khi làm việc thông qua các nền tảng trên MXH, nhất là liên quan đến việc đầu tư sinh lời, cần tìm hiểu và xác minh nguồn gốc thông tin, một trong số đó là các dự án kiếm tiền trên TikTok hoặc việc làm trực tuyến trên mạng để tránh dính bẫy từ chiếc bánh vẽ "kiếm tiền online ".

Q.T.N (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe