Các bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) đang nỗ lực để giữ lại mắt trái cho một phụ nữ ở TP.HCM bị hoại tử do tiêm filler để nâng mũi.
Trước đó, chị N.T.C.D. (30 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) đã đến một cơ sở >làm đẹp trên địa bàn quận 4 để nâng mũi. Tại đây, các kỹ thuật viên đã dùng chất làm đầy – filler (loại hyaluronic acid) để tiêm vào vùng mũi.
Chỉ 5 phút sau tiêm, khuôn mặt chị bắt đầu sưng to, mi mắt sụp xuống, da vùng mũi, trán có vết bầm lan rộng. Khi về nhà, chị D. thấy thị lực mắt trái giảm hẳn, chỉ nhìn thấy lờ mờ. Chị D. đã đến hai bệnh viện để thăm khám nhưng tình hình không cải thiện.
Sau đó, chị D. được chuyển sang Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng mặt sưng to, hoại tử tắc mạch mắt trái do chất làm đầy gây ra.
BSCKII Lê Hồng Hà - Khoa Mắt, Bệnh viện Trưng Vương cho biết, qua thăm khám ghi nhận vùng da mi, mắt, mũi có dấu hiệu hoại tử; bệnh nhân đã bị tắc mạch máu mắt trái sau khi >tiêm filler vào mũi, mặt sưng to. Bệnh nhân đang phải đối diện với nguy cơ giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí có thể bị mù.
Theo các BS, nữ bệnh nhân còn may mắn vì còn tỉnh táo, không bị yếu liệt tứ chi và đang được điều trị nội khoa tích cực. “Tuy nhiên, tiên lượng khả năng hồi phục với mắt gần như bằng 0. Nếu không đáp ứng với điều trị, mắt trái sẽ hoại tử, mù lòa, buộc phải múc bỏ nhãn cầu”, BS Hà nói.
Các bác sĩ cảnh báo , nhiều người nghĩ tiêm chất làm đầy - filler chỉ đơn giản là một mũi tiêm nhưng thực tế cách tiêm ra sao, tay nghề bác sĩ thế nào thì cần lưu ý. Người thực hiện tiêm phải được đào tạo về thẩm mỹ, da liễu và phải được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Bộ Y tế. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt dễ dẫn đến hậu quả khó lường.
Tiêm filler nhầm vào mạch máu, tĩnh mạch gây tắc mạch máu cho những cơ quan khác, mù mắt là biến chứng nguy hiểm nhất. Vì vậy, kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm thực hiện, không tiêm tại spa hay những nơi không có biển hiệu, chứng nhận hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ.