Ngày 16/3/2023, tài khoản Facebook này đề nghị với chị N. tham gia chương trình “Tri ân khách hàng” diễn ra trên trang Web tikiz.vip.

Q.T.N (TH) 13:09 03/04/2023

Theo thông tin từ báo Đồng Tháp, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết: Vừa tiếp nhận nguồn tin phản ánh của 1 phụ nữ bị lừa đảo số tiền trên 2,8 tỷ đồng khi làm cộng tác viên online.

Cụ thể, đó là trường hợp của chị P.T.Y.N. (28 tuổi) ngụ xã Long Thắng, huyện Lai Vung kết bạn, trò chuyện với tài khoản Facebook tên “Nguyễn Thanh Phong”. Đến ngày 16/3/2023, tài khoản Facebook này đề nghị với chị N. tham gia chương trình “Tri ân khách hàng” diễn ra trên trang Web tikiz.vip.

Khi tham gia chương trình, khách mời sẽ được cấp một mã mời bí mật và khi đăng ký sẽ được kích hoạt để mua hàng với chiết khấu cao từ 20 - 50% và sau đó sẽ trả toàn bộ số tiền mua hàng và tiền hoa hồng (chiết khấu). Chị N. đồng ý tham gia và được hướng dẫn tạo tài khoản tham gia sự kiện trên trang tikiz.vip.

Nội dung trao đổi giữa chị N. và kẻ lừa đảo - Ảnh: báo Đồng Tháp

Với đơn hàng đầu tiên, chị N. đã chuyển 8,8 triệu đồng vào tài khoản số 0398972614 tên TRAN TRUNG KIEN, Ngân hàng SHB và nhận lại được 10.560.000 đồng (thu lãi 1.760.000 đồng). Tin tưởng nên các lần sau, chị N. tiếp tục chuyển cho đối tượng tổng số tiền hơn 2,9 tỷ đồng (bao gồm cả 8,8 triệu đồng), sau đó, chị N. cần tiền và yêu cầu rút thì được nhận lại số tiền hơn 74 triệu đồng (bao gồm 8,8 triệu đồng đã rút). Những lần sau, chị N. có yêu cầu nhận lại tiền nhưng Phong dùng nhiều lý do để không cho rút tiền. Nghi mình bị lừa, chị N. đến trình báo Công an.

Thủ đoạn của các đối tượng là lên mạng xã hội (Facebook, Zalo) đăng thông tin quảng cáo tìm cộng tác viên làm việc tại nhà như giật đơn hàng trên Shopee, Amazon... với lợi nhuận từ 10% trở lên. Khi có người liên hệ nhận làm cộng tác viên, các đối tượng hướng dẫn truy cập vào các trang web bán hàng để chọn sản phẩm và đặt đơn hàng, đồng thời chuyển tiền đến số tài khoản các đối tượng cho trước.

Để tạo lòng tin cho bị hại, các lần đầu thực hiện nhiệm vụ hầu hết đều được trả tiền hoa hồng như quảng cáo. Tuy nhiên, qua các lần sau, đối tượng đưa ra nhiều lý do (báo lỗi hệ thống, đặt đơn hàng sai, thông tin tài khoản ngân hàng không đúng...) nên không rút được tiền. Nếu muốn rút tiền thì phải đặt thêm đơn hàng khác với số tiền cao hơn hoặc chuyển khoản cho các đối tượng để nhờ “cấp trên” hỗ trợ, xem xét. Tuy nhiên, khi bị hại chuyển tiền thì đối tượng vẫn không cho rút và chiếm đoạt toàn bộ số tiền của bị hại.


Mã QR trang Facebook và Zalo của Phòng An ninh mạng Công an Đồng Tháp - Ảnh: báo Đồng Tháp

Theo thông tin từ Zingnews, công an tỉnh khuyến cáo người dân tuyệt đối không nghe theo những lời mời, quảng cáo tham gia các ứng dụng di động, website “giật” đơn hàng ảo trên mạng, với lãi suất cao, hấp dẫn, đó là chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng dựng lên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Người dân cần trao đổi, tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè về những thông tin trên để được tư vấn, tránh tình trạng bị lừa đảo. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn hoặc là nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, người dân cần kịp thời báo ngay với Công an địa phương nơi gần nhất hoặc qua Phòng An ninh mạng Công an Đồng Tháp số hotline: 0978.620.105 hoặc trang Zalo Official Account, Fanpage Facebook “Phòng An ninh mạng Công an Đồng Tháp” để được hướng dẫn, xử lý.

Q.T.N (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe