"Máy có giá 2,3 tỉ là tối đa mà làm lên 7 tỉ. Tôi nghe tôi cũng choáng", ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, nói.
Liên quan đến vụ việc Bộ Công an đã khởi tố 7 người trong đó có Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) vì liên quan đến vụ việc mua hệ thống máy xét nghiệm >Covid-19 Realtime PCR tự động do có hành vi "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có văn bản gửi các bệnh viện, sở y tế, đơn vị trực thuộc, yêu cầu báo cáo toàn bộ các hợp đồng mua thiết bị.
Đặc biệt, một số địa phương có mức giá mua máy lên đến 7,23 tỉ đồng như Quảng Nam. Đây là mức giá cao hơn so với giá 7 tỉ đồng mà CDC Hà Nội đã mua và các cán bộ liên quan bị khởi tố.
Liên quan đến việc mua hệ thống >máy xét nghiệm Covid-19 Realtime PCR tự động, ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh >Quảng Trị, cho biết Sở đã mua 1 máy và trang bị đưa vào sử dụng trong tháng 4 với giá chỉ 1,5 tỉ đồng. Theo đó, máy được mua vào cuối tháng 3 và lắp đặt trong tháng 4.
"Kinh phí mà tỉnh duyệt là 1,65 tỉ nhưng Sở đã đàm phán và mua được với giá chỉ 1,5 tỉ. Quảng Trị cũng mua theo hình thức chỉ định thầu. Ví dụ cái máy tách chiết tự động 32 lỗ có giá 650 triệu trong khi 1 số địa mua loại 18 lỗ mà có giá từ 1,2 tỉ đến 1,6 tỉ", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, việc mua máy của Sở Y tế được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu do có dịch Covid-19, rất cấp bách để đưa vào sử dụng.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cũng bất ngờ khi các địa phương mua hệ thống xét nghiệm Covid-19 Realtime PCR tự động với mức giá quá cao.
"Theo tôi biết máy có giá 2,3 tỉ là tối đa mà làm lên 7 tỉ. Tôi nghe tôi cũng choáng.
Ở Quảng Trị khi mua đã đàm phán rất kỹ. Thời điểm tỉnh mua thiết bị, tình hình dịch đã bớt căng thẳng, thị trường đã đầy đủ nên giá có giảm. Mình đã đàm phán rất quyết liệt", ông Hùng nói.
Vị lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho hay hiện đã rà soát lại toàn bộ việc mua thiết bị phòng chống dịch Covid-19 trong đó có hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 Realtime PCR tự động để báo cáo theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Ông Hùng cũng cho biết hiện UBND tỉnh Quảng Trị đang yêu cầu Sở mua máy thở để phục vụ việc phòng chống, điều trị bệnh nhân Covid-19 nếu có trường hợp mắc bệnh trên địa bàn. Tuy nhiên, Sở nhận định tình hình dịch Covid-19 có phần lắng dịu. Do vậy, Sở đã lùi thời điểm mua lại khoảng nửa tháng để chờ sản phẩm máy thở trong nước sản xuất.
"Việc lùi thời điểm mua cũng khiến chúng tôi lo lắng vì nếu lỡ có vấn đề gì cũng rất sợ không có máy sử dụng. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định vậy vì sản phẩm máy thở trong nước rẻ, có giá chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài nên sẽ tiết kiệm được ngân sách", ông Hùng cho hay.