Theo phương án cải cách tiền lương, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).
Theo thông tin từ Dân Trí, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7.
Theo Nghị quyết 27, yêu cầu thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án cải cách tiền lương, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả> lương cơ bản và phụ cấp).
Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hằng năm khoảng 7%/năm.
Một trong những điểm đột phá của chính sách tiền lương mới là việc bỏ công thức tính lương theo lương cơ sở, hệ số, ngạch bậc như lâu nay. Thay vào đó sẽ có 5 bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.
Mỗi chức vụ sẽ có một mức lương cụ thể, thể hiện rõ thứ bậc. Bên cạnh đó, quan hệ tiền lương cũng được mở rộng từ biên độ 1-2,34-10 lên 1-2,68-12.
Dẫn tin từ Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa gửi báo cáo khuyến nghị tới Chính phủ về việc xem xét mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 đã được Hội đồng đề xuất 6%, tương ứng mức tăng từ 200.000 - 280.000 đồng tùy theo từng vùng.
Theo đó, lương tối thiểu tại vùng 1 sẽ nâng lên 4.960.000 đồng; vùng 2 là 4.410.000 đồng; vùng 3 là 3.860.000 đồng và vùng 4 đạt 3.450.000 đồng.
Lương tối thiểu vùng hiện hành các vùng đang dao động từ 3.250.000 đồng đến 4.680.000 đồng.
Cùng với tăng lương tối thiểu theo tháng, mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024. Cụ thể, vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.
Mức tăng này được Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất sau phiên đàm phán, thương lượng lần thứ hai hồi cuối tháng 12 năm ngoái.
Tất cả thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia có mặt tại phiên họp đã bỏ phiếu chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2024 là 6%, thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2024.
Theo Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cuối năm 2023, Hội đồng đã nhận diện được tình hình kinh tế - xã hội năm 2023. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát cơ bản được kiểm soát, tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, tuy nhiên mức tăng GDP và năng suất lao động không đạt được như kỳ vọng.
Thị trường lao động trong nước duy trì đà phục hồi, lao động có việc làm có xu hướng tăng, nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững. Tiền lương, thu nhập của người lao động có sự tăng trưởng, nhưng mức tăng chậm, trong đó cập nhật theo CPI năm 2023, mức lương tối thiểu hiện hành vẫn bảo đảm được mức sống tối thiểu tính đến hết năm 2023.
Ngoài ra, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước có xu hướng tốt hơn, khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường...
Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất hai mức tăng 6,48% hoặc 7,3%, từ ngày 1/7/2024, cùng lúc với cải cách tiền lương khu vực nhà nước. Mức tăng căn cứ kinh tế khởi sắc, đơn hàng doanh nghiệp tăng trở lại.
Trong khi đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất tăng 4,5-5%, bởi phải tính đến >sức khỏe doanh nghiệp, khi đơn hàng mới quay trở lại, thì giữ việc làm cho lao động quan trọng hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, mức tăng 6% là hài hòa, có tính đến sự chia sẻ khó khăn của cả người lao động và doanh nghiệp.
Tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hoàn thành trong tháng 5 năm nay.
Cũng tại Quyết định 135/QĐ-TTg 2024 Kế hoạch cải cách tiền lương công chức trong doanh nghiệp ban hành mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Nghị định của Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng báo cáo các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới đối với khu vực doanh nghiệp, tác động khi cải cách tiền lương đến chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.