"Trước mắt tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một", Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.

Tini (TH) 08:35 08/09/2021

Theo thông tin của Vietnamplus, ngày 7/9, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho biết Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để kịp thời điều chỉnh việc cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn.

Trước mắt, thành phố tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến khi đạt hiệu quả thì mới nhập hai loại giấy thành một; chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành.

"Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến. Tất cả phải nhằm bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân,” Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của tài xế - Ảnh: Tuổi trẻ
 

Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Dũng cho biết việc thực hiện phương án phân 3 vùng từ ngày 6/9 nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thủ đô trong tình hình mới, để kiểm soát, tầm soát y tế: Vừa bảo đảm tiếp tục thực hiện triệt để biện pháp giãn cách xã hội ở "vùng đỏ", vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, chăm lo sinh kế, bảo đảm an sinh xã hội ở "vùng cam" và "vùng xanh".

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thêm, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố tập trung chỉ đạo ngành y tế tiếp tục duy trì công suất xét nghiệm 200.000 mẫu/ngày, cần thiết nâng lên 280.000 mẫu/ngày như đã chuẩn bị.

Hà Nội quyết tâm đến ngày 15/9, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần). 

Tini (TH) | Theo Phụ nữ sức khỏe