Những câu chuyện về một số nạn nhân bị bán qua bên kia biên giới để làm vợ hoặc vào động mại dâm vẫn được tuyên truyền. Thế nhưng chỉ vì nhẹ dạ cả tin, mơ đổi đời mà nhiều sơn nữ vô tình rơi vào bẫy của bọn buôn người.
Từ nương rẫy lao vào... “động quỷ”
Mấy năm gần đây, tình trạng >buôn bán phụ nữ qua biên giới ngày càng phức tạp, các chiêu thức hoạt động của tội phạm buôn người ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Đối tượng mà chúng nhắm đến chủ yếu là những thiếu nữ người dân tộc thiểu số, còn ít tuổi, gia đình khó khăn, nghèo túng, không thông thuộc đường xá để lừa phỉnh họ đi làm thuê dưới thành phố với mức lương ngất ngưởng rồi thừa cơ bán sang biên giới.
Thế nên, dù các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương đã tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào, nhưng ở những xã bản vùng sâu vùng xa, thảng hoặc người ta vẫn phải chứng kiến những cô gái người Mông, người Thái... chỉ vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin sập bẫy bọn buôn người. Lò Thị H, ở bản Pá Vạt 2 (xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) là một trong nhiều trường hợp như thế.
Nhà H nghèo, lại đông anh em nên cô phải bỏ học khi mới vừa vào lớp 4. Suốt quãng thời gian sau đó, cô chỉ quanh quẩn với nương rẫy, ruộng đồng. Đến tiếng phổ thông H cũng chỉ bập bẹ được vài câu. Một lần, anh họ H là Lò Văn Ọi (ở bản Cang 1, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên) nói với cô là quen một quán phở ở thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu) đang cần người giúp việc. Nếu H muốn thì anh ta có thể xin giúp cho, lương 3-4 triệu đồng/tháng kèm nuôi ăn và ở. Số tiền đối với H mà nói, nó quá lớn. Ngay cả gia đình cô nai lưng nương rẫy thì mỗi vụ cũng chỉ thu được ngần ấy từ việc bán đi lúa, ngô, khoai, sắn. Không mảy may suy nghĩ, H đồng ý.
Bản thân không biết chữ, vốn tiếng phổ thông lại ít ỏi, cả đời chưa đi ra khỏi Mường Luân, thế nên khi ngồi trên xe khách cùng với Ọi, H vẫn đinh ninh là mình đang đến thành phố Lai Châu. Cô chả khác gì người bị bịt mắt, Ọi bảo gì thì biết đấy. Cùng chuyến đi đó còn có một cô gái nữa, tên là Lò Thị T, cũng là hàng xóm của H. Khi lên đến Lào Cai, H và T bị Ọi bán cho Duyên, chủ một khu liên hợp nhà nghỉ - gội đầu - tẩm quất - mại dâm phía bên Trung Quốc.
Từ đó, H bắt đầu tháng ngày ê chề, tủi nhục nơi đất khách. Trong nhà Duyên, ngoài H và T ra còn có mấy cô gái nữa cũng là nạn nhân mới bị lừa bán vào đây. Mỗi buổi sáng, Duyên cho các cô gái ăn cháo trắng cầm hơi rồi chở “đi làm”. Chỗ làm là một “tổ hợp” kinh doanh nhà nghỉ - mại dâm, cách nhà trọ chừng vài cây số. Ở đó, lúc nào cũng túc trực từ 20 – 25 “đào”, các cô phải uốn éo, phô diễn cơ thể để tranh giành nhau khách. Trung bình, mỗi lần “vui vẻ”, khách phải trả từ 80 đến 100 nhân dân tệ, số tiền này Duyên cầm hết, gọi là “thu hồi vốn”.
Ngày nào cũng vậy, Duyên đều bắt các tiếp viên “hoạt động hết công suất”, từ sáng đến chiều, rồi từ chiều đến đêm khuya. Ả biến các cô gái thành những “cỗ máy tình dục”, “cỗ máy in tiền”. Để tăng thêm phần dẻo dai cho các cô trong chuyện gối chăn, Duyên còn bắt họ uống những lọ thuốc tăng lực không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ. Do có chút nhan sắc, lại là thiếu nữ người miền núi, >sức khỏe dẻo dai nên gần như H lúc nào cũng đông khách nhất. Trung bình mỗi ngày cô phải tiếp từ 5 - 7 lượt khách, có ngày cao điểm lên đến hai chục lượt. Trong khi khách với các “đào” của mình “hành sự”, Duyên cùng đám đàn em ở ngoài làm nhiệm vụ cảnh giới.
Chỉ cần “đào” nào chểnh mảng hay bị phát hiện có ý định bỏ trốn về Việt Nam, họ sẽ bị Duyên cùng đám đệ tử tra tấn bằng đủ những hình thức tàn độc và dã man nhất như: dùng dao rạch vào “vùng kín” hoặc bị ép… uống thuốc vô sinh. Đánh chán, chúng nhốt các cô vào những căn hầm tối hủm và bỏ đói nhiều ngày. Nếu cô nào vẫn tiếp tục có thái độ chống đối, chúng đem bán lại cho những ông chủ khác trong khu “Chợ thịt người”, hoặc gả cho những người đàn ông ở sâu trong nội địa. Ở “chợ”, các cô còn bị đối xử tàn ác hơn rất nhiều lần và phải tiếp khách không ngơi nghỉ. Cũng vì không chịu nổi “cường độ lao động” ở “chợ thịt người”, có cô gái đã từng nhảy từ lầu tự tử...
Tưởng sẽ phải vùi thân nơi đất khách, nhưng H may mắn được cứu thoát trong một lần cơ quan chức năng Trung Quốc tổ chức truy quét các tụ điểm mại dâm. Cô được trao trả về Việt Nam vào cuối tháng 12/2016, sau hơn 2 năm làm “nô lệ tình dục”. Bà Lò Thị Hạy, mẹ H kể, đại ý rằng, lúc H mới trở về, bà còn chả nhận ra đó là con mình. H gầy rộc, mắt như người mất hồn, điên điên dại dại. Mấy tháng đầu, đêm nào H cũng hét, ngày thì ru rú trong buồng, chỉ cần ai mở cửa bước vào là giật mình, rúm ró.
Đường về lắm chông gai
Cũng nghèo đói và thất học từ tấm bé như H, nên Giàng Thị P (ở Nàn Sán, Si Ma Cai, Lào Cai) cũng dễ dàng sập bẫy bọn buôn người khi mới bước qua tuổi 16 được mấy ngày. Tính đến giờ, đã gần 4 năm trôi qua kể từ ngày trốn thoát khỏi động mại dâm phía bên kia biên giới,, nhưng mỗi khi nhớ lại về chuỗi ngày làm “nô lệ tình dục” nơi đất khách cô vẫn không khỏi giật mình. Nhiều lúc cô đã nghĩ cuộc đời mình sẽ mãi mãi chôn vùi trong nhà chứa, nhưng nhờ may mắn mà cô đã trốn thoát trở về. Tất cả bi kịch của cô, cũng bắt đầu từ ước vọng đổi đời giống như Lò Thị H.
Trong một lần đi chợ huyện bán rau, P vô tình quen với bà khách tuổi trạc ngoài 40 tuổi. Mãi sau này P mới nghe bà ta giới thiệu tên là Phượng. Để lấy lòng cô sơn nữ, bất cứ P đi bán gì, từ bó rau cải hay mấy túm ngô non, bà Phượng đều mua hết và trả với giá rất hời. Khi nhận thấy P có cảm tình với mình, bà Phượng thường hay kiếm cớ để tỉ tê, trò chuyện.
Trong những câu chuyện có vẻ như không đầu không cuối của bà khách sộp, P biết rằng bà ta không những là chủ một chuỗi cửa hàng kinh doanh quần áo bên Trung Quốc. Bà Phượng hứa nếu P đồng ý trông nom giúp bà một cửa hàng thì lương tháng sẽ là 5 triệu đồng, cơm nuôi ba bữa. Nghĩ đến viễn cảnh ở thành phố sẽ được ăn sung mặc sướng, công việc nhàn hạ mà mỗi tháng lại có vài triệu gửi về cho gia đình, P đồng ý.
Một tuần sau đó, bà Phượng đưa P sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch rồi bán cho một quán mại dâm. Hàng ngày, cô cùng với “đồng nghiệp” ở đây bị dựng dậy từ rất sớm. Thời gian dành cho các công việc như đánh răng rửa mặt và ăn sáng chỉ gói gọn trong khoảng chừng 30 phút rồi “làm việc”. Rủi thay, do còn trẻ, lại là “lính mới” nên P luôn là người được khách lựa chọn nhiều nhất, có ngày cô phải phục vụ đến 20-30 lượt khách. Chỉ cần tỏ thái độ khó chịu, bất tuân hay thậm chí chỉ cần phục vụ chậm hơn thời gian quy định, P cũng bị ăn đòn...
Vào khoảng giữa tháng 6/2014, nhân một lần bà chủ đi vắng, hai tên bảo kê mải uống rượu, P lẻn trèo qua tường chạy trốn. Vừa chạy, cô vừa vẫy các xe suốt dọc đường để đi nhờ. Sau rất nhiều lần thất bại, cuối cùng cô cũng được một chủ xe hàng thương tình cho đi nhờ về cửa khẩu rồi về Việt Nam, khép lại chuỗi ngày sống kiếp “trâu ngựa” nơi đất khách. Giờ dù đã có chồng con nhưng mỗi lần nhớ lại những ngày tháng đen tối ấy, P vẫn rùng mình, hoảng hốt.
Bi kịch của Lò Thị H hay Giàng Thị P gặp phải chỉ là một trong vô vàn những trường hợp sơn nữ bị lừa bán sang bên kia biên giới. Chỉ vì trót đuổi theo giấc mộng đổi đời mà các cô đã đẩy mình và gia đình vào bi kịch. Ngày "thoát ly" quê hương, các nạn nhân của đều ngập tràn hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng đến khi bị bán đi và lưu lạc nơi xứ người, ước mơ cũng chính là mục đích sống duy nhất của họ là có thể trở về nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình. Hành trình trốn chạy khỏi "động quỷ" của chị em đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí phải trả giá bằng máu.
Trong hàng trăm, hàng ngàn nạn nhân của bọn buôn người, những trường hợp được trở về như H và P rất ít, không hiếm người bị lừa bán đến nay đã 20-30 năm vẫn bặt vô âm tín.
Theo số liệu của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thì từ ngày 16/11/2015 đến ngày 15/5/2018, toàn quốc đã phát hiện 885 vụ mua bán người với 1.158 đối tượng, 2.319 nạn nhân. Các đơn vị, cơ quan chức năng đã xác minh 1.117 trường hợp bị mua bán và đã tiếp nhận gần 1.000 nạn nhân.
Tại các địa phương có đường biên giới như Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên..., các đối tượng đã hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt có tính chất nghiêm trọng để lừa bán nạn nhân sang các quốc gia, trong đó nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc (chiếm trên 75%), sang Lào và Campuchia (11%), còn lại đưa sang các nước khác thông qua đường hàng không và đường biển.
Thiết nghĩ, để đẩy lùi tội phạm mua bán người, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền thì cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng cần chú trọng trong công tác xây dựng chính sách, các chương trình, đề án nhằm tạo sự gắn kết giữa đầu tư phát triển kinh tế - xã hội với giải quyết việc làm cho người lao động tại chỗ, nhất là các hộ có ít đất sản xuất, các hộ giáp biên, từng bước nâng cao >đời sống của đồng bào.
Bên cạnh đó, tại các vùng biên, vùng giáp ranh, cần tăng cường quản lý chặt chẽ về an ninh hơn nữa để hạn chế tình trạng đưa người vượt biên trái phép bằng con đường tiểu ngạch; làm tốt công tác đối ngoại, phối hợp với các địa phương, lực lượng chức năng của nước bạn trong việc quản lý xuất nhập cảnh và trao trả nạn nhân.