Bệnh nhi 8 tháng tuổi bị lồng ruột cấp giờ thứ 10, nhập viện trong tình trạng nôn nhiều, đi ngoài ra máu và đã được bác sĩ mổ cấp cứu tháo lồng ruột.
Các bác sĩ của Bệnh viện Sản Nhi >Bắc Giang mới tiến hành phẫu thuật cấp cứu >tháo lồng ruột cấp cho bệnh nhi N.T.A. (8 tháng tuổi, ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) bị lồng ruột cấp giờ thứ 10, nhập viện trong tình trạng nôn nhiều và đi ngoài ra máu.
Theo thông tin người nhà cho biết, trước khi nhập viện khoảng 10 tiếng thì thấy trẻ khó chịu, quấy khóc từng cơn kèm nôn trớ nhiều lần nên đã đưa trẻ tới bệnh viện tuyến huyện để thăm khám và được chuyển tuyến tới Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang điều trị.
“Khi nhập viện, bệnh nhi đã có hiện tượng chảy máu tự nhiên qua đường hậu môn, máu có màu đỏ sẫm. Khi thăm khám thấy bụng trẻ chướng, nắn đau, sờ thấy khối lồng ruột vùng hạ sườn phải cứng chắc di động.
Chúng tôi chỉ định cho cháu làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết, siêu âm, chụp X-quang và kết quả cho thấy vùng hạ sườn phải có khối lồng ruột kích thước 05 x 10cm. Các bác sĩ khoa Ngoại đã hội chẩn, thống nhất chẩn đoán cháu bị lồng ruột cấp và có chỉ định tháo lồng ruột bằng phương pháp bơm hơi.
Tuy nhiên, do bệnh nhi nhập viện muộn khiến tình trạng lồng ruột nghiêm trọng hơn, cổ khối lồng ruột khi ấy đã bị thắt nghẹt lại không thể tháo được bằng phương pháp bơm hơi nên chúng tôi quyết định chuyển sang mổ cấp cứu để tháo lồng ruột cho trẻ” – BSCKI Phạm Văn Đại – Trưởng khoa Ngoại cho biết.
Khi phẫu thuật, quan sát trong ổ bụng bệnh nhi, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhi A. bị lồng ruột kép (tức là lồng hồi – hồi – đại tràng), khối lồng dài với kích thước lớn đã chuyển sang màu tím sẫm.
Rất may là khối lồng chưa bị hoại tử, kíp phẫu thuật tiến hành tháo lồng, bảo tồn ruột cho trẻ, cố định lại manh tràng và sau khi tháo lồng kiểm tra ruột lưu thông, nuôi dưỡng tốt. Sau 1 tuần điều trị tại khoa Ngoại, sức khoẻ bé ổn định và được xuất viện về nhà với gia đình.
Lồng ruột cấp là tình trạng một đoạn ruột lộn lại và chui vào lòng của đoạn ruột kế cận, gây nên tắc ruột cấp tính. Bác sĩ Đại cho biết thêm, với những trường hợp phát hiện lồng ruột sớm thì sẽ được điều trị tháo lồng bằng phương pháp bơm hơi với tỷ lệ thành công rất cao khoảng 98 – 99%.
Trường hợp bệnh nhi A. do nhập viện điều trị muộn, nhất là khi đã có triệu chứng đi ngoài ra máu nên phương pháp bơm hơi không hiệu quả và phải chuyển sang mổ để tháo lồng, tránh gây tổn thương ruột ảnh hưởng tới >sức khỏe của trẻ về sau.
Hiện nay, đa số lồng ruột ở trẻ em chưa được xác định rõ nguyên nhân. Tuy nhiên một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ thường bị lồng ruột vào mùa có tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp cao. Tùy theo mức độ lồng ruột mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau ở trẻ.
Vậy nên, các bậc phụ huynh khi thấy trẻ quấy khóc từng cơn, bỏ bú, nôn trớ ngay sau ăn, hoặc nghiêm trọng hơn là đi ngoài ra máu thì cần sớm đưa trẻ tới bệnh viện chuyên khoa nhi có đội ngũ bác sĩ phẫu thuật và trang thiết bị ngoại khoa phù hợp để được điều trị kịp thời, bởi nếu để chậm trễ lồng ruột có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ như hoại tử ruột (phải cắt đoạn ruột), viêm phúc mạc, sốc nhiễm độc thậm chí có thể khiến trẻ tử vong.