Những đứa trẻ vô tội, còn cả tương lai phía trước, chẳng có lý do gì bố mẹ lại tự ý tước bỏ tính mạng của chúng.
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn video đau lòng ghi lại cảnh người phụ nữ có ý định quyên sinh cùng con gái nhỏ lúc rạng sáng trên cầu Khuể (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng). Theo thông tin từ báo Giao Thông, vào khoảng 5h sáng 28/10, người dân lưu thông qua cầu Khuể (thuộc địa phận huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) phát hiện một người phụ nữ cùng một bé gái ngồi ở giữa đường trên cầu ôm nhau khóc.
Mặc dù được nhiều người đi đường dừng lại khuyên can, trấn an. Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn có ý định cố kéo bé gái qua lan can cầu, bất chấp tiếng gào khóc hoảng sợ và ngăn cản của đứa trẻ.
Ngay sau đó, người dân đã gọi điện thông báo sự việc tới cơ quan chức năng địa phương.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng huyện Tiên Lãng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phối hợp cùng người dân thuyết phục người phụ nữ từ bỏ ý định tự tử và đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con.
Sau khi đưa về trụ sở, người phụ nữ khai báo quê ở huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Do mâu thuẫn gia đình nên đã ôm con gái lên cầu để tự tử.
Liên quan đến vụ việc, dẫn tin từ báo Dân Trí, tiến sĩ Đặng Văn Cường (Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em) nhận định, nếu sự việc lần này không được ngăn chặn kịp thời, thì sẽ có thêm một đứa trẻ ra đi chỉ vì sự bồng bột, thiếu suy nghĩ, thiếu kiểm soát cảm xúc của người lớn.
Theo ông Cường, trên thực tế, không riêng Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác ghi nhận xu hướng đáng báo động về việc bố hoặc mẹ kéo theo con cái hành động dại dột.
Ông lý giải có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến người lớn "ôm con chết cùng" như: Mắc bệnh tâm thần; không nhận thức được hành vi của mình làm hại con cái; thiếu kỹ năng sống; thiếu kiểm soát về cảm xúc, trầm cảm; hạn chế nhận thức về pháp luật và >đời sống xã hội.
"Từ đó, mỗi khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cùng quẫn, bố hoặc mẹ không đủ nghị lực, không đủ tỉnh táo và bản lĩnh để đối mặt với thực tại nên đã tìm cách giải thoát", ông Cường nói.
Chuyên gia Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng hành động "người phụ nữ định ôm con nhảy cầu" chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, vô vàn đứa trẻ đang phải đối mặt với những "cuộc chiến" tiêu cực ngoài xã hội, như bị bố mẹ bạo hành, bị bắt đi ăn xin, bán vé số.
Đồng quan điểm với tiến sĩ Đặng Văn Cường, nữ chuyên gia cho rằng nhiều bố mẹ không đủ điều kiện >sức khỏe, tâm lý, kiến thức và kỹ năng giáo dục con cái, nên vô tình đã làm hại con.
"Không phải ai sinh ra cũng đủ kiến thức, kỹ năng, thậm chí là ý thức chăm sóc, >nuôi dạy con cái. Mỗi gia đình thường có suy nghĩ rằng con của tôi, tôi tự lo, xã hội và chính quyền không có quyền can thiệp", bà Hương nhận định.
Theo tiến sĩ Đặng Văn Cường, trẻ em là nạn nhân trong câu chuyện này. Những đứa trẻ vô tội, còn cả tương lai phía trước, chẳng có lý do gì bố mẹ lại tự ý tước bỏ tính mạng của chúng.
Để giảm thiểu những sự việc tương tự, chuyên gia cho rằng vấn đề giáo dục đạo đức, văn hóa, kỹ năng sống, pháp luật rất quan trọng và không chỉ đối với thế hệ trẻ mà còn cả những bậc phụ huynh.
"Những áp lực, khó khăn trong cuộc sống, mâu thuẫn trong tình cảm không phải là lý do để trốn tránh trách nhiệm, xâm hại đến tính mạng của trẻ em", ông Cường nhấn mạnh.
Gia đình, người thân, cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm hơn nữa những người có những cảm xúc tiêu cực, suy nghĩ thiếu chín chắn hoặc những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Với những trường hợp đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì gia đình, chính quyền cần phối hợp quan tâm, tìm hiểu nguyên nhân để có những giải pháp cụ thể, như điều trị bệnh lý, hòa giải mâu thuẫn, hỗ trợ điều kiện kinh tế.
Nhằm ngăn chặn sự việc tái diễn, gia đình và chính quyền phối hợp giao trẻ em cho người thân hoặc cơ sở bảo trợ xã hội.