"Lúc chị gái ẵm con đi, mình đứng như trời trồng và khóc. Lên tới phòng điều trị bệnh nhân F0, mình liên tục hỏi bác sĩ: "Con em có sao không, có sao không?", nước mắt vẫn không ngừng rơi", Hồng nghẹn lời kể.
Ngày 25/5, sau 3 ngày hạ sinh con gái, Hồng (34 tuổi) sắp xếp đồ đạc, vui vẻ chuẩn bị về nhà. Tối hôm trước, bác sĩ kiểm tra Covid-19 lần cuối cùng cho cả 3 người trong phòng cách ly.
"5h sáng mai anh báo kết quả sớm cho gia đình về sớm", vị bác sĩ nói nhẹ, Hồng thở phào nhẽ nhõm.
Đối với Hồng, chưa có lần nào trong đời chị lại phải trải qua cảm giác cực khổ đến như thế! Những ngày cuối cùng của kỳ thai kỳ, chị buộc phải cách ly tập trung tại KCN Vân Trung (>Bắc Giang). Tận đêm 22/5, trước khi lên bàn mổ, Hồng vẫn một mình trong viện.
Chồng chị, anh P.V.H. (48 tuổi), tháng trước được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư đại tràng. Anh H. vừa lên Hà Nội để chuẩn bị phẫu thuật vài ngày thì dịch Covid-19 bùng lên, Bệnh viện K phong toả, không còn cách nào trở về quê.
5h sáng, Hồng gọi chị gái dậy, tất cả đều hồi hộp đợi kết quả. Qua 8h, bác sĩ vẫn chưa quay lại, lòng chị bắt đầu râm ran lửa đốt.
"Chia đồ của con với của mẹ ra, em ở lại", bác sĩ xuống phòng thông báo. Hồng ngã quỵ, khóc nấc.
"Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ mắc Covid-19, mãi cho đến khi bác sĩ gọi tên. Cái suy nghĩ con gái vừa mới sinh giờ sẽ phải làm sao quanh quẩn trong đầu khiến mình không thể nào đứng vững được nữa…", Hồng nói.
Hôm đó, đoạn đường trong BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã chia làm 2 ngả. Hồng được đưa vào khu điều trị dành cho bệnh nhân F0, con gái Hồng thì được chuyển sang khu cách ly tập trung tại trường TH Song Mai. Cảnh ly tán diễn ra trong chớp nhoáng.
Ngày 8/5, KCN Vân Trung (Việt Yên, Bắc Giang) ghi nhận số ca mắc Covid-19 đầu tiên. Qua điện thoại, Hồng được thông báo cách ly tại nhà. Lần đầu tiên tham gia test Covid-19, kết quả âm tính, chị mừng thầm trong bụng.
"Mình nghĩ sẽ chỉ ở nhà, đợi đến lúc đi sinh. Thậm chí ngày 12/5, công ty thông báo xuống rằng mình là F1, phải cách ly tập trung, mình vẫn rất yên tâm. Bởi khoảng thời gian mang bầu mình không đi lại nhiều, gần như không tiếp xúc công nhân mà chỉ làm việc tại văn phòng", Hồng kể.
3 lần kiểm tra sau đó, Hồng tiếp tục nhận kết quả âm tính. Ở trong khu cách ly, cả đêm chị cố gắng tính toán kế hoạch sinh con an toàn nhất.
18h ngày 21/5, trước khi lên bàn mổ vài tiếng đồng hồ, Hồng vẫn chỉ có một mình. Bác sĩ liên tục dặn "phải có người nhà", nhưng chị đành cắn răng chịu đựng.
Tháng trước, chồng chị lên Hà Nội điều trị bệnh ung thư thì dịch bùng, anh không thể về. Mẹ chị nghe tin con gái sắp sinh đã xách đồ chuẩn bị lên xe thì Lục Nam phong toả. Hồng cố gọi điện nhờ thuê dịch vụ hậu sinh, nhưng nghe tới chữ "F1", tất cả đều lắc đầu từ chối.
Cuối cùng, hai bên gia đình mới họp bàn, chị P.T.Hạt (57 tuổi, chị chồng của Hồng) lên tiếng xung phong được đi vào viện. "Cảm giác sợ lắm chứ! Có người còn bảo mình đi vào chỗ đó chỗ chết, nhưng giờ em mình trong đó như thế, bỏ không được nên đành cắn răng chịu…" - chị Hạt kể.
0h30 ngày 22/5, Hồng hạ sinh thành công cô con gái trong phòng cách ly đặc biệt. "Nghe được tiếng con khóc nấc lên, tất cả mới dám mừng" - Hồng kể.
3 ngày trong phòng cách ly BV Đa khoa tỉnh, Hồng tự >chăm sóc con, chị Hạt phụ trách ra ngoài lấy thức ăn. Vài lúc Hồng có lên cơn đau đầu rùng mình, nhưng nghĩ do thiếu ngủ, chị cố uống vài viên thuốc rồi lại thiếp đi cùng con.
Đến ngày 25/5, bác sĩ kiểm tra dịch tễ lần cuối cùng. Nhận kết quả dương tính SARS-CoV-2, Hồng khóc như mưa.
"Lúc chị gái ẵm con đi, mình đứng như trời trồng và khóc. Lên tới phòng điều trị bệnh nhân F0, mình liên tục hỏi bác sĩ: "Con em có sao không, có sao không?". Anh ấy cố động viên "trẻ con sức đề kháng cao", nhưng vẫn không ngừng được nước mắt. Thay vì mình, nếu con bé bị gì, mình sẽ đau đớn biết nhường nào", Hồng nghẹn lời.
Ngày thứ 3 ở trong phòng bệnh nhân F0, Hồng bắt đầu ho có đờm. Mỗi lần như thế, vết thương ngang bụng lại khiến chị co quắt người. Anh H., chồng chị vẫn gọi điện vào, mỗi lần chồng nói, "Anh không về được, mẹ con phải cố gắng hơn nhiều…", chị lại khóc.
Chị gọi điện muốn gặp con. Qua video-call thấy con bé ngọ nguậy khóc, ăn rồi ngủ, chị bắt đầu yên tâm hơn.
"Hôm nay nghe tin con và chị chồng có kết quả âm tính, mình mừng lắm! Thực sự lúc đầu mình đã hoang mang vì liên luỵ nhiều người, nhưng nghĩ nếu gục ngã lúc này thì không biết ai làm điểm tựa cho gia đình nên vẫn ráng cố" - Hồng kể.
Từ hôm xa mẹ, con gái Hồng đã tập uống sữa viên pha loãng. Bé khoẻ mạnh, bụ bẫm. Ngày 27/5, nhờ sự trợ giúp của đội xe cứu thương khu cách ly trường TH Song Mai, mẹ ruột chị Hồng đã được đoàn tụ cùng cháu.
"Bác sĩ bảo sang ngày thứ 9, thứ 10 thì Hồng mới bước vào cơn đau nặng nhất của Covid-19. Giờ đây, tụi chị vẫn phải cố gắng chăm sóc con Hồng thật tốt để động viên cho em ấy" - chị Hạt chia sẻ.
Phòng điều trị cho bệnh nhân F0 của Hồng có 3 người, một thai phụ sắp lâm bồn, một người mắc bệnh nền. Biết về căn bệnh này khó chữa, nhưng mỗi ngày họ vẫn phải động viên nhau.
Hồng chỉ tiếc là lúc mang bầu, chị đã nghĩ ra nhiều cái tên đẹp để đặt cho con, thế rồi dịch đến, mẹ con chưa bên nhau bao lâu thì chia xa. Chị Hạt giờ đành phải đặt tạm cho con chị là Phạm Thị Hương, cùng vần với tên mẹ.
"Mấy nay mình gọi về nói với con bé, đợi mẹ về, mẹ sẽ đặt lại tên con là Tuệ Lâm. Tuệ trong thông minh, Lâm trong khoẻ mạnh để con sống đời đời bên cạnh mẹ…" - Hồng cười, nói về ước mong của mình.