Trong clip, cô giáo đã tát tới tấp vào mặt, dùng thước gỗ vụt mạnh vào người, cẳng chân của nhiều học sinh. Đặc biệt, nam sinh ngồi bàn đầu đã bị cô đánh và tát nhiều lần. Nam sinh này cũng chính là nạn nhân trong vụ việc bị cô tát 11 cái liên tiếp vào thái dương đến tím tái gây xôn xao thời gian qua.

11:33 16/05/2019

Những ngày qua, dư luận xôn xao, bày tỏ thái độ bức xúc trước sự việc 1 nam học sinh lớp 2 ở Hải Phòng bị cô giáo tát liên tiếp 11 cái vào thái dương trong giờ kiểm tra, dùng thước đánh vào chân đến bầm tím.

Nam sinh trong sự việc là em Phạm Nhật Duy (lớp 2A7, trường tiểu học Quán Toan, quận Hồng Bàng, Hải Phòng).

Em Nhật Duy bị cô giáo tát nhiều cái vào đầu, đánh vào chân đến bầm tím.

Liên quan đến sự việc trên, mới đây, mẹ của em Nhật Duy đã đăng tải lên Facebook cá nhân đoạn clip trích xuất từ camera an ninh lớp học cho thấy toàn bộ việc cô giáo tát, đánh con mình. Đoạn clip khiến cộng đồng mạng hết sức bất bình bởi hành động bạo hành của nữ giáo viên với không chỉ em Duy mà còn với nhiều học sinh khác trong lớp học.

Đoạn clip có độ dài hơn 11 phút cho thấy lớp học đang trong giờ kiểm tra. Em Duy ngồi ở bàn đầu của dãy giữa, nhiều lần bị cô giáo (áo kẻ) nhắc nhở và tát trong quá trình làm bài. 

Cụ thể, cô giáo này lớn tiếng quát Duy, tỏ ra khó chịu khi Duy làm bài không đúng ý mình. Vừa quát, nữ giáo viên vừa liên tiếp bạt tai, tát vào vùng đầu của học trò: "Ở đây, nãy không nghe hay sao mà giờ còn hỏi".

Trong suốt quá trình coi thi, cô giáo này chú ý đến Duy và nhiều lần quát mắng, tát em. Đỉnh điểm, vào lúc nộp bài kiểm tra cô giáo thu thiếu bài của Duy, cô ra khỏi phòng học rồi lại quay lại với thái độ bực tức. Lúc này, nữ giáo viên tát tới tấp nhiều cái vào mặt của Duy, dùng thước gỗ đánh mạnh 2 cái vào chân trái của em.

 

Không chỉ quát nạt và đánh mỗi Duy, nữ giáo viên còn có hành động tương tự với nhiều học sinh khác. Theo đó, trong thời gian quan sát lớp làm bài kiểm tra, cô nhiều lần quát và dùng thước đánh vào người, mông các học sinh nam vì các tội như mất trật tự, viết sai hay đứng lên tuỳ tiện. Bị đánh, cả Duy và các học sinh khác đều im lặng không dám phản kháng, vẫn cắm cúi làm bài.

Cô giáo cũng nhiều lần đánh các học sinh nam khác - Ảnh cắt từ clip.

Đoạn clip trên được chị Nguyễn Như Linh - mẹ của em Phạm Nhật Duy đăng tải lên Facebook vào tối 15/5 với chia sẻ đầy bức xúc:

"Tôi không biết từ bao giờ cách dạy của 1 số cô giáo và quan điểm của 1 số người lại cho rằng "thương cho roi cho vọt". Đã bao giờ bạn tự hỏi cái roi cái vọt đó của bạn đã đúng cách hay chưa? Bạn là giáo viên, bạn hãy cho các con 1 cái nhìn chuẩn mực! Không phải bất cứ chuyện gì cũng có thể lôi các cháu ra để đánh, không phải cứ các con làm sai là dùng vũ lực!

Ai cổ suý cho hành động bạo hành đó, chứ riêng tôi và 1 số bậc cha mẹ không đồng quan điểm đó. Bạn là cô giáo, bạn có thể nóng, có thể vụt con trẻ 1,2 cái vào mông để răn đe, chứ không phải lôi 1 đứa trẻ lớp 2 ra tát mặt, tát gáy,...tới tấp!".

Dưới bài đăng của chị Như Linh, rất nhiều người đã để lại bình luận bày tỏ thái độ bức xúc, bất bình trước hành động của nữ giáo viên trong clip.

Chị N.K bình luận: "Phẫn nộ quá! Sao cô giáo lại cứ đánh vào đầu vào mặt học sinh vậy? Chẳng lẽ cô không biết những hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra khi đánh vào đầu vào mặt các cháu sao? Phản đối cách dạy dỗ vũ lực vậy!".

"Trời ơi nhìn các con bị đánh mà thương quá, bậc làm cha làm mẹ nhìn cảnh tượng này không ai có thể bình tĩnh được" - chị M.B viết.

Trước đó, vào buổi trưa 8/5, sau buổi kiểm tra học kỳ 2, chị Nguyễn Như Linh đau lòng khi thấy con trai Phạm Nhật Duy (lớp 2A7) kêu đau đầu, thái dương bầm tím, chân tấy đỏ, rỉ máu.

Theo lời kể của Duy, em bị cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang (giáo viên lớp 2A8, phụ trách giám sát kiểm tra học kỳ lớp Duy) tát vào thái dương, dùng thước kẻ vụt vào chân. Ngay sau đó, chị Linh đã đến gặp ban giám hiệu trường Tiểu học Quán Toan (Hồng Bàng, Hải Phòng) để phản ánh và yêu cầu được trích xuất camera kiểm tra.

Liên quan đến sự việc, ngày 10/5, Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng (thành phố Hải Phòng) đã ra quyết định đình chỉ công tác giảng dạy 6 tháng và không bố trí làm chủ nhiệm 1 năm đối với cô giáo Trang.

Theo Thục Hạnh/Helino