Sau khi chào đón "thiên thần", bà mẹ trẻ xót xa với "hậu quả" là vòng 2 sồ sề cùng những vết sẹo chằng chịt.
Mang thai và sinh con là cả một hành trình đầy khó khăn mà ở đó ghi đậm dấu ấn hy sinh của người phụ nữ. Nhiều chị em may mắn nhanh chóng lấy lại được thân hình thon gọn và làn da không tì vết sau khi sinh. Vậy nhưng cũng không ít mẹ phải ôm theo mình vết sẹo mổ hay những vết rạn da chằng chịt cùng vòng 2 chảy sệ sau cuộc hành trình đó.
Gần đây, trong một nhóm kín dành cho các bà mẹ trên mạng xã hội, tài khoản C.C đã chia sẻ hình ảnh vòng bụng sau sinh của mình.
Bà mẹ này tâm sự: "Có mẹ nào sinh xong để lại hậu quả nghiêm trọng như em không? Nhìn mình đã thấy chán mình rồi nói gì người khác. Ai có bí quyết chữa sẹo thế này chia sẻ em với. Ngán mình tận cổ luôn."
Bài đăng của bà mẹ này ngay lập tức nhận được đông đảo sự quan tâm của chị em. Nhiều chị em bàng hoàng, xót xa khi phải chứng kiến "hậu quả" sau sinh của cô: Một vòng 2 ngấn mỡ chằng chịt những vết rạn thâm đen và đáng sợ hơn là vết mổ dọc kéo dài như con rết giữa bụng.
"Trời ơi nhìn mà xót ghê luôn. Thương bạn quá đi mất. Phụ nữ mình đúng là khổ, chỉ mong hy sinh thế này mà được chồng thấu hiểu chứ còn chê nữa thì càng nản", một tải khoản bình luận.
"Dã man quá, bạn chịu khó thoa rượu gừng nghệ thì vết rạn với sẹo sẽ mờ dần. Đến khi con lớn hơn, có thời gian thì chịu khó tập luyện để giảm mỡ dần là ổn thôi. Bạn đừng suy nghĩ nhiều quá mà thêm chán, cố gắng lên vì con nha", một bình luận khác động viên bà mẹ trẻ.
Bên cạnh đó, nhiều chị em cũng thắc mắc tại sao bà mẹ này lại phải mổ dọc khiến vết sẹo để lại kém thẩm mỹ hơn.
"Sao mẹ nó phải mổ dọc vậy?", "Mình tưởng bây giờ bác sĩ đều mổ ngang hết cơ, mổ dọc này thì khổ quá!", "Bạn mổ cấp cứu à? Thương quá!",... là những thắc mắc được đông đảo cư dân mạng để lại dưới bài đăng.
Trên thực tế, 90% các ca sinh mổ ngày nay đều được mổ ngang để đảm bảo tính thẩm mỹ. Đường mổ ngang có thể thấp như đường ngang ngay trên vùng mu, hay cao hơn một chút ngang ở mức hai mốc xương chậu. Còn đường mổ dọc sẽ nối liền vùng xương mu và rốn. Về cấu trúc giải phẫu, đây là vùng tiếp giáp giữa 2 cơ thẳng bụng, tương đối ít mạch máu, khi đi qua vùng cơ và cân cơ ít làm tổn thương cấu trúc cơ thể nhất. Đường mổ này có điểm lợi là rất cơ động, khi cần có thể kéo dài lên trên qua rốn để mở rộng phẫu trường.
Tuy nhiên, đường mổ thường không đẹp về thẩm mỹ, dễ bị thoát vị thành bụng khi khâu không đúng kỹ thuật hay việc lành vết thương không tốt. Do đó, đường mổ này thường được sử dụng trong các trường hợp như cấp cứu bệnh nặng (vỡ tử cung, băng huyết sau sinh, thai ngoài tử cung mất máu nhiều…), cần lấy thai gấp (mổ sinh khẩn cấp), tiên lượng cuộc mổ khó, chảy máu nhiều và cần phải can thiệp nhiều thao tác (mổ sinh nhau tiền đạo, nhau bong non, nghi vỡ tử cung), cần thám sát nhiều cơ quan khác trong ổ bụng (trong phẫu thuật ung thư phụ khoa), có khả năng phải mổ lại nhiều lần…